Ngày 14-11, tại TP Đà Nẵng, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ NN-PTNT, Thành ủy Đà Nẵng tổ chức hội nghị tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến, nhân tố mới trong phát triển kinh tế biển đảo năm 2012 ở 28 tỉnh, thành ven biển.
Tại đây, lần đầu tiên đại diện Tổng cục Thủy sản đã cho các đại biểu một cái nhìn tổng thể về “bức tranh” của ngành khai thác thủy sản Việt Nam trong vòng 20 năm qua. Nhiều ý kiến cho rằng, những thành tựu mà ngành thủy sản đóng góp cho đất nước không nhỏ, nhưng vẫn còn đó nhiều yếu tố bất cập, rủi ro và thiếu bền vững.
Lợi thế vô cùng
Bờ biển nước ta có chiều dài 3.260km, với 112 cửa sông lạch, trung bình cứ 100km2 diện tích tự nhiên lại có 1km bờ biển và gần 30km bờ biển lại có cửa sông, lạch. Trong số 63 tỉnh/thành phố có 28 tỉnh ven biển với số dân hơn 44,2 triệu người, chiếm 50,34% tổng dân số cả nước (Tổng cục Thống kê, năm 2011). Vùng biển đặc quyền kinh tế Việt Nam có diện tích trên 1 triệu km2, gấp hơn 3 lần vùng lãnh thổ trên đất liền. Trong vùng biển có hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó có nhiều đảo có dân cư như Vân Đồn, Cát Bà, Phú Quý, Côn Đảo, Phú Quốc… có nhiều vịnh, vũng, eo ngách, các dòng hải lưu, vừa là ngư trường khai thác hải sản thuận lợi vừa là nơi có nhiều điều kiện tự nhiên để phát triển nuôi biển và xây dựng các căn cứ hậu cần nghề cá.
Lượng tàu thuyền công suất nhỏ tăng nhanh trong thời gian qua đã làm cho nguồn lợi thủy sản ven biển bị cạn kiệt – Ảnh: Nguyễn Hùng
Ông Dương Long Trì, Giám đốc Trung tâm Thông tin thủy sản (Tổng cục Thủy sản), cho rằng: Với lợi thế về điều kiện tự nhiên, từ chỗ chỉ là một nghề phụ trong sản xuất nông nghiệp, ngành thủy sản nước ta đã trở thành ngành kinh tế quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khối nông, lâm, thủy sản (6,1% năm 2011). Thủy sản Việt Nam đã có vị trí cao trong cộng đồng nghề cá thế giới, đứng thứ 11 về khai thác thủy sản, thứ 3 về nuôi thủy sản và thứ 4 về giá trị xuất khẩu thủy sản. Chủ trương phát triển khai thác xa bờ, ổn định khai thác vùng ven bờ đã khuyến khích ngư dân đầu tư, đóng mới tàu thuyền công suất lớn vươn khơi.
Đến hết năm 2011, cả nước đã có 129.395 tàu thuyền. Số lượng tàu thuyền công suất trên 90 CV tăng nhanh, từ chỗ chỉ có gần 1.000 tàu năm 1997 đã tăng lên 24.510 tàu năm 2011. Nhiều mô hình hợp tác sản xuất trên biển đã được hình thành (như tổ hợp tác đoàn kết khai thác trên biển, nghiệp đoàn nghề cá, tàu mẹ – tàu con) và phát huy tác dụng nhằm tổ chức dịch vụ hậu cần trên biển, hỗ trợ nhau trong hoạt động sản xuất và tìm kiếm cứu nạn khi gặp rủi ro. Đến tháng 9-2012, cả nước đã có 3.156 tổ, đội sản xuất trên biển.
Phải vươn khơi xa
Tuy nhiên, nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại bởi trong quá trình phát triển, ngành thủy sản vẫn bộc lộ nhiều yếu tố bất cập, rủi ro và không bền vững cả về mặt sản xuất, xã hội và môi trường. Hoạt động điều tra, đánh giá trữ lượng nguồn lợi và dự báo ngư trường còn nhiều hạn chế, thiếu đồng bộ, chưa tạo cơ sở vững chắc cho việc hoạch định chiến lược, quy hoạch phát triển khai thác hải sản và tổ chức khai thác hợp lý.
Tàu thuyền khai thác tăng nhanh và không được kiểm soát chặt chẽ, nhất là tàu thuyền công suất nhỏ (tổng công suất máy tàu cả nước năm 2011 là 7,22 triệu CV, tăng 10 lần so với năm 1990, trong khi sản lượng khai thác chỉ tăng 3,3 lần so với năm 1990), dẫn đến nguồn lợi thủy sản ven bờ bị khai thác quá mức và đứng trước nguy cơ suy giảm nghiêm trọng. Do công nghệ bảo quản sau thu hoạch còn khá thô sơ nên tổn thất sau thu hoạch chiếm tỷ trọng khá cao, chất lượng và giá trị sản phẩm khai thác nói chung vẫn còn thấp ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất và thu nhập của đa số ngư dân.
Tổng cục Thủy sản cho rằng, để duy trì sự tăng trưởng, hướng tới phát triển kinh tế biển bền vững và có hiệu quả cần hình thành các đội tàu lớn vươn ra vùng biển xa bờ vừa góp phần hiện đại hóa nghề khai thác thủy sản, vừa kết hợp bảo vệ quốc phòng, an ninh trên biển, đảo. Phát triển việc nuôi trồng ven biển để tận dụng lợi thế điều kiện tự nhiên của vùng biển, trong đó chú trọng các đối tượng nuôi có giá trị, công nghệ, kỹ thuật nuôi, giống, làm tiền đề cho việc thực hiện chuyển đổi nghề nghiệp nhằm giảm áp lực khai thác nguồn lợi ven bờ. Cần tăng cường đào tạo nghề cá và chính sách bảo hộ rủi ro cho lao động nghề cá.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh hợp tác quốc tế về biển và nghề cá với các nước láng giềng và khu vực, tham gia thực hiện Công ước quốc tế về luật biển, cam kết thực hành nghề cá có trách nhiệm và nghề cá bền vững. Tăng cường năng lực tàu thuyền để tham gia khai thác ở vùng đánh cá chung trong Hiệp định Phân định vịnh Bắc bộ và Hiệp định Hợp tác nghề cá trong vịnh Bắc bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc…
Có như thế mới đưa nước ta thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền biển đảo; để đến năm 2020, kinh tế trên biển và ven biển đóng góp khoảng 53%-55% tổng GDP của cả nước như mục tiêu của Nghị quyết 09 về “Chiến lược biển Việt Nam đến 2020” đã đề ra.