(TSVN) – Trên đà hồi phục từ cuối năm 2021, giá trị xuất khẩu thủy sản 3 tháng đầu năm 2022 tiếp tục tăng trưởng ổn định, khi đạt tới 2,4 tỷ USD, tăng 38,7% so cùng kỳ năm 2021. Kết quả này chủ yếu nhờ ngành cá tra và tôm vẫn đang trên đà hồi phục mạnh, có những đột phá ngoạn mục.
Theo VASEP, xuất khẩu thủy sản trong tháng 3 ước đạt 900 triệu USD, lũy kế 3 tháng đầu năm ước 2,4 tỷ USD (tăng 38,7%). Đây là mức tăng kỷ lục tính theo 1 tháng và quý của xuất khẩu thủy sản Việt Nam từ trước đến nay. Đóng góp cho sự tăng trưởng mạnh mẽ này chủ yếu nhờ sản xuất cá tra đang trên đà hồi phục mạnh, kết quả 3 tháng đầu năm, xuất khẩu mặt hàng này ước đạt 646 triệu USD (tăng 88% so cùng kỳ năm ngoái). Cá tra đang lấy lại vị thế trong cơ cấu sản phẩm thủy sản xuất khẩu khi chiếm 27% giá trị xuất khẩu toàn ngành.
Trong khi đó, đối với nhóm mặt hàng tôm, trong quý đầu năm nay đạt trên 900 triệu USD (cao hơn 37% so năm 2021), chiếm 37% tỷ trọng xuất khẩu thủy sản. Đáng chú ý, theo VASEP, hiện nhu cầu các mặt hàng thủy sản ở các thị trường như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Anh… đang rất lớn. Hàng loạt các nhà hàng, siêu thị… ở các thị trường đang mở cửa trở lại, giúp các doanh nghiệp Việt Nam đầy ắp đơn hàng đến cuối năm.
Ông Trần Văn Việt, Giám đốc HTX nuôi tôm công nghiệp Thành Công (xã Tân Dân, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) cho biết, thời điểm này các ao tôm của người dân đều được thả nuôi, chứ không còn “treo” ao như lúc giá xuống thấp trước đây. Dù mới có vài tháng đầu năm nhưng vụ tôm khá thuận lợi, tôm nuôi ít dịch bệnh, giá khá cao nên ai cũng có lời. Tuy nhiên, trăn trở của người dân hiện nay là giá thành đầu vào của các loại nguyên liệu rất cao.
Những tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu tôm tại các tỉnh ĐBSCL rất khả quan. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu thủy sản (chủ yếu là tôm) 2 tháng đầu năm 2022 của tỉnh Cà Mau đạt 165 triệu USD, bằng 15,4% kế hoạch, tăng 101% so cùng kỳ. Còn xuất khẩu tôm của tỉnh Bạc Liêu đạt trên 113 triệu USD, đạt gần 13% kế hoạch, tăng trên 6%…
Đại diện Công ty CP Tập đoàn thủy sản Nam Việt nhận định, thời điểm từ đợt Tết Nguyên đán đến nay, thị trường tiêu thụ các sản phẩm cá tra của nước ta có những chuyển biến tích cực với đơn đặt hàng tăng liên tục, giá xuất khẩu cũng tăng theo. Các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra fillet sang một số nước châu Âu với giá khoảng 3,5 USD/kg, thị trường Trung Quốc khoảng 3,2 – 3,4 USD/kg, riêng thị trường Mỹ do đòi hỏi chất lượng cao nên giá xuất từ 6 USD/kg trở lên… Đây là mức giá xuất khẩu thuộc dạng cao nhất trong khoảng 2 năm qua. Nguyên nhân chính là nguồn cung giảm, trong khi nhu cầu của thế giới tăng nên giá tăng theo. Ngoài ra, Tập đoàn Nam Việt cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Bộ Thủy sản và Tài nguyên biển Sierra Leone trên lĩnh vực thủy sản. Với kinh nghiệm hoạt động nhiều năm cùng mô hình nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu cá tra theo quy trình khép kín, công nghệ hiện đại, Nam Việt tự tin sẽ cung ứng những sản phẩm cá tra chất lượng, giá trị dinh dưỡng cao cho Cộng hòa Sierra Leone cũng như khu vực Tây Phi.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP cho biết, dự báo xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong tháng 4 vẫn duy trì tăng trưởng 25% đạt 934 triệu USD. Trong đó, tôm và cá tra tiếp tục là điểm sáng. Giá hai mặt hàng này dự báo tiếp tục tăng và duy trì ở mức cao trong nửa đầu năm 2022 do tình trạng thiếu nguyên liệu, đặc biệt khi các Hiệp định thương mại như EVFTA, UKVFTA… bắt đầu phát huy tác dụng.
Được biết, Bộ NN&PTNT đang chuẩn bị tổ chức đoàn giao thương, quảng bá chuỗi cung ứng trái cây, thủy sản tại Trung Quốc trong quý II/2022. Cùng với đó là chuẩn bị nội dung làm việc song phương với các nước: Anh, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Hàn Quốc; xây dựng Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đi EU, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, nhằm thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong thời gian tới, Bộ đã lên kế hoạch đàm phán xuất khẩu các mặt hàng ớt, sầu riêng, sữa và sản phẩm sữa, bột cá và dầu cá, sản phẩm lông vũ sang Trung Quốc; nhãn sang Nhật Bản; bưởi, chanh ta sang New Zealand; bưởi sang Mỹ và Ấn Độ; sản phẩm động vật sang Hàn Quốc; mật ong sang EU…
Đưa ra các giải pháp về đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, thông qua nhiều chương trình xúc tiến thương mại số, Bộ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp xuất khẩu nông sản đẩy mạnh khai thác hiệu quả các FTA đã ký với các quốc gia, lãnh thổ, đặc biệt là FTA với Liên minh kinh tế Á-Âu; các nước khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Hiện, Bộ NN&PTNT và Bộ Công thương đang phối hợp trong việc đánh giá, dự báo tình hình một cách kịp thời chính xác; cùng nhau tìm giải pháp ổn định sản xuất và cung ứng cho thị trường trong nước cũng như xuất khẩu hàng hóa nông sản. Đặc biệt là chú trọng trao đổi, đàm phán với các nước để đưa hàng nông sản của Việt Nam vào nhiều thị trường.
Hồng Hạnh