T2, 06/07/2020 09:49

SuPa – Dự án mới, cơ hội mới

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Ngày 24/2/2011 tại Hà Nội, lễ ký kết Biên bản hợp tác triển khai “Dự án quản lý bùn thải ao nuôi cá tra (viết tắt là SuPa)” đã diễn ra giữa Trường Đại học Wageningen Hà Lan, cơ quan chủ trì dự án và Trung tâm Chuyển giao công nghệ và dịch vụ thủy sản Việt Nam (FITES) – đơn vị được Bộ NN&PTNT Việt Nam giao nhiệm điều phối dự án này. Nhân dịp này, phóng viên Tạp chí Thủy sản Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tiến sỹ Roel Bosma (ảnh), Trưởng bộ môn Nuôi trồng thủy sản Trường Đạ

Xin ông cho biết mục tiêu của Dự án SuPa?

Dự án SuPa nhằm đạt mục tiêu cải thiện chất lượng thức ăn nuôi cá để giảm lượng phân thải và tăng độ kết dính của phân; thu gom và xử lý bùn thải, qua đó góp phần vào việc phát triển nuôi cá tra bền vững.

 

Kết quả của Dự án SuPa đóng góp như thế nào trong mục tiêu phát triển cá tra bền vững của Việt Nam, thưa ông?

Chúng tôi nghĩ rằng dự án này sẽ góp phần cải thiện thể chất, đời sống của cá tra trong ao nuôi, nâng cao chất lượng sản phẩm, năng suất và hiệu quả kinh tế, đồng thời giảm thiểu các tác động của nghề nuôi cá tra đến môi trường và việc sử dụng kháng sinh trong quá trình nuôi cá. Qua đó, dự án góp phần đạt được mục tiêu phát triển sản xuất bền vững.

 

Ông có thể chia sẻ những khó khăn trong quá trình triển khai dự án?

Thách thức đầu tiên đối với dự án là phải tìm ra giải pháp giải quyết vấn đề thức ăn để cá bài tiết phân ít hơn/phân dính (không rời từng mẩu và tan trong nước). Hiện nay, ngay sau khi bài tiết, phân cá tra sẽ tan thành từng mẩu nhỏ trong nước và nhiều hạt có thể bị chảy ra môi trường. Phân ổn định hơn trong nước sẽ được chuyển đến ao lắng, sau đó gom phân xử lý thành sản phẩm có thể sử dụng được (ví dụ như phân bón). Thách thức thứ hai chính là việc nghiên cứu thiết lập hệ thống bơm tuần hoàn nước nuôi cá đạt hiệu quả với một bộ lọc làm sạch nước ao nuôi.

Lễ ký kết Biên bản hợp tác triển khai Dự án SuPa

 

Ngoài Dự án SuPa, nhóm nghiên cứu của ông đang có những hoạt động gì trợ giúp cho ngành thủy sản Việt Nam?

Ngoài Dự án SuPa, chúng tôi đang triển khai một số hoạt động tại Việt Nam.

– Hỗ trợ Bộ NN&PTNT Việt Nam (MARD) phát triển hệ thống thu thập dữ liệu cần thiết của Việt Nam để được công nhận là thành viên của Ủy ban Nghề cá Tây và Trung Thái Bình Dương (WCPFC);

– Dự án nghiên cứu về hệ thống nuôi tôm ở ĐBSCL (RESCOPAR). Trong dự án này, chúng tôi kết hợp với Trường Đại học Cần Thơ và hy vọng sẽ góp phần tăng thêm việc làm cho nông dân và các nhà sản xuất nhỏ;

– Đào tạo giảng viên cho Trường Đại học Cần Thơ và Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II (RIA-2) với trọng tâm phát triển lĩnh vực khoa học trong hệ thống nuôi trồng thủy sản khép kín (tuần hoàn nước).

Dự án SuPa góp phần vào việc phát triển nuôi cá tra bền vững ở Việt Nam            Ảnh: Việt Anh

 

Là một nhà khoa học, là người bạn của người nuôi cá tra Việt Nam, theo ông, người nuôi cá tra Việt Nam cần phải làm gì để sản phẩm cá tra có thể chiếm lĩnh thị trường thế giới một cách vững chắc hơn trước hàng loạt các yêu cầu chứng chỉ như Global GAP, ASC…?

Theo tôi, người nuôi cá tra Việt Nam nên:

– Bắt đầu sử dụng ao lắng.

– Ngừng sử dụng các loại thuốc có trong “danh sách cấm sử dụng”, bởi đây là một trong những nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng trên thế giới, kể cả Việt Nam; Cục Quản lý chất lượng Nông Lâm và Thủy sản (Nafiqad) đóng vai trò quan trọng trong vấn đề này.

– Người nuôi cá tra phải xử lý nước thải đúng kỹ thuật bởi vì chất thải từ ao nuôi đe dọa đến hầu hết các dòng sông lớn cũng như các ao, hồ.

– Những khu vực có cồn đất (giữa sông), rừng hoặc bãi cỏ hoang đã được chuyển đổi thành các ao nuôi cá tra nên tìm cách bù đắp lượng cây rừng đã mất thông qua sự đầu tư thay thế tự nhiên và nên phối hợp điều này với Qũy Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF).

Trân trọng cảm ơn ông!

 

Các thông tin liên quan đến Dự án SuPa

* Khởi động dự án: Tháng 11/2010

* Các cơ quan nghiên cứu nội dung của dự án:

– Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ nghiên cứu về thức ăn cho thủy sản.

– RIA-2 nghiên cứu về xử lý chất thải.

– Viện Nghiên cứu Kinh tế Hà Lan và FITES    đánh giá kết quả kinh tế của dự án.

– FITES phổ biến ứng dụng kết quả của dự án.

– Trường Đại học Wageningen Hà Lan quản lý    dự án.

 * Triển khai dự án: Tháng 1/2011 đến tháng 7/2013.

* Đánh giá kết quả dự án: Tháng 8 đến tháng 12/2013.

 

Hồng Thắm

                (Thực hiện)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!