Tháng 7/2012, Trung tâm Giống và Kỹ thuật thủy sản Phú Yên cho sinh sản nhân tạo thành công và thả vào đầm Ô Loan 400.000 con hàu muỗng. Việc thả hàu ra đầm nhằm tăng nguồn lợi thủy sản trong đầm, cải thiện môi trường nước.
Nhân tạo thành công giống hàu muỗng
Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Giống và Kỹ thuật thủy sản (Trung tâm) Lê Quang Hiệp cho biết: “Để có thể cho sinh sản nhân tạo thành công giống hàu muỗng vốn sống trong tự nhiên, chúng tôi phải thực hiện theo quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt”.
Nước dùng để nuôi hàu được bơm từ biển, xử lý bằng Anolyte 6ppm (nồng độ Anolyte 6 phần triệu) và sục khí 24/24g cho đến khi hết Clo. Nước tiếp tục được bơm lên bể lọc, cho vào bể lắng để ương nuôi ấu trùng và cấy tảo. Ban đầu, tảo được nuôi trong phòng thí nghiệm, khi tảo phát triển đến mức độ nhất định thì tiếp tục chuyển sang nuôi ở túi có thể tích lớn (80 lít). Sau 2 ngày, các kỹ thuật viên Trung tâm tiến hành lọc sinh khối (sinh khối là tổng trọng lượng của sinh vật sống trong sinh quyển hoặc số lượng sinh vật sống trên một đơn vị diện tích, thể tích vùng) ra ở bể composite 1m3. Tiếp tục nuôi trong bể cho đến khi tảo đạt mật độ khoảng 3.000tb/ml thì được sử dụng làm thức ăn cho ấu trùng hàu.
Trung tâm Giống và Kỹ thuật thủy sản Phú Yên tiến hành sinh sản nhân tạo giống hàu muỗng – Ảnh: T.Hà
Sau khi chuẩn bị được môi trường nước và nguồn thức ăn thích hợp, các kỹ thuật viên Trung tâm bắt đầu tuyển chọn, nuôi vỗ béo hàu bố mẹ để chuẩn bị cho sinh sản. Nguồn hàu giống được lấy từ đầm Ô Loan phải đạt các tiêu chuẩn: khối lượng từ 15 đến 17con/kg, kích thước đồng đều, khỏe mạnh mang màu sắc đặc trưng của loài; khi giải phẫu tuyến sinh dục có trứng hoặc tinh trùng. Để kích thích hàu sinh sản, kỹ thuật viên Trung tâm tiến hành sốc nhiệt bằng cách phơi hàu bố mẹ dưới ánh nắng từ 30 đến 40 phút; sau đó, cho vào tủ lạnh từ 15 đến 20 phút và có thể lặp lại từ 1 đến 2 lần công việc này. Sau quá trình này, phần lớn các cá thể hàu có tuyến sinh dục phát triển đến giai đoạn 3 đều đẻ trứng, phóng tinh, cho ra ấu trùng. Ở giai đoạn trôi nổi, ấu trùng được chuyển vào các bể ương với mật độ từ 4 đến 5 con/ml. Đến giai đoạn ấu trùng bám vào giá thể, có thể sử dụng các vật bám khác nhau như vỏ hàu, vỏ điệp, vỏ sò… xâu thành chuỗi dài từ 50 đến 60cm thì thả vào bể. Sau 3 đến 4 ngày, treo các chuỗi dưới giàn, bè để tiếp tục ương thành con giống cỡ từ 2 đến 2,5cm. Ở giai đoạn hàu bám vào giá thể, thức ăn chính của hàu là tảo và lượng thức ăn sẽ được điều chỉnh theo các giai đoạn lớn lên của hàu, từ mật độ tảo từ 3.000 đến 200.000tb/ml.
Kỹ sư Võ Minh Hải, cán bộ Trung tâm trực tiếp tham gia quá trình cho sinh sản hàu muỗng, cho biết: “Sau 5 đợt tiến hành thử nghiệm sinh sản nhân tạo hàu muỗng, đến tháng 7/2012, Trung tâm đã tạo được 810.000 con hàu giống, kích cỡ con giống đạt được từ 0,5 đến 1cm, chất lượng tốt, sạch bệnh. Trong đó, 410.000 con dùng để hỗ trợ cho người dân (100.000 con ở TX Sông Cầu và 310.000 con ở huyện Tuy An) nuôi ở các hồ tôm, 400.000 con còn lại dùng để thả tái tạo nguồn lợi thủy sản đầm Ô Loan”.
Cải tạo môi trường nước
Ông Lê Quang Hiệp cho biết, việc thả hàu giống ra môi trường tự nhiên nhằm làm tăng nguồn lợi thủy sản đầm Ô Loan, đồng thời góp phần cải tạo môi trường nước ở đầm đang bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Theo nhiều công trình nghiên cứu, hàu là loài động vật rộng nhiệt, rộng muối (những thay đổi không lớn về nhiệt độ, nồng độ muối ít ảnh hưởng đến hàu), sống bám lên nền đá, vách đá ven bờ biển hoặc các cửa sông, nơi có dòng chảy và thủy triều thường xuyên lên xuống, có thực vật phù du phong phú làm thức ăn. Hàu có vòng sinh sản ngắn. Thường sau 4 tháng, hàu muỗng đã trở thành hàu thương phẩm và có thể đẻ trứng, phóng tinh. Mặt khác, hàu không sử dụng thức ăn công nghiệp mà lấy thức ăn bằng cách lọc các chất dinh dưỡng có trong nước (thường là thức ăn thừa của tôm). Vì vậy, quá trình lấy thức ăn của hàu góp phần làm cho môi trường nước trong sạch, tạo điều kiện cho các sinh vật khác phát triển.
Ông Ngô Văn Yêm, cán bộ phụ trách ngư nghiệp xã An Hải (Tuy An) cho biết, các năm trước, đầm Ô Loan rất đa dạng sinh học. Không chỉ hàu muỗng mà tôm đất, cua, ghẹ, các loại cá… phát triển phong phú. Tuy nhiên, thời gian gần đây, do người dân nuôi tôm trong khu vực đầm không theo quy hoạch, cộng với việc khai thác nguồn lợi bằng các dụng cụ tận diệt (chất nổ, bóng Thái) đã khiến môi trường nước bị ô nhiễm và số lượng thủy sản trong đầm giảm đáng kể. Vì vậy, nếu sử dụng hàu làm vật nuôi tái tạo môi trường sẽ góp phần đáng kể trong việc giảm thiểu ô nhiễm cho đầm Ô Loan.
Còn ông Trần Tấn Nha, Phó bí thư Đảng ủy xã An Hải nhận định: “Đầu năm 2013, người dân sống quanh khu vực đầm Ô Loan đã có một vụ khai thác hàu khá thành công. Ở các xã lân cận xã An Cư có thời điểm người dân khai thác được 20kg hàu/ngày/người. Việc tái tạo hàu làm cho nhiều người dân phấn khởi và ủng hộ. Tuy nhiên, nếu chỉ nuôi hàu để người dân khai thác hàu thương phẩm thì chức năng cân bằng môi trường, tái tạo môi trường nước của việc thả tái tạo sẽ không có nhiều ý nghĩa. Cho nên trong thời gian tới, Trung tâm cần tiếp tục nghiên cứu thêm các đối tượng thủy sản mới để thả nuôi và tái tạo ra môi trường tự nhiên. Nếu làm được việc này một cách thường xuyên thì tình trạng ô nhiễm môi trường nước trong đầm Ô Loan sẽ được giảm thiểu, tạo điều kiện cho các sinh vật trong đầm phát triển phong phú hơn”.