T5, 16/09/2021 04:16

Tăng cường bảo vệ bể ương tôm bằng hệ thống tuần hoàn nước

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Trong thập kỷ qua, khi người nuôi tôm tiếp tục phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ một số dịch bệnh như đốm trắng (WSSV), hoại tử gan tụy cấp (AHPND) và hội chứng phân trắng (WFS), nhiều người trong số họ đã đưa thêm bể/ao ương vào hệ thống sản xuất. Mục đích ban đầu của giai đoạn ương là nuôi dưỡng tôm giống trong điều kiện nuôi tốt nhất từ ​​3 đến 4 tuần trước khi chuyển sang ao nuôi thương phẩm nơi điều kiện môi trường biến động lớn và không thể đoán trước được.

Hơn năm năm trước, ADM đã phát triển BIOSIPEC – mô hình nuôi tôm thâm canh sử dụng hệ thống nước tuần hoàn gồm ao tuần hoàn, bể lọc sinh học và biofloc (Bảng 1). Trong phạm vi bài báo này, chúng tôi giới thiệu mô hình ương tôm cải tiến sử dụng ao tuần hoàn đóng vai trò như một bể lọc sinh học khổng lồ để quản lý chất thải và giữ các điều kiện tối ưu cho giai đoạn ương nhạy cảm.

Bảng 1: So sánh giữa hệ thống chỉ thay nước và các hệ thống tuần hoàn nước trong mô hình BIOSIPEC

Ngày nay, hệ thống thay nước là lựa chọn chính của người nuôi tôm ở Châu Á. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên nước chất lượng cao ngày càng khan hiếm, đặc biệt chất lượng nước biến động mạnh vào mùa mưa và dịch bệnh thường xuyên. Do đó, tái sử dụng nước nhờ ao tuần hoàn là cách hợp lý để giảm lượng nước sử dụng và hạn chế nguy cơ lây nhiễm mầm bệnh từ môi trường bên ngoài.

Sơ đồ 1: Bố trí hệ thống ương tôm sử dụng ao tuần hoàn

Hệ thống có 3 phần chính gồm ao tuần hoàn, các bể ương và ao nước thải như Sơ đồ 1. Ao nước thải vừa là nơi chứa chất thải lắng đọng, vừa góp phần giảm lượng khí độc (NH3, NO2, H2S) và vi khuẩn gây bệnh (Vibrio spp.).

Đặc điểm của ao tuần hoàn

Dựa trên kết quả của 23 chu kỳ ương và tham chiếu khả năng nitrat hóa từ bể lọc sinh học, chúng tôi đã rút ra kết luận rằng thể tích của ao tuần hoàn cần phải gấp 10 lần tổng thể tích bể ương (Ảnh 1).

Kích thước mỗi bể ương nên từ 100 – 250 m3. Đây là kích thước hợp lý, tránh bể quá nhỏ (30 – 50 m3) với mật độ nuôi cao sẽ làm tăng nguy cơ bùng bệnh và những bể quá lớn như 1.000 m3 khó quản lý.

Hình 1: Hệ thống bể ương tôm có sử dụng hệ thống ao tuần hoàn

Vận hành ao tuần hoàn

Nước cho ao tuần hoàn được bơm từ nguồn nước đã được xử lý của trại. Lấy nước từ kênh công cộng (cửa biển, sông, kênh dẫn nước chung) vào kênh lắng chung bên trong trại, lưu lại trong 3 – 5 ngày. Sau đó chuyển sang ao lắng sơ cấp 15 ngày, rồi bơm sang ao lắng thứ cấp 15 ngày, cuối cùng mới bơm vào ao tuần hoàn.

Trước đó, ao tuần hoàn cần được cải tạo kỹ bao gồm làm sạch đáy, phơi khô (nếu đất không bị phèn) và bón vôi. Nước được bơm vào từ ao lắng thứ cấp đến độ sâu 1,7 – 2,0 m, rồi điều chỉnh pH, độ kiềm và độ trong nếu cần. Nên thả một ít cá rô phi hoặc cá chẽm với mật độ 0,1 con/m2.

Khi lượng nước ao tuần hoàn bị mất 10 – 20% do thấm hoặc bay hơi, nên bổ sung nước mới từ ao lắng thứ cấp như qui trình bên trên. Nước trong ao tuần hoàn có thể được sử dụng liên tục từ 6 đến 7 chu kỳ ương mỗi năm và sau thời gian từ 2 – 3 năm ao sẽ được bảo dưỡng (cào đáy, thay bạt, đắp bờ).

Vận hành bể ương kết hợp với ao tuần hoàn

Chuẩn bị nước

Bảy ngày trước khi thả giống, nước được bơm qua lưới lọc (Ø 100 µm hoặc nhỏ hơn) và sát trùng bằng chlorine (ORP đạt 700 mV) và sục khí mạnh. Hai ngày trước khi thả giống, kiểm tra dư lượng chlorine và điều chỉnh các thông số nước về phạm vi tối ưu (pH, độ kiềm…). Các thông số môi trường cần được kiểm tra hàng ngày trong toàn bộ chu kỳ ương (Bảng 2).

Bảng 2: Yêu cầu về điều kiện môi trường trong quá trình ương

Chất lượng tôm giống

Trước khi thả giống, cần tiến hành kiểm tra chất lượng đàn post thông qua 8 tiêu chí gồm ngoại hình, chiều dài, tuổi post, màu sắc gan tụy giọt dầu, tỷ lệ cơ/ruột đốt thứ 6, vật bám bên ngoài, tỷ lệ dị hình và stress độ mặn. Tất cả các túi post phải được khử trùng bên ngoài để tránh lây nhiễm.

Tuần hoàn nước

Trong tuần đầu, chưa cần tuần hoàn nước. Sang tuần thứ hai, bắt đầu tuần hoàn 10% thể tích bể ương mỗi ngày, và từ tuần thứ ba tăng lên 30 – 70%. Trong trường hợp bể ương có vấn đề về chất lượng nước như lượng chất hữu cơ cao, nhiều bọt hoặc nồng độ NH3/NO2 cao, nên cắt giảm cho ăn và tăng cường tuần hoàn nước (Hình 2).

Để hỗ trợ xử lý chất thải và giảm nguy cơ dịch bệnh, người nuôi cần chọn thức ăn ương chất lượng cao (protein cao, ép đùn, bền nước) và các chủng men vi sinh tốt (cạnh tranh mạnh với Vibrio).

Hình 2: Hai bể ương với bể lắng cơ học và đường ống dẫn nước đến ao tuần hoàn

Tuân thủ an toàn sinh học để nuôi tôm bền vững

Để đảm bảo sự ổn định của hệ thống ương, một số biện pháp được áp dụng đồng thời:

  • Dự phòng máy móc và chạy luân phiên ngày – đêm
  • Thực hiện tốt an toàn sinh học để ngăn chặn sự xâm nhập mầm bệnh từ bên ngoài vào trại, sự lây lan bên trong trại và giảm ô nhiễm sang các trại lân cận
  • Sử dụng hợp lý các loại hóa chất, xác định đúng liều chất oxy hoá thông qua máy ORP và nói không với kháng sinh
  • Kiểm soát tốt tỷ lệ cho ăn và sử dụng thức ăn ương chất lượng cao để hạn chế ô nhiễm nước

Hình 3: Thao tác an toàn sinh học tại mô hình BIOSIPEC ở Trung tâm R&D ADM Nhà Bè 

Chuyển tôm sang ao nuôi thương phẩm

Cần chủ động lên kế hoạch chuyển tôm sang ao nuôi thương phẩm trước khi bể ương đạt ngưỡng chịu đựng hoặc trước khi buộc phải chuyển vì môi trường xấu hoặc sức khoẻ tôm yếu. Ở điều kiện vùng nước Nhà Bè, khi tôm đạt kích cỡ từ 0,2 g/con hoặc 5.000 con/kg, người nuôi nên bắt đầu lưu tâm kỹ hơn. Đây là lúc tôm con đạt đến sự phát triển về hình thái và sức khỏe để có thể chuyển sang môi trường ao nuôi ít được kiểm soát hơn.

Trước khi chuyển đi, bổ sung vitamin C vào thức ăn trong 1 – 2 ngày để giảm stress, tránh thời điểm lột vỏ rộ, và ngưng cho ăn 1 – 2 cữ ngay trước thời điểm kéo lưới. Việc chuyển tôm có thể bằng ống thông trọng lực hoặc chuyển khô với thời gian di chuyển dưới 2 phút; và bằng bể nước sục khí khi quãng đường di chuyển dài hơn (Hình 4). Ngoài ra, cần điều chỉnh các thông số nước của bể/ao thương phẩm gần giống với bể ương.

Hình 4: Thao tác vận chuyển tôm sang ao nuôi thương phẩm

Thành công của hệ thống ương dùng ao tuần hoàn

Với kết quả tốt từ 23 chu kỳ ương ở Trung tâm R&D ADM Nhà Bè, hệ thống ương sử dụng ao tuần hoàn đã chứng minh khả năng loại bỏ các chất thải rắn lơ lửng và kiểm soát tốt khí độc NH3 ≤ 2 ppm, NO2 ≤ 2 ppm (Hình 5) và mật độ Vibrio ≤ 103 CFU/mL (Hình 6). Tỷ lệ sống trung bình và tỷ lệ thành công lần lượt là 88% và 95%. Chi phí sản xuất ở giai đoạn ương 235 đồng/con (Bảng 3). So với hệ thống thay nước, hệ thống ương sử dụng ao tuần hoàn tiết kiệm nước gần 10 lần.


Hình 5: Biến động hàm lượng NH3 và NO2 trong bể ương

Hình 6: Biến động mật độ vi khuẩn Vibrio trong bể ương

Bảng 3: Kết quả từ 23 chu kỳ ương trao đổi nước với ao tuần hoàn

Tại ADM, chúng tôi nhận ra các cơ hội và làm việc cùng khách hàng để xây dựng và áp dụng các mô hình nuôi giảm ảnh hưởng đến môi trường và cải thiện hiệu quả sản xuất. Thông qua cam kết kiên định về phát triển bền vững, chúng tôi cung cấp các giải pháp đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong việc chăm sóc sức khỏe tôm bằng việc áp dụng các mô hình nuôi bền vững.

Quản lý nước là vấn đề quan trọng trong nuôi thủy sản. Các khu vực được coi là khan hiếm nước hoặc dự báo ​​sẽ đối mặt với tình trạng khan hiếm nước ngày càng gia tăng trong tương lai, việc giảm tiêu thụ nước và cải thiện chất lượng nước là thiết yếu. Bên cạnh việc đạt được kết quả nuôi tốt hơn so với mô hình nuôi thay nước, hệ thống tuần hoàn còn thúc đẩy nuôi tôm bền vững, vì tiêu thụ nước và thải chất hữu cơ thấp, ít sử dụng hóa chất và hoàn toàn không sử dụng kháng sinh.

Ngoài ra, hệ thống tuần hoàn có thể dễ dàng kết hợp với hệ thống thay nước hiện có bằng cách phân bổ lại một hoặc một số ao. Điều này sẽ cung cấp giải pháp dự phòng tốt trong thời gian mà chất lượng nước khó kiểm soát.

Các tác giả: 

Henry Cường: Quản lý Kỹ thuật châu Á  

Trương Ngọc Thảo: Quản lý Trung tâm R&D ADM Nhà Bè

Châu Thanh Phong: Quản lý Mô hình Thực nghiệm BIOSIPEC

Nguyễn Thị Thái Vân: Quản lý Thương hiệu Thuỷ sản châu Á

Tất cả tác giả thuộc Nhánh ADM Animal Nutrition

Về Tập đoàn ADM

ADM Animal Nutrition là một trong những công ty hàng đầu trong lĩnh vực dinh dưỡng vật nuôi, thuộc tập đoàn ADM (ARCHER DANIELS MIDLAND) Hoa Kỳ.

Có mặt tại Việt Nam từ năm 1995, trải qua 26 năm, ADM Animal Nutrition đã liên tục đầu tư, cải tiến và phát triển bền vững nhằm cung cấp những giải pháp tốt nhất cùng danh mục sản phẩm đầy đủ, đáp ứng nhu cầu của địa phương. Đến nay đã có 6 nhà máy; 2 trung tâm nghiên cứu, 1 phòng phân tích thí nghiệm hoạt động độc lập. ADM Animal Nutrition Việt Nam phát triển theo xu hướng thị trường và cung cấp các giải pháp cụ thể thông qua các lĩnh vực hoạt động của mình gồm:

  • Thức ăn dành cho thú cưng (thương hiệu Ganador, Fib’s, Minino, Equilibrio)
  • Thức ăn chăn nuôi (thương hiệu Presence, Cofna)
  • Thức ăn thủy sản (thương hiệu Ocialis, Bernaqua)
  • Thức ăn tự phối trộn Premix (thương hiệu Wisium)
  • Thức ăn dành cho ngựa (thương hiệu Royal Horse)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!