(TSVN) – Sử dụng sản phẩm lên men từ cám gạo giúp người nuôi chủ động nguồn thức ăn tươi sống cho Artemia, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Hiện, nguồn thức ăn tươi sống phục vụ sản xuất cá cảnh hiện nay ở nhiều địa phương vẫn phụ thuộc phần lớn vào nguồn khai thác từ tự nhiên, chủ yếu là trùn chỉ, bo bo… được khai thác ở các kênh rạch, dễ trở thành nguồn mang mầm bệnh cho cá cũng như môi trường nuôi cá. Ngoài ra, nguồn khai thác tự nhiên cũng không ổn định, khiến người dân không chủ động được nguồn thức ăn cho cá, ảnh hưởng đến hiệu quả và quy mô sản xuất. Trong khi đó, sinh khối Artemia tươi sống được xem nguồn thức ăn phù hợp, an toàn cho nhiều đối tượng thủy sản, bao gồm cá cảnh. Artemia có hàm lượng đạm khá cao (55%) và hàm lượng axit béo không no, axit amin cần thiết, đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng cho các loài cá cảnh có giá trị kinh tế. Mặt khác, sinh khối Artemia có nhiều kích cỡ nên phù hợp với các giai đoạn sinh trưởng của cá và có ưu thế là ít gây ô nhiễm môi trường nước nuôi so với việc sử dụng các loại thức ăn nhân tạo. Artemia cũng chứa một lượng lớn các sắc tố carotenoid, phù hợp cho lên màu sắc tự nhiên các loài cá cảnh.
Artemia được sử dụng phổ biến trong nuôi trồng thủy sản. Ảnh: FAO
Những năm trở lại đây, nghề nuôi Artemia phát triển mạnh và có chiều hướng lan rộng nhiều khu vực khác. Artemia có thể nuôi trên đồng ruộng, trong bể… Tuy nhiên, việc nuôi nhân tạo Artemia (trong bể kính hoặc bể composite) thường gặp một số khó khăn như nguồn nguyên liệu làm thức ăn đang được sử dụng có giá thành cao, một số nguồn phải nhập khẩu nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Trong khi đó, Việt Nam có nguồn phụ phẩm từ sản xuất nông nghiệp dồi dào và đa dạng chủng loại. Các phụ phẩm nông nghiệp như cám gạo, cám bắp, cám mì là những nguyên liệu dễ kiếm, rẻ tiền, nhưng chúng có nhược điểm là giá trị dinh dưỡng thấp. Tuy nhiên, nếu các nguyên liệu này được lên men với nấm men Saccharomyces cerevisiae sẽ làm tăng hàm lượng dinh dưỡng (từ 10 lên 15% đối với cám gạo), giúp dễ tiêu hóa hơn, kích thước nấm men nhỏ, phù hợp với cỡ mồi của Artemia.
Mặc dù trong thực tiễn, người dân sử dụng các loại phụ phẩm nông nghiệp chủ yếu là cám gạo để làm thức ăn cho Artemia, thế nhưng, theo Nguyễn Văn Hòa và cs (2007), thì hiệu quả sử dụng chỉ khoảng 20%. Để tăng hiệu quả sử dụng, ủ cám với men là một phương pháp trong chăn nuôi gia súc đã được sử dụng nhiều đối với thủy sản vẫn còn rất ít tài liệu được công bố. Trước thực tế đó, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh đã nghiên cứu việc sử dụng sinh khối nấm men Saccharomyces cerevisiae kết hợp thức ăn tôm sú để nuôi sinh khối Artemia. Cám là một trong những sản phẩm được làm ra từ lúa gạo, theo Bùi Đức Hợi và cs. (1997) thì cám chứa protein và chất béo cao nhất so với các sản phẩm khác được làm từ quá trình này. Boy và Goodyear (1971) cho biết trong cám gạo có chứa hàm lượng chất béo từ 14 – 18%, chất đạm từ 11 – 16% nhưng hàm lượng lớn chất xơ và chất bột đường (carbohydrate) cao nên cần phải phối chế với các nguyên liệu khác khi chế biến thức ăn.
Sau khi lên men cám gạo, nhóm tác giả thử nghiệm các công thức thức ăn khác nhau cho Artemia. Kết quả cho thấy, công thức thức ăn để nuôi sinh khối Artemia thích hợp nhất là kết hợp giữa 50% sinh khối nấm men và 50% thức ăn tôm sú. Công thức này cho tỷ lệ sống cao (đạt 88,7%), năng suất sinh khối đạt 2,39 g/l. Hàm lượng chất dinh dưỡng đáp ứng được nhu cầu của cá với hàm lượng protein là 55,26%, lipid đạt 0,91% và có đầy đủ các axit amin cần thiết cho cá cảnh. Ngoài ra, thức ăn cho tôm sú có sẵn trên thị trường, nên người nuôi có thể chủ động được nguồn thức ăn.
Thí điểm nuôi sinh khối Artemia bằng thức ăn từ cám gạo lên men và thức ăn tôm sú tại cơ sở sản xuất cá cảnh của một hộ dân xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh, cho thấy đã đáp ứng được 60 – 70% thức ăn tươi sống, không còn phụ thuộc vào thức ăn khan hiếm ngoài thị trường như trước đây.
Nguyễn Hằng