(TSVN) – Nhiều sản phẩm thảo dược đã được công nhận khả năng điều chỉnh hệ miễn dịch cho các vật nuôi thủy sản, đồng thời là một giải pháp đáng cân nhắc để quản lý dịch bệnh trong NTTS, gồm cả nuôi tôm. Một trong những loại thảo dược này là tam thất (Panax notoginseng), chủ yếu sản xuất ở Nhật Bản, Myanamar và các tỉnh Tây Nam Trung Quốc.
Tam thất chứa hơn 200 hoạt chất như saponins, polyacetylenes, sterols, tinh dầu dễ bay hơi, flavonoids, polysaccharides, cyclopeptides và axit amin. Một số nghiên cứu trên các đối tượng thủy sản nuôi khác nhau đã chứng minh, chiết xuất sâm tham thất P. notoginseng giúp cải thiện tăng trưởng và khả năng chống ôxy hóa của vật nuôi.
Chiết xuất sâm tham thất P. notoginseng giúp cải thiện tăng trưởng và khả năng chống ôxy hóa của vật nuôi. Ảnh: Farlong Pharmaceutical
Hemocyte, tế bào máu tham gia vào hệ thống miễn dịch của động vật không xương sống và được tìm thấy trong huyết tương (hemolymph), đóng vai trò chính trong hệ thống miễn dịch của tôm. Hemocyte kiểm soát cơ chế bảo vệ tế bào bằng cách giải phóng các yếu tố bảo vệ cơ thể tôm trước sự tấn công của mầm bệnh. Tổng số lượng hemocyte (THC) là chỉ số quan trọng đánh giá sức khỏe hệ miễn dịch của vật nuôi. Theo nhiều nghiên cứu, một số loại thực vật có khả năng làm tăng lượng THC ở tôm, ví dụ chiết xuất hoàng kỳ (Astragalus membranaceus), sâm đại hành (Eleutherine bulbosa), chiết xuất lá cây chùm ngây (Moringa oleifera), diệp hạ châu (Phyllanthus amarus), cà lông Ấn Độ (Solanum ferox) và gừng gió (Zingiber zerumbet).
Nguồn TTCT thử nghiệm (trọng lượng 3,8 ± 0,5 g) được cung cấp bởi Khoa Nuôi trồng thủy sản, Đại học Khoa học và Công nghệ Pingtung, Đài Loan. Cho tôm giống thích nghi với môi trường trong 7 ngày và cho ăn thức ăn công nghiệp hai cữ mỗi ngày. Khi bắt đầu thử nghiệm, chia tôm thành các nhóm gồm 60 con, nuôi trong bể dung tích 250 lít nhưng chỉ đổ 200 lít nước biển có độ mặn 15 ppt và duy trì nhiệt độ 25 ± 1°C, pH 7,8 – 8. Cho tôm ăn hai lần/ngày với lượng thức ăn thương mại bằng 8% trọng lượng cơ thể tôm.
Chuẩn bị 4 nhóm tôm, gồm nhóm đối chứng và 3 nhóm thử nghiệm với chiết xuất nước củ tam thất theo các tỷ lệ 50, 100, và 200 microgram (μg) trên mỗi gram tôm. Tiêm 20 microlit nước tam thất vào đốt bụng thứ hai đến thứ 3 của mỗi con tôm cho đến khi đạt liều tương ứng 50, 100 và 200 μg trên mỗi gram trọng lượng cơ thể. Nhóm tôm đối chứng chỉ được tiêm 20 microlit dung dịch muối.
Tiến hành thu thập 10 con tôm ở mỗi nhóm tại các mốc thời gian 12, 24, 48, 72, 168 và 240 giờ sau khi tiêm. Lấy mẫu huyết tương của các nhóm tôm này để phân tích thông số miễn dịch gồm THC; đồng thời lấy mẫu ruột để đánh giá hoạt động của enzyme tiêu hóa khác nhau cũng như số lượng Vibrio. Ngoài ra, lấy mẫu gan tụy và ruột sau 240 giờ để quan sát mô bệnh học.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, nước tam thất làm tăng đáng kể một số thông số miễn dịch, gồm THC, tế bào hạt (GC) và bán hạt (SGC); đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động của các enzyme tiêu hóa khác nhau (chymotrypsin, trypsin và amylase) trên TTCT. Ngoài ra, ở liều lượng 50 μg, nước tam thất có tác dụng điều chỉnh hoạt động của enzyme lipase. Ở các nồng độ khác nhau, nước tam thất cũng làm giảm đáng kể số lượng Vibrio trong ruột mà không gây hại đến gan tụy và mô ruột. Các kết quả này chỉ ra, nước tam thất cải thiện đáp ứng miễn dịch của TTCT bằng cách tăng số lượng tế bào máu và điều hòa các enzyme tiêu hóa.
Sau 24 đến 72 giờ, THC của nhóm tôm được tiêm 100 và 200 μg nước tam thất tăng cao hơn đáng kể so với nhóm đối chứng. Sau 168 đến 240 giờ, THC của các nhóm tôm bất kể nồng độ tiêm nước tam thất đều tăng đáng kể. Ngoài ra, GC và SGC của các nhóm tôm này cũng cao hơn nhóm đối chứng trong khi tỷ lệ tế bào máu hialin (HC) thấp hơn nhóm đối chứng. Nhóm tôm được tiêm 100 và 200 μg nước tam thất có số lượng GC tăng mạnh nhất.
Hoạt tính của các enzyme tiêu hóa ở nhóm tôm được tiêm nước tam thất cũng cải thiện hơn. Những enzyme này tham gia trực tiếp vào quá trình tiêu hóa và hấp thu chất dinh dưỡng cũng như hiệu suất tăng trưởng của vật nuôi. Theo kết quả nghiên cứu, liều lượng 50 μg nước tam thất đã phát huy tác dụng kích thích enzyme tiêu hóa, nhưng để tăng cường đáp ứng miễn dịch cho tôm, cần tăng liều lượng nước tam thất lên trên 100 μg/g tôm. Do đó, muốn cải thiện miễn dịch cùng lúc với biểu hiện enzyme tiêu hóa, cần sử dụng liều nước tam thất trên 100 μg/g tôm.
Dịch ép củ tam thất có khả năng điều hòa miễn dịch và kích thích tăng trưởng cho vật nuôi thủy sản nhờ hoạt chất saponin trong bộ phận rễ cây. Ngoài tôm, chiết xuất nước sâm tam thất P. notoginseng cũng thúc đẩy tăng trưởng của một số loài cá cùng khả năng chống ôxy hóa. Trong nhiều nghiên cứu trước, các chuyên gia cũng chứng minh, chiết xuất P. notoginseng chứa hoạt chất saponin notoginsenoside R1 ở mức 13,98 ± 2,60 mg/g và ginsenoside Rg1 ở mức 34,67 ± 5,51 mg/g.
Vũ Đức
(Theo AllaboutFeed)