Hiện, sản phẩm cá tra của Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại – Dịch vụ Thuận An (Tafishco) có mặt rộng khắp trên thị trường trong nước và quốc tế với sự đa dạng, phong phú về chủng loại… Thuận An đã không ngừng phát triển, tạo bước đột phá mới để thực sự trở thành một trong những công ty chế biến thủy sản hàng đầu Việt Nam.
Bắt kịp xu thế
Tiền thân là doanh nghiệp tư nhân với ngành nghề chính là sản xuất chế biến phụ phẩm thủy sản (bột cá, mỡ cá), đến đầu năm 2001 trên cơ sở định hướng phát triển kinh tế xã hội của UBND tỉnh An Giang là ưu tiên tập trung vào đầu tư cho ngành kinh tế thủy sản, Tafishco hòa mình vào xu thế. Sau 10 năm thành lập và phát triển, Tafishco đã trở thành một trong những doanh nghiệp xuất khẩu cá tra liên tiếp có những thành công, tạo được chỗ đứng vững chắc trong ngành xuất khẩu. Được biết đến là người đầu tiên khởi xướng việc chế biến phụ phẩm thành sản phẩm cho lợi nhuận cao (chiết xuất dầu cá, bột cá từ những phụ phẩm của cá tra), bà Nguyễn Thị Huệ Trinh, Tổng giám đốc Tafishco cho biết: Doanh thu của Tafishco năm 2011 đạt 48 triệu USD, chủ yếu hàng đông lạnh, bột cá, mỡ cá.
Nhìn lại năm 2011, mô hình nuôi cá tra có hiệu quả của Công ty được tỉnh An Giang đánh giá cao (một trong 3 mô hình chọn làm thí điểm nuôi liên kết dọc với tổng diện tích 30 ha, trong đó 15 ha được chứng nhận GlobalGAP. Với mô hình này, Công ty đã chủ động được 30% nguyên liệu, còn lại 50% là nguyên liệu từ liên kết với các hộ nuôi, 20% còn lại thu mua từ thị trường. Tất cả các sản phẩm của Công ty đều được đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
>> Tafishco – Đơn vị tiên phong trong “Chuỗi liên kết dọc cá tra” Để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, chia sẻ rủi ro với người nuôi, được sự hỗ trợ Bộ Công thương, giữa năm 2011 Sở Công thương An Giang phối hợp Sở NN&PTNT và Tafishco triển khai thí điểm mô hình “Chuỗi liên kết dọc cá tra”. Đến nay mô hình này đã đem lại nhiều kết quả đáng ghi nhận. “Chuỗi liên kết dọc cá tra” là mô hình liên kết dọc theo chuỗi sản xuất từ công đoạn sản xuất cá giống, nuôi cá thịt, chế biến sản phẩm đến thị trường tiêu thụ, trong đó có liên kết các dịch vụ khác như cung ứng thức ăn, thuốc, hóa chất phục vụ sản xuất, dịch vụ ngân hàng để đầu tư cho các khâu sản xuất. Trong chuỗi liên kết này, An Giang chọn 3 doanh nghiệp làm nòng cốt gồm Công ty CP Việt An, Công ty CP XNK Thủy sản An Giang và Tafishco. |
Hiện, sản phẩm cá tra mang thương hiệu Tafishco được bày bán trong các siêu thị trong nước với nhiều hình thức fillet, giá trị gia tăng. Sản phẩm được người tiêu dùng ưa thích và đánh giá cao. Không những vậy, thương hiệu sản phẩm cá tra Tafishco đã có mặt trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngoài các yếu tố đạt tiêu chuẩn quốc tế về an toàn vệ sinh thực phẩm như HACCP, HALAL, EU CODE… sản phẩm cá tra của Tafishco còn được đảm bảo vì chất lượng uy tín.
Chuỗi liên kết cá tra – Tafishco
Nhằm phát triển bền vững, Tafishco đã đầu tư quy trình công nghệ tiên tiến phù hợp với xu thế phát triển của giai đoạn mới. Công ty đã thực hiện dự án tiết kiệm năng lượng tại phân xưởng chế biến bột – mỡ cá; Dự án xử lý nước thải sản xuất thu hồi khí biogas theo cơ chế sạch CDM. Đặc biệt phải kể đến việc Tafishco đã triển khai thực hiện “Chuỗi liên kết cá tra – Tafishco” – mô hình thí điểm đầu tiên ở ĐBSCL và trong cả nước, nhằm chia sẻ giá trị chuỗi lợi nhuận một cách hài hòa, được ngư dân đồng tình hưởng ứng.
Để chuỗi thí điểm này mang lại hiệu quả một cách bền vững, Công ty đã thành lập Trung tâm cung ứng vật tư nuôi trồng thủy sản. Trung tâm được thành lập với mục đích kiểm soát chất lượng giống, thuốc, thức ăn, vật tư sử dụng, giúp người nuôi tiếp cận được vật tư với giá gốc ngay tại các nhà máy sản xuất trong điều kiện giá cả thị trường tăng bất thường; Chủ động được nguồn nguyên liệu để đáp ứng cho hoạt động sản xuất của các nhà máy; Duy trì, ổn định hoạt động sản xuất… thông qua đó truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, nâng cao thương hiệu, cạnh tranh được trên thị trường xuất khẩu; Liên kết chặt chẽ giữa tất cả các thành viên vì sự ổn định và cùng nhau phát triển, nó còn là nhịp cầu để cho cơ sở nuôi cá giống – cá thịt – nhà cung cấp thức ăn – nhà cung cấp thuốc thủy sản và nhà máy chế biến thường xuyên gặp nhau để trao đổi thông tin, chia sẻ những rủi ro, khó khăn, thuận lợi trong quá trình nuôi trồng, sản xuất, chế biến và xuất khẩu.
Bên cạnh đó, Trung tâm còn trang bị một số thiết bị tại phòng xét nghiệm, đội ngũ kỹ thuật viên có thể tư vấn miễn phí, hỗ trợ cho ngư dân trong việc sử dụng thuốc điều trị bệnh cho cá, hoặc làm dịch vụ khám và điều trị bệnh cho cá nếu ngư dân có nhu cầu. Một đặc điểm khác biệt của Trung tâm là làm nhiệm vụ bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch.
Trụ sở chính của Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại – Dịch vụ Thuận An – Ảnh: Gia Bảo
Với mô hình chuỗi liên kết giá trị, đòi hỏi doanh nghiệp và người nuôi cần có vốn đầu tư. Vì vậy, bà Huệ Trinh – Giám đốc Công ty đề nghị ngân hàng cần ưu tiên cho vay. Theo đó, doanh nghiệp sẽ bảo lãnh nguồn vốn vay đầu tư cho các hộ chăn nuôi để mua con giống, thức ăn, trả tiền nguyên liệu rồi trích lại một khoản thanh toán để trả lại tiền vay cho ngân hàng. Cách làm này giúp người dân vừa có vốn nuôi cá, doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu ổn định trong khi ngân hàng không phải vất cả đi thu hồi vốn dàn trải ở từng hộ nuôi.
Với sự quyết tâm và việc đầu tư có định hướng, chiến lược sản xuất kinh doanh hợp lý, Tafishco sẽ vững bước trên bước đường hội nhập và phát triển, khẳng định thương hiệu, uy tín trên thị trường.
>> Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại – Dịch vụ Thuận An là một trong 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam do VietNam Report (VNR 500) bình chọn năm 2011, là một trong 3 vùng nuôi được lựa chọn làm mô hình thí điểm nuôi liên kết dọc tại tỉnh An Giang. |