(TSVN) – Các chuyên gia kinh tế, chính trị và xã hội học đều cho rằng thế kỷ XXI này là “Thế kỷ của đại dương”.
Thực tế những năm gần đây, đặc biệt năm 2023 cho thấy đại dương đang là vấn đề nóng bỏng, là mấu chốt của sự phát triển kinh tế, xã hội, tạo nên sự thay đổi diện mạo về kinh tế, thậm chí địa chính trị của toàn cầu.
Trong xung đột quân sự Nga – Ukraine, các đại dương, bao gồm Biển Đen đóng vai trò rất lớn. Các hải cảng xuất khẩu ngũ cốc tại châu Âu, thậm chí là vị trí của Hạm đội Biển Đen, cũng như xung đột hàng hải tại nhiều vùng hải phận quốc tế, ít nhiều đều có liên quan đến các đại dương, các vùng biển toàn cầu.
Cân bằng lợi ích, bảo vệ và phát triển nguồn lợi từ đại dương, đang trở thành bài toán nan giải cho các quốc gia ven biển. Chiến lược về quy hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển được đặt lên hàng đầu.
Nghị quyết số 48/NQ-CP, ngày 03/4/2023 của Chính phủ về “Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, đã tiếp tục kế thừa truyền thống làm chủ biển, đảo, tiếp tục phấn đấu đưa Việt Nam phát triển bền vững từ kinh tế biển, đảo.
Chính sách Tam ngư (Ngư dân – Ngư nghiệp – Ngư trường) là vấn đề hết sức quan trọng, mà Hội Nghề cá Việt Nam trước đây, nay là Hội Thủy sản Việt Nam, luôn quan tâm đặt lên hàng đầu.
Hiện nay, trên 66 đảo thuộc 14 huyện đảo nước ta đang có cư dân sinh sống từ lâu đời, với số lượng dân khoảng 240.000 người và mật độ dân số trung bình khoảng 100 người/ km2. Có thể nói tiềm năng để xây dựng, phát triển các đảo, huyện đảo là rất lớn.
Trong khi đó, việc đánh bắt xa bờ đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng, vì “thẻ vàng” của EU. Vấn đề về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), đã qua 6 năm vẫn chưa được khắc phục triệt để.
Việc nuôi trồng, xuất khẩu thủy, hải sản thời gian qua cũng gặp nhiều bất cập, khi tỷ lệ nuôi tôm thành công vẫn còn thấp, thậm chí nhiều nơi tỷ lệ thành công chỉ 30%, dẫn đến chi phí lớn, giá thành cao, sức cạnh tranh của tôm Việt Nam trên thế giới giảm.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT: Chi phí sản xuất tôm tại Việt Nam dao động từ 3,5 – 4,2 USD/kg, trong khi chi phí sản xuất tôm tại Ấn Độ và Ecuador chỉ khoảng 2,7 – 3 USD/ kg và 2,2 – 2,4 USD/kg. Nguyên nhân khiến chi phí sản xuất tôm tại Việt Nam cao hơn là do các yếu tố như: Đa số tôm giống ta phải nhập khẩu; Giá thức ăn nuôi trồng thủy sản (NTTS) tăng cao, chi phí lao động tăng; Chi phí đầu tư trang trại và thiết bị cao, phức tạp…
Một số chuyên gia nước ngoài chia sẻ rằng, ngành NTTS Việt Nam đang phải đau đầu với vấn đề môi trường. Phần lớn chi phí là để giải quyết về môi trường NTTS, vốn đã xấu đi nhiều so với những năm 1990.
Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Thủy sản Việt Nam đã có nhiều kiến nghị phát triển “Tam ngư” trong giai đoạn mới. Nổi bật là đề nghị Nhà nước có chính sách hỗ trợ lao động khai thác hải sản xa bờ, trong đó có hỗ trợ lưu trú trên biển, bảo hiểm y tế cho ngư dân. Đề nghị Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ giảm thuế giá trị gia tăng, đối với doanh nghiệp sản xuất thủy sản từ 10% xuống còn 8%, cho tất cả nguyên liệu, sản phẩm phục vụ thủy sản.
Được biết, Bộ NN&PTNT đã giao Cục Thủy sản xây dựng Đề án “Tam ngư”, trên quan điểm mới là kết hợp tư duy quản lý Nhà nước và tư duy thị trường, tạo ra hiệu quả cao hơn cho doanh nghiệp và người NTTS, trong quá trình xây dựng, phát triển, khai thác và bảo vệ biển, đảo.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm chống khai thác IUU, quyết tâm gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC, tại đợt thanh tra lần thứ 5 (dự kiến vào cuối quý II/2024).
Thống kê từ nước láng giềng Trung Quốc cho thấy, quốc gia hơn 1,4 tỷ dân này hiện chủ yếu phát triển nền kinh tế dựa vào các tỉnh ven biển với mật độ dân số cao, thu nhập bình quân đầu người vượt trội. Đây cũng là vùng đem lại nguồn thu ngân sách chủ lực. Tình hình này cũng diễn ra với Ấn Độ, Australia và nhiều quốc gia khác.
Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018, của Hội nghị Trung ương 8 khóa XII về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, đã đề ra mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể nhằm đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, có sự phát triển bền vững, thịnh vượng, bảo đảm an ninh, an toàn nền kinh tế biển.
Theo đó, Nhà nước ta đã xác định đến năm 2030, các ngành kinh tế thuần biển, sẽ có đóng góp vào GDP cả nước khoảng 10%; kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển ước đạt 65 – 70% GDP cả nước.
Theo thống kê, trong tổng GDP 6 tháng đầu năm 2023 của nước ta, ngành thủy sản đạt 127,5 tỷ đồng, chiếm 2,69%; ngành du lịch (dịch vụ lưu trú, ăn uống) đạt 119,1 tỷ đồng, chiếm 2,51%, trong đó du lịch biển, đảo mang lại 70% doanh thu cho ngành du lịch cả nước.
Sự khởi sắc và vị trí đầu tàu của các tỉnh ven biển, trong đó có vai trò của ngành thủy sản, cho thấy những đóng góp của các doanh nghiệp và người dân vùng ven biển là rất lớn.
Những du khách, các nhà nghiên cứu thị trường xuất, nhập khẩu, đều thấy rõ sự thay đổi “lột xác” của các tỉnh, thành phố ven biển như Đà Nẵng; Bình Định; Phú Yên; Khánh Hòa; Bình Thuận; Bà Rịa – Vũng Tàu; Sóc Trăng; Bạc Liêu; Cà Mau; Kiên Giang… với sự lên ngôi của ngành thủy sản. Tuy nhiên, để phát triển bền vững nền kinh tế biển và hiện đại hóa ngành thủy sản, vẫn rất cần sự quan tâm đồng lòng chung sức của toàn xã hội trong thời gian tới.
>> Mặc dù số tàu đánh bắt và sản lượng tăng hàng năm, song 80% tàu thuyền đang hoạt động ở các vùng nước gần bờ, khiến tài nguyên ven biển bị đe dọa, đã báo động cạn kiệt.
Nguyễn Anh