THỨ HAI, ngày 20/1/2025

Sự thật về omega-3 trong thức ăn thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Dầu cá chứa 1/3 hàm lượng axit béo omega-3 cung ứng cho toàn cầu, trong khi hầu hết dầu thô để sản xuất các sản phẩm omega-3 đều có nguồn gốc từ các loài cá nổi nhỏ như cá cơm và cá mòi.

Phụ thuộc cá tự nhiên

Tổ chức Bột cá Dầu cá Thế giới (IFFO) vừa tổ chức hội thảo chuyên đề về omega-3 trong thức ăn thủy sản vào tháng trước tại Đại học Stirling, Anh. Theo IFFO, ngày càng nhiều sản phẩm omega-3 hiện nay được sản xuất từ phụ phẩm trong ngành chế biến thủy sản. Trong năm 2022, 54% sản lượng dầu cá toàn cầu được sản xuất từ phụ phế phẩm thủy hải sản. Peru, quốc gia dẫn đầu về nguồn cung bột cá, dầu cá thế giới, chiếm 25% sản lượng EPA và DHA toàn cầu (axit eicosapentaenoic và axit docosahexaenoic – hai trong số các loại omega-3 được tiêu thụ nhiều nhất trong NTTS).

Theo thống kê của IFFO, sản lượng dầu cá toàn cầu trong thập kỷ qua ổn định ở mức trung bình 1,2 triệu tấn mỗi năm. Tuy nhiên, nguồn cung toàn cầu năm nay sẽ sụt giảm. Enrico Bachis, Giám đốc nghiên cứu thị trường tại IFFO cho biết, các hiện tượng thời tiết cực đoan El Nino diễn ra gần đây là những nguyên nhân khiến sản lượng EPA và DHA năm ngoái giảm mạnh. Ngoài ra, El Nino cũng là tác nhân làm suy giảm hàm lượng dầu tổng thể trong cơ thể cá. Theo các chuyên gia tại IFFO, ba lĩnh vực đang làm gia tăng nhu cầu tiêu thụ bột cá và dầu cá gồm NTTS (sử dụng hơn 70% tổng sản lượng dầu cá toàn cầu); dược phẩm và thức ăn cho thú cưng.

Dinh dưỡng thiết yếu

EPA và DHA có nhiều tác dụng đối với vật nuôi thủy sản và conngười như cấu trúc màng tế bào, điều hòa viêm và kháng bệnh. BrettGlencross, Giám đốc kỹ thuật tại IFFO cho biết, do có nhiều loài khác nhau nên khó gộp chung các loài cá biển với hau và cách chúng phản ứng với EPA và DHA. Cần có thêm nghiên cứu trong lĩnh vực này để phát triển chiến lược quản lý tối ưu nguồn cung omega-3.

Bente Ruyter, một chuyên gia dinh dưỡng tại Nofima đã báo cáo cách omega-3 ảnh hưởng đến tăng trưởng, chất lượng và sức khỏe của cá hồi Đại Tây Dương. Theo đó, hàm lượng EPA và DHA trong thành phần chất béo thức ăn của cá hồi nuôi trong lồng trên biển dao động 6,5 – 10% là mức cần thiết để tác động tích cực đến tăng trưởng và chất lượng thịt cá. Trong khi đó, lượng hấp thụ từ 3% đến 10% là cần thiết để tác động tích cực đến sức khỏe của cá, tùy thuộc vào mô, giai đoạn sống và mức độ căng thẳng cũng như môi trường.

Tôm không dự trữ lipid như cá và không phải là thực phẩm cung cấp omega-3 hữu ích cho con người giống như cá hồi, nhưng tôm vẫn cần omega-3 trong khẩu phần ăn hàng ngày. Theo TS Brett Glencross, cơ thể tôm không chịu được mức lipid cao. Mức độ chất béo và cấu hình axit béo là những yếu tố chi phối quá trình tiêu hóa chất béo của tôm. Tuy nhiên, tôm không thể thiếu axit béo omega-3 trong chế độ ăn. Sự kết hợp giữa PUFA chuỗi ngắn và chuỗi dài tốt hơn so với việc sử dụng riêng lẻ, và hiệu lực này thể hiện rõ ràng ở nhiều loài tôm.

Hạn chế omega-3 mới

Nguồn cung omega-3 từ cá tự nhiên đang dần suy kiệt, làm bùng lên các cuộc tìm kiếm những nguồn omega-3 mới. Monica Betancor, giáo sư tại Viện NTTS, Đại học Stirling cho hay, hàng loạt sản phẩm omega-3 mới hiện nay đều có lợi ích đi kèm rủi ro.

Trồng tảo trong nhà theo trang trại thẳng đứng là mô hình được sử dụng nhiều nhất hiện nay trên thế giới để sản xuất EPA và DHA. Các loại tảo này được sử dụng làm thức ăn cho các vật nuôi thủy sản ở giai đoạn ấu trùng và trưởng thành. Tuy nhiên, việc sử dụng sinh khối vi tảotrực tiếp trong thức ăn bị hạn chế về tỷ lệ bổ sung do các rào cản về khả năng tiêu hóa, giá cả, đặc biệt là đối với dầu tảo.

Nhiều cây trồng biến đổi gen đã được phát triển bao gồm các gen vi tảo hiện có khả năng sản xuất EPA và DHA. Nhưng vướng mắc của cây trồng biến đổi gen đến nay vẫn là luật pháp và quy định nghiêm ngặt ở một số quốc gia. Cùng đó, nhiều thị trường và người tiêu dùng vẫn chưa sẵn sàng tiếp nhận các loại cây trồng biến đổi gen vì những lo ngại ảnh hưởng đến sức khỏe.

DŨNG NGUYÊN

(Theo Allaboutfeed)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!