Những mẩu cá vụn phơi “lồ lộ” trên mặt đường gây mất mỹ quan đô thị, những hàng cá tự phát để nước thải rỉ xuống lòng đường bốc mùi hôi thối… Cứ đến cao điểm mùa hè, tuyến đường Hoàng Sa lại trở thành “bãi đáp” lý tưởng cho hoạt động chế biến, buôn bán hải sản của bà con ngư dân nơi đây. Cái lợi trước mắt là tiền về túi dân nhưng thiệt chung là những ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường du lịch của thành phố.
Tuyến đường Hoàng Sa được xem là một trong những cung đường đẹp nhất của thành phố Đà Nẵng. Đây còn là tuyến đường du lịch, chạy dọc các bãi biển, đưa du khách đến “thiên đường” của bán đảo Sơn Trà để thưởng ngoạn cảnh đẹp. Thế nhưng, những ngày này, dọc tuyến đường Hoàng Sa (đoạn qua địa phận phường Thọ Quang, quận Sơn Trà), hàng chục hộ dân phơi cá, buôn bán hải sản chiếm dụng vỉa hè, lòng đường gây mất “cảm tình” trong lòng những du khách đến đây.
Biết sai mà vẫn làm
Thường ngày, tại bến cá Thọ Quang vào mỗi buổi sáng sớm, cảnh buôn bán nhộn nhịp, tấp nập từ dưới biển lên đến mặt đường. Có hôm tàu cá về nhiều, hải sản bán không hết, trong khi đầu nậu lại ép giá nên các hộ dân chọn cách phơi khô để bán được giá hơn. Những ky cá từ bãi biển được đưa lên mặt đường và nhiều hộ dân chọn luôn lòng đường làm nơi phơi cá. Các loại cá được tập kết về đây chủ yếu là cá tạp nhỏ, có loại đã ươn, có loại đang trong giai đoạn phân hủy. Bãi phơi cá lại án ngữ trên diện rộng, không được che đậy, bảo quản kỹ càng nên trong quá trình phơi sấy, chế biến, bốc ra mùi hôi kinh khủng. Đặc biệt, trong những ngày nắng nóng, mùi cá thối theo chiều gió lan đi đến các khu vực dân cư. Ngày mưa thì nước cá đen ngòm, tanh chảy lan ra mặt đường, những hộ phơi cá cũng không chịu thu gom xử lý. Xác cá tôm lênh láng, xe chạy qua chạy lại lôi đi cả một đoạn xa.
Trong vai một người đi mua cá vụn phơi khô, nhờ người quen, chúng tôi có dịp bắt chuyện với một người làm nghề phơi cá đã lớn tuổi ở tổ 18, phường Thọ Quang. Bà nói: “Tui phơi cá mấy chục năm trời rồi. Ngày trước còn khỏe, tui còn đi bán cá ở chợ, chừ già rồi, phơi cá kiếm chút lãi thêm đồng ra đồng vô, khỏi phụ thuộc con cháu… Mấy bữa trước, Đội quy tắc đô thị xuống thu gom hết cá đang phơi, đốt luôn tại chỗ làm tui mất cả mấy trăm ngàn. Nhưng phơi riết rồi quen nên tui cũng dè chừng. Ngày thường thì phơi trễ một chút, khoảng tầm chín mười giờ thì chẳng có ai giám sát cả.”
Người dân phơi cá dọc đường Hoàng Sa, gây mất mỹ quan đô thị.
Phường Thọ Quang hiện có khoảng hơn 20 hộ làm nghề phơi cá. Từ lâu, phơi cá được xem là nghề chủ lực của ngư dân nơi đây. Khi tuyến đường Hoàng Sa được đưa vào khai thác, phục vụ du lịch, mọi hoạt động chế biến, buôn bán hải sản dọc tuyến đường này đều bị cấm, thế nhưng cũng có một vài hộ dân còn “bám” theo nghề. Có hộ ý thức thì phơi cá trên phên, trên giàn, tìm cách hạn chế mùi hôi thối nhưng nhiều hộ vì cuộc sống mưu sinh, cứ hễ cá bán không được giá lại đem ra phơi đầy lòng đường.
Theo quy định của UBND quận Sơn Trà, các hộ dân không được phơi cá, buôn bán hải sản dọc tuyến đường Hoàng Sa. Mọi hoạt động kinh doanh, buôn bán, chế biến đều phải di dời đến Âu thuyền Thọ Quang. Quy định là vậy, thậm chí mức xử phạt khá cao (2-3 triệu đồng/trường hợp) nhưng hầu như các hộ dân ở đây đều phớt lờ. Một mặt theo người dân, cá đem lên phơi ở đây “tiện đường” vì gần biển, mặt khác với diện tích hạn hẹp như hiện nay thì Âu thuyền Thọ Quang không đáp ứng đủ cho số lượng cá phơi nhiều, thậm chí có hộ còn đem lên địa bàn phường thuộc quận Ngũ Hành Sơn để phơi.
Khó xử lý triệt để
Anh Nguyễn Đăng Dương, lái xe du lịch điện của Công ty TNHH TM-DL Thịnh Hùng cho biết: “Rất nhiều du khách qua đoạn đường Hoàng Sa thấy cảnh đẹp muốn dừng chân để chụp ảnh hoặc đi dạo xuống bãi biển. Nhưng khi vừa bước xuống xe, những mẩu cá vụn phơi bốc mùi hôi thối khiến họ cảm thấy rất khó chịu”. Rõ ràng, chuyện phơi cá đang ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường du lịch của Đà Nẵng nhưng xử lý triệt để vấn đề này không phải dễ.
UBND phường Thọ Quang hằng ngày vẫn cử lực lượng xuống địa bàn để giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nhưng dường như quy định vẫn chưa đủ tính răn đe. Ông Đinh Văn An, Phó Chủ tịch UBND phường Thọ Quang cho biết: “Người dân cũng biết là cấm đó nhưng vì lợi nhuận, một số hộ nhỏ lẻ vẫn cố tình làm sai quy định. Có ngày chúng tôi thu gom cả gần 3 tạ tôm cá phơi, thậm chí đốt luôn tại chỗ nhưng vài ngày sau tình trạng này vẫn tái diễn”. UBND phường Thọ Quang cũng đề xuất thành phố hỗ trợ kinh phí cho các hộ dân mua thùng xốp để chở cá tươi bán lại cho các công ty thủy sản nhưng cách giải quyết này vẫn còn nhiều bất cập: một mặt thiếu nguồn kinh phí, mặt khác nhiều người đã không chịu bán mà còn mua lại đầu tôm, cá vụn của các công ty thủy sản đem phơi để làm thức ăn cho gia súc, gia cầm.
Phòng Tài nguyên Môi trường, Đội quy tắc đô thị quận Sơn Trà đã nhiều lần phối hợp kiểm tra, xử lý nhưng những hộ phơi cá vẫn ngang nhiên hoạt động. Ông Đặng Đình Hưởng, Phó đội trưởng Đội quy tắc đô thị quận Sơn Trà cho biết: “Đội quy tắc của quận có khoảng 20 người, quản lý cả địa bàn quận Sơn Trà rộng lớn, cả ngày lẫn đêm. Có nhiều hôm anh em phải đi làm từ 4, 5 giờ sáng, ngày lễ, ngày nghỉ cũng xuống tận cơ sở nhưng vì lực lượng còn mỏng nên anh em cũng chưa thể giám sát hết địa bàn được”. Trong khi nhiều hộ phơi cá vẫn lén lút hoạt động, biết rõ “giờ giấc” kiểm tra của lực lượng chức năng nên công tác xử lý vẫn còn nhiều khó khăn. Theo Phòng Kinh tế quận Sơn Trà, việc chuyển đổi ngành nghề cho các hộ phơi cá ở phường Thọ Quang không thể “một sớm, một chiều”, trong khi đa số những người phơi cá đều đã lớn tuổi.
Chuyện phơi cá nghe chừng là chuyện nhỏ nhặt nhưng lại đang ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường du lịch thành phố. Thiết nghĩ, để đường Hoàng Sa trở thành tuyến đường du lịch hấp dẫn trong mắt du khách, các cơ quan chức năng cần mạnh tay giải quyết tình trạng trên, đồng thời, chú trọng việc tuyên truyền, vận động người dân ý thức hơn nữa về hoạt động buôn bán của mình, trả lại môi trường sạch – đẹp cho tuyến đường này.