Sử dụng Vitamin C trong nuôi trồng thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Hỏi: Dấu hiệu của cá, tôm khi bị thiếu Vitamin C? Xin tư vấn cách sử dụng Vitamin C mang lại hiệu quả cao?

(Nguyễn Văn Khánh, xã Bình Sơn, TP Sông Công, tỉnh Thái Nguyên)

Trả lời:

Khi cá thiếu Vitamin C sẽ dẫn đến việc giảm ăn, yếu và hoạt động kém, nặng hơn là bị biến dạng cấu trúc, dị tật xương sống… hay xuất hiện hiện tượng xuất huyết gốc vây và da, mất sắc tố ở da, tổn thương da và hàm lượng khoáng giảm ở cá rô phi. Ở tôm, thức ăn thiếu Vitamin C là nguyên nhân dẫn đến bệnh chết đen do màu sắc cơ thể chuyển sang màu đen tối và làm giảm tỷ lệ sống của ấu trùng tôm, tăng thời gian biến thái.

Vitamin C có đặc điểm là tan nhanh trong nước, nếu đưa thẳng xuống ao, bể nuôi thì hiệu quả sẽ không cao. Do đó, bà con nên hòa với nước rồi trộn vào thức ăn cho cá/tôm. Đối với vitamin C, thiếu hay thừa đều không tốt, xác định đúng liều lượng sử dụng là việc làm tất cần thiết. Liều lượng sử dụng tùy thuộc vào loại Vitamin C, khoảng 500 – 1.000 mg/kg thức ăn. Đồng thời, nên định kỳ bổ sung khoảng 10 – 15 ngày/lần; khi cá bị bệnh cần tăng thêm liều lượng và bổ sung 5 – 7 ngày liên tục.

Hiện nay, trên thị trường thuốc thủy sản trong nước có rất nhiều sản phẩm cung cấp Vitamin C cho tôm, cá với nhiều loại và tỷ lệ hàm lượng khác nhau. Hàm lượng Vitamin C của các công ty sản xuất có thể là 10%, 15%, 20%, 25% hoặc 30%. Với các hàm lượng khác nhau thì việc bổ sung cho tôm cá nuôi cũng sẽ khác nhau về liều lượng. Hàm lượng Vitamin C cao thì lượng bổ sung thấp hơn và ngược lại. Thông thường, trên thị trường nếu hàm lượng Vitamin C là 20% thì liều lượng cho tôm, cá ăn khoảng 3 – 6 g/kg thức ăn, để tạt xuống ao là 0,5 – 1 kg/1.000 m3. Người nuôi cần tìm mua tại các công ty có uy tín để có các sản phẩm chất lượng và hiệu quả.

Để xác định đúng liều lượng, nên cân trước khi phối trộn, căn cứ theo lượng cá, tôm trong ao mà xác định liều sử dụng phù hợp. Thêm vào đó, xác định lượng nước để hòa tan Vitamin C, trung bình 1 kg thức ăn sử dụng 100 ml nước, không nên sử dụng nhiều nước sẽ làm viên thức ăn chìm xuống cá không sử dụng được.

Hỏi: Tôi được biết Vitamin C rất hữu ích đối với thủy sản? Vậy xin hỏi sử dụng Vitamin C mang lại hiệu quả như thế nào cho cá, tôm?

(Chu Văn Sơn, xã Phú Lộc, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình)

Trả lời:

Vitamin C là một yếu tố dinh dưỡng vi lượng thiết yếu cho cá vì nó cần thiết cho quá trình tổng hợp collagen và cartilage ở động vật có xương sống (Halver, 2002). Bên cạnh đó, Vitamin C được xem như là chất kháng ôxy hóa (Hwang and Lin, 2002), kích thích hệ miễn dịch (Cuesta et al., 2002), hỗ trợ hấp thu sắt giúp ngăn ngừa hiện tượng thiếu máu thường gặp ở cá do thiếu Vitamin C (Florou, 2000) và giảm stress (Henrique et al., 2002). Nhiều loài cá không có khả năng tổng hợp Vitamin C do thiếu enzym L-gulono-lactone oxidase, đây là enzyme chuyển hóa L-gulonolactone thành Vitamin C ở gan và thận cá. Với những nguyên nhân trên nên hầu hết thức ăn sử dụng trong nuôi trồng thủy sản đều chứa một lượng lớn Vitamin C nhằm ngăn chặn bệnh và quản lý sức khỏe của cá nuôi (Monroig, 2007; Ibrahem et al., 2010). 

Nhiều nghiên cứu cho thấy bổ sung Vitamin C cho tôm, cá giúp cải thiện tỷ lệ sống, tăng trưởng, giảm tỷ lệ dị hình của xương, tăng cường hệ miễn dịch và giảm stress (Dabrowski, 1992). Bổ sung Vitamin C trong khẩu phần ăn của một số loài cá như cá nheo Mỹ (Durve and Lovell, 1982; Li and Lovell, 1985), cá hồi cầu vồng (Navarre and Halver, 1989), cá hồi Đại Tây Dương (Hardie et al., 1991) và cá mú (Qin et al., 2000) có thể làm tăng khả năng kháng bệnh của chúng. 200 Vitamin C/ kg thức ăn giúp tôm càng xanh cải thiện tỷ lệ sống và tăng khả năng kháng bệnh vi khuẩn (Trần Thị Thanh Hiền, 2004)…

Ban KHKT

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!