(Thủy sản Việt Nam) – Ngày 13/5/2011, Hội Nghề cá Việt Nam đã có văn bản số 55/HNC gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ NN&PTNT về việc tăng cường biện pháp giúp đỡ ngư dân, ngay sau khi trang thông tin của chính quyền thành phố Hải Khẩu, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc đăng Thông báo về phương án công tác quản lý mùa nghỉ đánh bắt cá ở Khu vực Biển Đông năm 2011 từ 12 giờ ngày 16/5 đến 12 giờ ngày 1/8, phạm vi bao gồm cả một số vùng biển của Việt Nam trên Biển Đông.
Sự việc trên đã gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho ngư dân, ngư dân không dám đánh bắt xa bờ vì sợ bị bắt, bị tịch thu tàu thuyền và các phương tiện khai thác… ảnh hưởng đến đời sống kinh tế, nhất là hiện nay đang vào vụ cá Nam (vụ cá chiếm trên 60% sản lượng khai thác cả năm).
Trong nội dung văn bản, Hội Nghề cá đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành chức năng:
1. Chỉ đạo các địa phương tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin để ngư dân nắm được các Luật và quy định của Việt Nam về bảo vệ và khai thác hải sản trên biển của Việt Nam và Lệnh cấm đánh bắt cá khu vực Biển Đông của Trung Quốc, có biện pháp cụ thể để ngư dân yên tâm đánh bắt cá bình thường trên vùng biển Việt Nam, đảm bảo đời sống kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
2. Hiện nay, vật tư đầu vào cho khai thác đánh bắt cá, giá cả xăng dầu tăng cao đã làm cho 30% số tàu thuyền phải nằm bờ, 30-40% số tàu thuyền đi khai thác cầm chừng, số tàu thuyền còn lại khai thác hiệu quả thấp. Đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành chức năng cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ cho ngư dân khi đi khai thác vừa đảm bảo đời sống tối thiểu của ngư dân ven biển, vừa khuyến khích họ tham gia bám biển, giữ gìn, bảo vệ chủ quyền an ninh biển đảo.
3. Việt Nam đã có quy định về bảo vệ, cấm khai thác cá tại một số vùng biển, ở từng thời điểm, loại phương tiện, nghề nghiệp, đối tượng khai thác. Tuy nhiên, việc thi còn hạn chế, do vậy Chính phủ cần hoàn chỉnh, bổ sung những chính sách và những quy định cụ thể hơn, có chế tài xử phạt nghiêm minh những trường hợp vi phạm. Giao cho các đơn vị chức năng điều tra, quy hoạch, dự báo ngư trường để có kế hoạch cấm khai thác và khai thác có hiệu quả. Đồng thời tăng cường việc hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp khai thác cho ngư dân, nhất là khai thác xa bờ, khuyến khích đầu tư công nghệ khoa học tiên tiến để khai thác có hiệu quả hơn.
4. Các Bộ, ngành và chính quyền địa phương tổ chức cho ngư dân khi đi khai thác phải lập thành tổ đội đánh bắt, đảm bảo trang thiết bị thông tin liên lạc, thường xuyên liên lạc với lực lượng cứu hộ, cứu nạn, bộ đội biên phòng… để có biện pháp hỗ trợ kịp thời khi xảy ra sự cố trên biển.
5. Những trường hợp ngư dân bị bắt giữ và thiệt hại về người và tài sản, Chính phủ cần thông qua con đường ngoại giao để có biện pháp hỗ trợ kịp thời, đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản cho ngư dân, can thiệp phía Trung Quốc bồi thường những thiệt hại do Trung Quốc gây ra.
Hội Nghề cá sẽ có trách nhiệm chỉ đạo, tuyên truyền hệ thống tổ chức của Hội từ Trung ương đến địa phương, phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng thực hiện việc khai thác, bảo vệ nguồn lợi đúng quy định của Nhà nước, Hiệp định hợp tác nghề cá giữa Việt Nam và Trung Quốc, đảm bảo sản xuất có hiệu quả, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.