Tái thiết công thức thức ăn bằng bột ấu trùng ruồi lính đen

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Áp lực nguồn cung nguyên liệu protein ngày càng gia tăng, buộc ngành dinh dưỡng thủy sản phải nỗ lực tìm kiếm chất thay thế đảm bảo chất lượng dinh dưỡng và hiệu quả kinh tế.

Ấu trùng ruồi lính đen. Ảnh: ABC News

Ấu trùng ruồi lính đen (BSF) được đánh giá là nguồn protein thay thế tiềm năng, nhưng nhiều người vẫn hoài nghi về sự bền vững của nguyên liệu này trên góc độ kinh tế tuần hoàn và thân thiện môi trường. Một phần nguyên nhân dẫn đến sự hoài nghi này là những lo ngại ấu trùng ruồi lính đen không ổn định về chất lượng, khối lượng, đặc biệt là thành phần protein và axit amin. Có thể giải quyết những lo ngại này bằng cách việc mở rộng quy mô cơ sở sản xuất và gia tăng niềm tin cho người tiêu dùng. Ví dụ, công ty sản xuất bột ấu trùng ruồi lính đen Entobel đã mở cơ sở sản xuất mới ở Vũng Tàu vào năm 2023 với công suất 10.000 tấn, đồng thời ký hợp đồng dài hạn với các nhà cung cấp để giảm thiểu biến động giá. 

Đại học Nông Lâm tại Việt Nam đã thử nghiệm đánh giá tác động của việc thay thế bột cá cao cấp bằng BSF đối với hiệu suất tăng trưởng của tôm thẻ giống. Do hàm lượng protein của BSF thấp hơn so với bột cá cao cấp nên các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo nhà sản xuất cần điều chỉnh lại hàm lượng protein thực vật, khô đậu và tinh chất protein ngô 75%, kết hợp bổ sung axit amin tổng hợp L-threonine. Sự điều chỉnh này nhằm đảm bảo thành phần axit amin luôn nhất quán trong tất cả các nghiệm thức. Các nguồn protein khác như bột gia cầm (5%) và gluten mì (1,8%) không đổi suốt nghiệm thức. 

Nguyên liệu và phương pháp 

Áp dụng 5 nghiệm thức trên tôm thẻ chân trắng (60 con/khẩu phần, lặp lại 4 lần). Bột ấu trùng ruồi lính đen (H-Meal) do Entobel sản xuất, chứa 55% protein thô, 13% lipid. Trong mỗi khẩu phần, bột cá cao cấp được thay thế bằng H-Meal theo tỷ lệ 1:1, riêng khẩu phần 2 có tỷ lệ thay thế 2:1. Điều chỉnh công thức thức ăn để đảm bảo mỗi khẩu phần cùng hàm lượng protein và thành phần axit amin. Sau 8 tuần, đo trọng lượng thân cuối, tốc độ tăng trưởng riêng và tỷ lệ chuyển hóa thức ăn ở mỗi nghiệm thức. Ngoài ra, tính toán chi phí thức ăn trên mỗi kg tôm để xác định hiệu quả của thành phần thức ăn. 

Kết quả

Tỷ lệ sống của tôm ở các nghiệm thức không khác biệt đáng kể (P>0,05). Tuy nhiên, sau 8 tuần, tôm ở nghiệm thức 1 (thay thế 3% bột cá bằng 3% H-Meal); nghiệm thức 2 (thay thế 6% bột cá bằng 3% H-Meal); nghiệm thức 3 (thay thế 6% bột cá bằng 6% H-Meal) và nghiệm thức 4 (thay thế 9% bột cá bằng 9% H-Meal) đạt trọng lượng cuối và tốc độ tăng trưởng riêng cao hơn đáng kể so với nhóm đối chứng (15% bột cá cao cấp và không bổ sung H-Meal). Cụ thể, trọng lượng cuối của nhóm tôm ở nghiệm thức 2 và 3 cao hơn khoảng 8,5% so với nhóm tôm đối chứng, trong khi tốc độ tăng trưởng riêng lớn hơn 2,8%. Nhóm tôm ở nghiệm thức 3 và 4 đạt trọng lượng thân cuối cao hơn nhóm đối chứng 15%, với tốc độ tăng trưởng riêng tăng gần 5%. 

Ngoài ra, tỷ lệ biến đổi thức ăn (FCR) cho thấy ấu trùng ruồi lính đen cải thiện hiệu suất nuôi đáng kể khi thay thế bộ cá trong tất cả các nghiệm thức. Đáng chú ý, kết quả nổi bật được ghi nhận ở nghiệm thức 2 với tỷ lệ thay thế 2:1. Nhìn chung, các nghiệm thức bổ sung H-Meal đều ghi nhận kết quả cải thiện rõ rệt về hiệu suất tăng trưởng của tôm do chi phí sản xuất trên mỗi kg đã được cắt giảm hiệu quả. Theo quan sát, chi phí này cao nhất ở nhóm tôm đối chứng, thấp nhất ở nhóm nghiệm thức 3 (thay thế 6% bột cá bằng 6% H-Meal).

Các kết quả thử nghiệm khả quan về hiệu suất tăng trưởng của tôm thẻ đã chứng minh BSF có tiềm năng thay thế một phần bột cá cao cấp. Đây cũng là giải pháp khả thi để cắt giảm chi phí thức ăn. 

Dũng Nguyên (Theo Aquafeed)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!