(TSVN) – Sử dụng nghệ phòng, trị bệnh cho thủy sản được xem là một phương pháp hữu hiệu vừa giảm thiểu chi phí vừa hạn chế dịch bệnh trong quá trình nuôi, đem lại lợi nhuận cho người dân.
Nghệ (Curcuma longa Linn.), một loài thực vật thuộc họ Zingiberaceae, được trồng nhiều ở các nước châu Á như Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ và Việt Nam. Nghệ là cây thân thảo lâu năm, có củ dưới mặt đất. Nó có nguồn gốc ở vùng nhiệt đới Tamil Nadu, phía đông nam Ấn Độ, cần nhiệt độ từ 20 – 30oC và một lượng mưa hàng năm đáng kể để phát triển mạnh. Curcumin (CUR) có bản chất là một polyphenol hydrophobic, màu vàng được chiết xuất từ nghệ tươi. Curcumin được biết đến là chất chống ôxy hóa có khả năng chống viêm, chống ung thư, chống nhiễm trùng, chống ký sinh trùng, kháng khuẩn và được ứng dụng rộng rãi trong hóa dược phẩm. Do đó, từ lâu, nghệ đã được sử dụng trong y học để điều trị các bệnh khác nhau.
Chiết xuất từ củ nghệ có khả năng diệt được vi khuẩn gây bệnh trên thủy sản. Ảnh: ST
Trên cá, nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc chữa lành vết thương, điều hòa miễn dịch, tăng cường khả năng thực bào, chống lại vi khuẩn và ký sinh trùng. Một nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học của Đại học Zagazig, Ai Cập cho thấy, bổ sung 50mg CUR/kg thức ăn, sẽ giúp kích thích tăng trưởng, tăng khả năng kháng khuẩn Aeromonas hydrophyla trên cá rô phi.
Hay nghiên cứu của các nhà khoa học người Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã chỉ ra rằng tác dụng của nghệ lên khả năng miễn dịch và đề kháng lại mầm bệnh trên cá hồi vân. Kết quả cho thấy, hiệu suất tăng trưởng bị ảnh hưởng đáng kể bởi mức độ bột nghệ bổ sung vào chế độ ăn. Ở nghiệm thức chứa 2% bột nghệ cho tăng trọng (WG) và tốc độ tăng trưởng tương đối (SGR) đạt giá trị cao nhất và FCR thấp hơn so với nghiệm thức đối chứng. Ngoài ra, tỷ lệ sống cũng cao hơn ở các nhóm được bổ sung tinh bột nghệ, so với nhóm chứng. Tinh bột nghệ trong chế độ ăn đã kích thích các hoạt động superoxide effutase (SOD), catalase (CAT) và glutathione peroxidase (GSH-Px) ở gan, thận và lách so với nhóm đối chứng.
Mới đây, một nghiên cứu đã được thực hiện để đánh giá khả năng ức chế với một số loài Vibrio spp. nhiễm trên tôm từ chiết xuất nghệ bằng ethanol. Thân rễ củ nghệ được sấy khô (1,15 kg) sau đó được ngâm trong etanol (6 L) trong 8 giờ. Sau đó loại bỏ hết dung môi ethanol và thu được chất chiết củ nghệ với khối lượng 230 g, bằng kỹ thuật này cho hiệu suất chiết xuất là 20% so với trọng lượng tươi, chất chiết dạng cao màu màu đỏ sẫm.
Hoạt tính kháng khuẩn: Nhóm tác giả sử dụng cao này để xác định hoạt tính kháng khuẩn đối với nhóm vi khuẩn Vibrio được phân lập trên tôm sú như vi khuẩn Vibrio harveyi, V. cholera, V. parahaemolyticus, V. alginolyticus, V. vulnificus và V. fluvialis. Kết quả cho thấy chất chiết xuất nghệ bằng ethanol đã thể hiện được khả năng kháng vi khuẩn Vibrio spp. và nồng độ ức chế tối thiểu của chất chiết xuất nghệ bằng ethanol trên Vibrio harveyi, V. cholera, V. parahaemolyticus, V. alginolyticus, V. vulnificus và V. fluvialis lần lượt là 0,47, 0,47, 0,94, 0,47, 3,75 và 0,47 mg/đĩa.
Ngoài ra nhóm tác giả còn tiếp tục xác định ảnh hưởng của dịch chiết nghệ bằng ethanol đến tỷ lệ sống, hệ số chuyển hóa thức ăn và tốc độ sinh trưởng của tôm thẻ chân trắng (TTCT). Tôm này được ăn thức ăn có bổ sung chất chiết xuất nghệ ở các nồng độ khác nhau. Kết quả cho thấy không có sự sai khác có ý nghĩa (P> 0,05) về tỷ lệ sống và chất lượng nước. Tuy nhiên, tỷ lệ phần trăm tăng trưởng trung bình ngày và tăng trọng cao hơn đáng kể (P<0,05) với thức ăn có chứa chiết xuất nghệ bằng ethanol ở nồng độ 7,5 và 15 g/kg thức ăn khi so sánh với đối chứng. Hiệu quả của chất chiết xuất nghệ bằng ethanol như một chất kích thích miễn dịch cho TTCT, cụ thể cho thấy tổng số lượng tế bào máu, hoạt tính phenoloxidase và hoạt tính diệt khuẩn tăng lên khi TTCT ăn thức ăn có bổ sung chất chiết xuất nghệ bằng ethanol với hàm lượng 15 g/kg thức ăn. Bên cạnh đó, tác dụng của chiết xuất nghệ bằng ethanol với nồng độ 15 g/kg thức ăn giúp TTCT tăng cường tỷ lệ sống khi nhóm tôm này cảm nhiễm với vi khuẩn Vibrio harveyi. Những kết quả này chỉ ra rằng chất chiết xuất nghệ bằng ethanol có tiềm năng cao cho tác dụng ức chế với một số loài Vibrio spp. nhiễm trên tôm. Kết quả này được xem là một trong những nghiên cứu về các nguồn có khả năng hữu ích của hợp chất thiên nhiên có khả năng kháng khuẩn.
Nguyễn Hằng