(TSVN) – Đây là đánh giá của nhiều đại biểu khi tham gia góp ý cho dự thảo “Đề án phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp giai đoạn 2023-2030” do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 8/11 tại Hà Nội.
Trong những năm qua, ngành nông nghiệp Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, bảo đảm an ninh lương thực và nâng cao thu nhập cho người dân. Năm 2022, GDP nông lâm thủy sản tăng 3,36%, là mức tăng cao nhất trong nhiều năm gần đây; trong đó thủy sản tăng 4,43%. Thị trường xuất khẩu không ngừng mở rộng, nông sản Việt Nam hiện đã có mặt tại 190 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp.
Các đại biểu tham gia Hội thảo tổ chức tại điểm cầu Hà Nội
Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT) trình bày những nội dung chính của dự thảo Đề án.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định “Khoa học công nghệ là động lực thúc đẩy nông nghiệp tuần hoàn”
Theo đó, mục tiêu chung của Đề án là: Phát triển nông nghiệp tuần hoàn dựa trên cơ sở đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ, quy trình sản xuất, quản trị nông nghiệp tiên tiến nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực trong nông nghiệp, giảm chi phí đầu vào, gia tăng giá trị trong chuỗi nông sản; giảm lượng phế thải, tăng tỷ lệ phụ phẩm nông nghiệp được tái sử dụng, tái chế; hình thành chu trình sản xuất nông, lâm, thuỷ sản khép kín theo chuỗi; xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản xanh, phát thải thấp hướng tới mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp xanh, bền vững, trách nhiệm và hiệu quả. Riêng đối với thủy sản mục tiêu đến năm 2030 toàn bộ phụ phẩm của công nghiệp chế biến tôm và cá tra được tái sử dụng cho sản xuất tuần hoàn.
Ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn trình bày nội dung chính dự thảo Đề án
Ông Thắng dẫn chứng thêm: Hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp, tập đoàn, trang trại đã đầu tư các mô hình công phu với công nghệ hiện đại để xử lý phụ phẩm trong lĩnh vực thủy sản, góp phần gia tăng giá trị kinh tế, đồng thời giúp bảo vệ môi trường. Hầu như các phụ phẩm như vỏ tôm, đầu cá đều được tận dụng triệt để thông qua hoạt động tái chế thành thức ăn chăn nuôi, dầu tôm, phân bón,…Trong khi đó, tỷ lệ tái chế phụ phẩm ở các ngành khác còn thấp. Do vậy, rất cần đẩy mạnh khoa học công nghệ giúp phát triển nền nông nghiệp bền vững.
Bảng thống kê phế phụ phẩm trong một số ngành năm 2021. Nguồn: GSO; VASEP
Tham gia góp ý cho dự thảo của Đề án, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và dịch vụ nông nghiệp Việt Nam cho rằng: Cần quan tâm chế biến phụ phẩm chăn nuôi, thủy sản để có thể tái sử dụng trong các ngành khác. Hơn nữa phụ phẩm của chế biến thủy sản hiện nay có thể làm thức ăn cho gia súc rất tốt. Tuy nhiên, cách làm này vẫn chưa thực sự phổ biến nhất là với các mô hình canh tác nhỏ lẻ. Do vậy, để Đề án đảm bảo thực tiễn cần có những nghiên cứu, phân tích sâu hơn, cần chỉ ra ưu nhược điểm và tính ứng dụng của từng mô hình với mỗi trường hợp cụ thể.
Biểu đồ xử lý phế phụ phẩm trong thủy sản năm 2020. Nguồn: TCTK
Bà Ngô Kiều Oanh, chuyên gia nông nghiệp hữu cơ nhấn mạnh: Nếu không xử lý được môi trường đặc biệt là môi trường nông thôn thì khó đạt được các mục tiêu của Đề án. Các nội dung trong này cần chi tiết với căn cứ pháp lý đầy đủ. Trong Đề án này, công nghệ rất quan trọng, nên thêm phần điều tra các công nghệ đã có, các công nghệ truyền thống, công nghệ của thế giới, những tiến bộ cần học hỏi từ quốc tế thông qua các mô hình đã có của công ty, doanh nghiệp. Nên chăng có cơ chế khuyến khích cho các doanh nghiệp, người dân tham gia đóng góp các nghiên cứu đổi mới sáng tạo.
Được biết trước đó, dự thảo Đề án đã được gửi tới các đơn vị trực thuộc Bộ NN&PTNT cùng các Bộ, ngành liên quan. Tính đến ngày 06/11/2023, Bộ NN&PTNT đã nhận được phản hồi của 72 đơn vị: 4 đơn vị từ các Bộ ngành có liên quan, 22 đơn vị từ các cơ quan trực thuộc Bộ, các Viện nghiên cứu, trường đại học và cao đẳng thuộc Bộ và 31 đơn vị từ các tỉnh và thành phố có ý kiến góp ý, 14 đơn vị từ các tỉnh và thành phố. Các góp ý tập trung vào các vấn đề như: Nội dung mục tiêu đề án có đảm bảo tính khả thi hay không. Cân nhắc các chỉ tiêu tuyệt đối. Một số nhiệm vụ, giải pháp cần được làm rõ hơn. Đề nghị xác định rõ nguồn vốn,…
Chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Mặc dù nông nghiệp nước ta có sự tăng trưởng mạnh mẽ và ấn tượng, nhưng chúng ta vẫn phải đối diện với thách thức ô nhiễm môi trường, trong đó phần lớn chất thải trong trồng trọt, chăn nuôi chưa được xử lý triệt để. Do vậy, đẩy mạnh kinh tế nông nghiệp tuần hoàn gắn với công nghệ khoa học là nhiệm vụ tất yếu. Qua Hội thảo này, Bộ sẽ tiếp thu ý kiến của các đại biểu với tinh thần thực sự cầu thị để thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng xanh, góp phần hướng tới cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại COP26 của Thủ tướng chính phủ.
Thùy Khánh