(TSVN) – Quốc gia cung cấp tôm hàng đầu thế giới là Ấn Độ đang chìm sâu trong thảm họa COVID-19 và nhiều nơi đã phải thu hoạch sớm để bán tôm nuôi còn nhỏ dẫn đến thị trường dư thừa tôm cỡ nhỏ. Tình trạng của Ấn Độ chưa có hy vọng kết thúc sớm và đang mở ra cơ hội thị trường cho xuất khẩu tôm Việt Nam, trong đó vị trí tôm sú cỡ lớn nổi lên thấy rõ và các doanh nghiệp chế biến cũng như nuôi tôm nước ta đang linh hoạt tận dụng.
Tôm sú (Penaeus monodon) là một trong hai loài tôm nuôi chủ lực và mang lại giá trị kinh tế lớn cho Việt Nam. Tôm sú có ưu thế là nguồn tài nguyên bản địa có thể nuôi và khai thác lâu dài, tôm có kích cỡ lớn, thịt ngon, giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, khó khăn trong việc chủ động tạo ra được nguồn tôm sú bố mẹ sạch bệnh, tăng trưởng nhanh và kháng bệnh tốt vẫn đang là vấn đề hết sức nan giải không chỉ đối với Việt Nam mà còn đối với nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Năm 2008, Bộ NN&PTNT có chủ trương cho phép nuôi TTCT ở ĐBSCL và từ năm 2013, TTTC đã vượt tôm sú về sản lượng và giá trị xuất khẩu. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang là nước có sản lượng và giá trị xuất khẩu tôm sú lớn nhất thể giới. Chiến lược phát triển lâu dài của nước ta là phải giữ được ngành sản xuất tôm sú bền vững, hạn chế tối thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái. Nền tảng cho chiến lược phát triển này là phát triển nguồn tôm sú bản địa với các chương trình nhân giống khoa học để nâng cao tỷ lệ sống và khả năng tăng trưởng. Để đạt được mục đích này, việc nghiên cứu cấu trúc và chức năng của toàn bộ hệ gen tôm sú là một vấn đề khoa học cơ bản có định hướng ứng dụng hết sức quan trọng.
Còn nhiều dư địa để tôm sú Việt chiếm lĩnh thị trường thủy sản toàn cầu. Ảnh: Phan Thanh Cường
Những năm gần đây, tỉnh Kiên Giang đã chuyển đổi hàng chục nghìn ha đất lúa ven biển sang luân canh tôm – lúa, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình này không chỉ thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng mà còn khai thác được lợi thế của tỉnh ven biển, với bờ biển dài hơn 200 km. Ðiển hình cho việc chuyển đổi này là các huyện vùng U Minh Thượng, biến vùng nông thôn khó khăn trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế. Tỉnh chú trọng xoay trục kinh tế theo trọng tâm thủy sản – cây ăn quả – lúa, trong đó thủy sản là sản phẩm chủ lực. Những năm qua, tỉnh đã giữ ổn định sản lượng lúa ở mức hơn 4 triệu tấn/năm và chuyển mạnh sang NTTS, nhất là nuôi tôm nước lợ vùng ven biển. Ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh cho biết, năm 2020, Kiên Giang có kế hoạch thả nuôi tôm nước lợ với diện tích 130.700 ha, sản lượng thu hoạch là 85.000 tấn. Trong đó, diện tích nuôi tôm – lúa là 100.000 ha, sản lượng 48.500 tấn. Tuy nhiên, nhờ tăng diện tích thả nuôi, cả năm đạt 134.235 ha, cùng với việc áp dụng các mô hình nuôi tiên tiến, nên sản lượng tôm nuôi của Kiên Giang tăng khá mạnh, ước đạt 92.490 tấn, gần gấp đôi so kế hoạch, đây là mức tăng trưởng ấn tượng.
Phát triển tôm sú mạnh mẽ ở vùng ĐBSCL thời gian qua đã gắn với phát triển rừng, làm nên sản phẩm tôm – rừng có giá trị kinh tế cao, được nhiều thị trường ưa chuộng. Đầu năm ngoái, tổng kết Dự án “Khôi phục rừng ngập mặn thông qua mô hình nuôi bền vững và giảm phát thải tại Cà Mau (MAM2)” giai đoạn 2016 – 2020 đã cho nhiều kết quả phấn khởi. Các cán bộ Dự án đã huấn luyện 5.500 nông hộ, hỗ trợ 3.200 người nuôi tôm và 2 trại tôm giống được cấp chứng chỉ tôm sinh thái (hữu cơ) với hàng vạn ha rừng – tôm. Từ đó đến nay, Dự án phát triển sang tỉnh Trà Vinh, Bến Tre.
Ở tỉnh Cà Mau không ngừng phát triển kết quả nuôi tôm – rừng, liên tục tổ chức thả tôm sú giống về với thiên nhiên. Ngày 18/6/2021, Chi cục Thủy sản phối hợp cùng với Hội phật giáo Việt Nam tỉnh Cà Mau và xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời thả 500.000 con tôm sú tại cửa biển Hòn Đá Bạc, cùng với 13.000 con cá các loại và 10.000 con cua biển. Trước đó, tại các khu vực bảo tồn biển Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, khu vực Đầm Thị Tường và cửa biển Sông Đốc cũng được Chi cục Thủy sản thả 3,5 triệu con tôm sú giống và trên 32.000 con cá giống các loại, 90.000 con cua biển.
Đáng chú ý hơn, ngày 26/5/2021, Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) xác lập kỷ lục vùng nuôi tôm sú sinh thái hữu cơ lớn nhất Việt Nam; với tổng diện tích tính đến năm 2021 là 9.722 ha với 2.010 hộ dân. Tôm sú sinh thái hữu cơ của Minh Phú không chỉ là tôm sạch, tươi ngon, có chứng nhận, nuôi trồng có trách nhiệm, mà còn có giá trị phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường. Sản phẩm tôm sú của Minh Phú hiện có mặt tại hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, kỳ vọng khai thác tốt cơ hội mở rộng thị trường trong thời điểm nhiều khó khăn như đại dịch hiện nay.
Các doanh nghiệp xuất khẩu tôm được hưởng lợi từ làn sóng COVID-19 tại Ấn Độ – đất nước xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới. Ấn Độ sản xuất khoảng 650.000 – 700.000 tấn tôm trong năm 2020, giảm 30% so 2019. Làn sóng COVID-19 gần đây ở Ấn Độ đã khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn, trái ngược với nhiều dự báo về việc sản lượng sản xuất tôm ở Ấn Độ sẽ phục hồi trong nửa cuối năm 2021. Ngoài ra, mặc dù đang chìm sâu trong thảm họa COVID-19 thì sản phẩm tôm Ấn Độ lại vừa bị Mỹ tạm áp thuế chống bán phá giá cao chưa từng thấy. Đây là kết quả sơ bộ của đợt xem xét hành chính lần thứ 15 từ ngày 1/2/2019 đến ngày 31/1/2020 về áp thuế chống bán phá giá đối với tôm Ấn Độ mà Bộ Thương mại Mỹ vừa công bố. Do đó, điều này tạo cơ hội cho các đối thủ cạnh tranh (Ecuador, Indonesia và Việt Nam) cải thiện thị phần tại các nước nhập khẩu – đặc biệt là ở Mỹ.
Trong quý I/2021, Việt Nam ghi nhận xuất khẩu tôm tăng 41% về sản lượng và tăng 10% về giá trị so quý I/2020, có cơ hội mở rộng thị phần tại Mỹ. Với tôm nguyên liệu, giá xuất khẩu của Việt Nam vẫn ở mức khá cao so với các đối thủ cạnh tranh (do tỷ trọng tôm sú có giá bán bình quân cao hơn). Giá bán bình quân đối với TTCT nguyên liệu vẫn khá ổn định (10 USD/kg), giá bán bình quân trong quý I giảm là do sự thay đổi trong cơ cấu sản phẩm để giảm tỷ trọng tôm sú với giá cao hơn. Tỷ lệ doanh thu TTCT/tôm sú thay đổi từ 87/13 quý I/2020 thành 91/9 trong quý I/2021. Điều này là do tôm sú thường được tiêu thụ trong các kênh nhà hàng và khách sạn, những nơi vẫn đang đóng cửa một phần do dịch COVID-19.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan, mặt hàng tôm sú chính là một trong những sản phẩm lợi thế tại thị trường tôm châu Âu, hơn thế nữa, đây còn là sản phẩm truyền thống ở các thị trường Tây Bắc Âu và Pháp. Các nước EU coi tôm sú là mặt hàng cao cấp vì màu sắc đặc trưng, hương vị, chất lượng và kích thước lớn. Trong đó, theo một nghiên cứu gần đây của EC, tôm chiếm 6% hoặc khoảng 1,5 kg trong tổng lượng tiêu thụ cá và hải sản mỗi người châu Âu. Hầu hết tôm nhập khẩu vào châu Âu được tiêu thụ ở Nam Âu. Tại Tây Ban Nha, bình quân một năm mỗi người sẽ tiêu thụ 3 kg tôm, tại Bồ Đào Nha là 2 kg và tại Pháp là 1,5 kg.
Tuy nhiên, tại thị trường Trung Quốc, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc xuất khẩu thủy sản trong đó có mặt hàng tôm gặp nhiều khó khăn. Các nhà xuất khẩu từ Việt Nam đang giảm kim ngạch xuất khẩu tôm sú, chủ yếu ở dạng tươi và đông lạnh và TTCT đông lạnh, chuyển sang tập trung hơn vào TTCT chế biến. Trong những năm trước, tôm sú chiếm từ 90 – 94% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm từ Việt Nam sang Trung Quốc. Tuy nhiên, xuất khẩu tôm sú năm 2020 sang Trung Quốc giảm xuống còn 25% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm, đồng thời tỷ trọng TTTC và tôm biển tăng lên lần lượt 39% và 36% trong tổng kim ngạch xuất khẩu tôm sang Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm 2021.
Sáu Nghệ – An An