Bằng mọi phương thức đánh bắt từ sáng đến đêm khuya, thủy sản hồ Dầu Tiếng (Bình Dương) đang bị các tay săn cá tận diệt không thương tiếc.
Đủ kiểu đánh bắt
Lần nào cũng vậy, đến công trình thủy lợi hồ Dầu Tiếng, hình ảnh đầu tiên chúng tôi nhìn thấy là cảnh nườm nượp đánh bắt, mua bán cá. Nhiều loại vỏ lải lớn nhỏ đang đua nhau bủa lưới. Trong bờ, dọc theo mé nước, một số người khác giăng câu, chích điện, chất chà, ủ lưới. Tất cả các loài cá, dù có thoát được ngoài khơi, khi bơi vào bờ trốn tránh cũng dính lưới.
Muôn kiểu đánh bắt
Trên đường ngồi ghe từ bờ hồ vào đảo Nhím, chúng tôi ghi hình được gần cả chục kiểu đánh bắt cá trong hồ Dầu Tiếng. Kiểu được nhiều người áp dụng nhất là bủa lưới. Lưới được sử dụng ở đây bao gồm nhiều loại, từ loại lưới bén mặt từ 3,5 – 8cm cho đến lưới mành mành (dùng để cào). Cả hai loại này đều được chở trên chiếc vỏ lải, hoặc ghe. Những phương tiện này cứ di chuyển ngang, dọc trên mặt nước và thả lưới xuống.
Đối với lưới thưa, sau khi thả xong, chờ khoảng 20 phút, họ kéo lưới lên bắt cá một lần, xong lại thả xuống và chờ đến lượt thăm lưới kế tiếp. Đối với lưới mành mành (ngư dân gọi là lưới xanh), mỗi chiếc ghe máy trang bị cả trăm mét lưới thả thành một vòng tròn và sau đó thu lưới lên bắt cá. Đối với kiểu đánh bắt này, cá lớn, cá nhỏ gì cũng khó lòng chạy thoát.
Gần đây, có thêm kiểu đánh bắt mới mà dân trong nghề gọi là nhủi lưới. Họ dùng nhiều chiếc thùng phuy sắt kết lại thành bè hoặc dùng chiếc vỏ lải làm phương tiện. Phía trước những chiếc bè hoặc vỏ lãi này họ thiết kế hai thân cây tre to tướng theo hình chữ V, chĩa xuống mặt nước. Giữa hai thân cây tre ấy, họ giăng ngang một mảnh lưới nhuyễn. Cứ thế họ cho bè, vỏ lải chạy chầm chậm nhủi trên mặt nước, trông giống như những chú bồ nông há mỏ ra vớt cá. Cách nhủi lưới này, chủ yếu dùng để bắt cá cơm. Khoảng 30 phút, họ dừng lại thu hoạch, mỗi lần như thế, 5 – 10kg cá cơm, với ước tính mỗi ngày trung bình một ghe nhủi cả trăm kg cá cơm.
Bất kể giờ giấc
Chúng tôi thử ghé vào một chiếc vỏ lãi đang nhủi cá. Trên đó có 2 – 3 thùng xốp (loại dùng đựng trái cây ngoài chợ) đựng đầy ắp cá cơm tươi rói. Người nhủi lưới cho biết, cá cơm này sẽ được đem ra chợ bán hoặc cung cấp cho những người nuôi ba ba, cá lóc, cá bông ở hai xã Phước Ninh và Phước Minh ở huyện Dương Minh Châu.
Cách chất chà để bắt cá cũng là cách được nhiều ngư dân áp dụng. Họ mua hàng trăm cây tràm nước cao to, chất thành từng đống dưới mé nước, ở độ sâu 2- 3m. Khi bị các kiểu đánh bắt kể trên gây náo loạn, các loài cá hoảng sợ, vội tấp vào những đống chà để trốn tránh. Chỉ chờ có thế, những chủ đống chà này liền dùng lưới bao đống chà lại, giở chà lên và túm lưới lại.
Tấp vào một chiếc ghe vừa giở chà, chúng tôi thấy, dưới lườn ghe lúc này đã có vài chục kg cá trê. Cạnh đó, có một cái vèo, trong đó có gần 100kg cá trèn chờ thương lái đến cân. Người làm nghề chất chà này tên Thanh, trạc 37 tuổi, quê ở huyện Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) cho biết: “Tôi có hơn 10 đống chà trong lòng hồ. Cứ 10 ngày tôi giở chà môt lần. Mỗi lần, thu hoạch được 60 – 70kg cá các loại. Tiền thuế đóng cho Ban quản lý hồ nước 80.000 đồng/tháng”.
Từ bờ ra lòng hồ
Những loài cá theo mùa mưa, bơi lên vùng bán ngập kiếm ăn, khi hồ xả nước cũng không có cơ may sống sót. Lúc nước hồ xuống thấp, nhiều loài cá từ vùng bán ngập rút xuống hàng trăm hố bom rải rác quanh những đảo trong hồ. Thế là, có nhiều người “mua” lại những hố bom này của Ban quản lý hồ Dầu Tiếng để thu hoạch cá.
Họ dùng cách bắt cá rất đơn giản mà rất hiệu quả, gọi là ủ lưới. Họ trải mảnh lưới phủ kín mặt hồ. Sau đó, nhận lưới chìm xuống đáy, như chiếc lồng bàn lật ngược. Những con cá tội nghiệp, sau một lúc ở dưới nước, bị ngộp thở, phải men theo mép lưới, ngoi lên mặt nước hớp không khí. Khi lặn xuống, vô tình bơi vào bên trong lòng lưới.
Chờ cho hầu hết cá vào lưới, người đánh bắt chỉ cần túm lưới lên là tóm gọn. Một số loài cá có khả năng nín thở lâu hoặc ở trong hang như cá chạch, lươn, không bị dính vào lưới, những ngư dân này dùng máy xung điện chích xuống mặt nước là chúng bị giật nẩy lên, lồng lộn lên mặt nước và bị những chiếc vợt lạnh lùng tóm gọn.
Tại khu vực Hốc Cò (thuộc đảo Nhím), chúng tôi gặp ông Út Nguyên, nhà ở xã Suối Đá (huyện Dương Minh Châu) và hai người thanh niên khác vừa kết thúc một ngày ủ lưới trở về. Ông Nguyên cho biết: “Tôi hợp đồng lại khu vực Hốc Cò này với giá 3 triệu đồng/mùa. Mỗi ngày thu hoạch được 60 – 70kg cá các loại”.
Đó là chưa kể, dọc theo bờ hồ, nhất là ở khu vực gần miệng kênh Đông và gần Đập chính, luôn có hàng trăm người câu cá. Mỗi người dùng từ 2- 3 cần câu. Ở đây, họ thay phiên nhau câu liên tục từ sáng đến chiều tối.
Cắm câu cũng là một phương tiện bắt cá hiệu quả về đêm. Anh Võ, trạc 30 tuổi, ở xã Suối Đá (huyện Dương Minh Châu) là người có thâm niên gần 10 năm làm nghề cắm câu và đặt dớn trong hồ nước này. Chiều xuống là anh chất lên chiếc vỏ lải hơn 200 cần câu. Anh móc mồi nhái vào lưỡi câu rồi lần lượt đi cắm dọc theo mép mước. Đến khuya anh đi thăm, gở cá rồi lại móc mồi vào câu tiếp. Khoảng thời gian trống giữa những lần thăm câu là anh đi đổ dớn.
Đặt dớn – một trong những phương tiện bắt cá bị cấm, nhưng vẫn có người sử dụng quanh đảo Nhím.
Người thanh niên này có hơn 20 tay dớn đã được giăng ra quanh các bãi đất bán ngập. Mỗi tay dớn, anh đổ ra được gần nửa ký cá các loại. Anh Võ cho biết: “Dớn là một trong những loại bị cấm sử dụng đánh bắt cá ở đây, vì tính hủy diệt cá rất cao. Vừa rồi tôi đặt bên Hốc Cò, bị lực lượng Công an hồ nước đi tuần tra, phát hiện, đã cắt bỏ gần hết số lượng dớn. Tôi phải mua lưới về làm lại, rồi dời lên đây đặt lại”.
Càng về khuya, càng có nhiều người làm nghề chài lưới hoạt động. Nửa đêm về sáng, sương mù giăng kín khắp nơi, cộng với gió rì rào thổi khiến cho không khí lạnh cắt da cắt thịt. Thế nhưng trên mặt hồ hàng chục tàu, ghe chen chúc nhau nhủi cá, cào cá, thả lưới. Tiếng động cơ gầm rú ầm ầm, ánh đèn pha quét qua lại sáng loáng trên mặt nước, tựa như thiên la địa võng. Nhìn những kiểu vây bủa này, chúng tôi có cảm tưởng các loài cá mọc cánh mới hy vọng thoát khỏi được kiếp số.
Chính những kiểu khai thác cá bừa bãi đã dẫn đến tình trạng cá chết hàng loạt trong hồ Dầu Tiếng hồi giữa tháng 1/2013. Anh Bình, một người dân sinh sống lâu năm gần khu vực hồ Dầu Tiếng kể lại, những năm trước, khi công trình này mới thành lập, dưới hồ có cả tôm càng xanh và rất nhiều loài cá ngon như rô biển, cá leo, cá lăng nghệ, cá bông, cá chạch lấu . . . nhưng hiện nay, tôm càng xanh không còn nữa và các loại cá này cũng không còn nhiều. Điều đó, cho thấy môi trường sinh thái ở đây đã bị khai thác cạn kiệt.
Ngư dân Việt kiều Campuchia giũ lưới cá cơm ở khu vực bến cống ngầm.
Theo báo cáo của Phòng NN&PTNT huyện Dương Minh Châu, trong năm 2012, lực lượng liên ngành đã phát hiện, xử lý 24 vụ dùng xung điện để bắt cá, tịch thu 24 bình ắc quy, 24 bộ kích điện, cắt bỏ tại chỗ hơn 13.550m dớn và ngư dân tự cắt bỏ 250m dớn khác.
Công trình thủy lợi hồ Dầu Tiếng thuộc địa bàn 3 huyện Tân Châu, Dương Minh Châu (tỉnh Tây Ninh) và Dầu Tiếng (tỉnh Bình Dương). Chỉ tính riêng ở huyện Dương Minh Châu, năm 2012 có 318 hộ nuôi trồng thủy sản. Tập trung nhiều nhất ở các xã Phước Ninh, Phước Minh, thị trấn Dương Minh Châu, với 204 hộ nuôi các loại cá điêu hồng, cá lóc, cá rô, cá bông và baba… Các loại thuỷ sản này đều dùng thức ăn chính là các loại cá đánh bắt được từ hồ Dầu Tiếng.
Mặc dù hằng năm, Sở NN&PTNT tỉnh Tây Ninh đều tổ chức thả hàng trăm ngàn con cá giống xuống hồ Dầu Tiếng, để cân bằng sinh thái, nhưng xem ra với cánh đánh bắt “búa xua” như hiện nay, lượng cá trong hồ Dầu Tiếng không có điều kiện lớn lên và sinh sản.
Nên chăng chính quyền địa phương ngành chức năng và cần quy định chỉ cho phép đánh bắt cá giống như ở Biển Hồ (Vương quốc Campuchia) đã áp dụng. Cụ thể chỉ cho khai thác cá trong thời gian hồ tích nước nhiều và cấm tuyệt đối không được đánh bắt vào mùa nước cạn, đặc biệt là thời điểm đầu mùa mưa, khi các loài cá bắt đầu thời kỳ sinh sản.