(TSVN) – Theo đó, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển: tổ chức thực hiện tốt Quy chế phối hợp quản lý giống tôm nước lợ; tăng cường kiểm tra, kiểm soát điều kiện cơ sở sản xuất và chất lượng tôm giống để đảm bảo sản xuất, cung ứng con giống chất lượng cao phục vụ sản xuất.
Tăng cường kiểm soát điều kiện cơ sở sản xuất, chất lượng thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường NTTS trong sản xuất, lưu thông trên thị trường, xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có).
Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, phân bổ nguồn lực thực hiện tốt nhiệm vụ quan trắc, cảnh báo môi trường tại các vùng nuôi tôm nước lợ tập trung để kịp thời khuyến cáo người dân; hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch bệnh hiệu quả, không để bùng phát bệnh dịch; thực hiện tốt các giải pháp kỹ thuật để nuôi tôm hiệu quả, giảm thiểu tối đa thiệt hại cho người nuôi. Tăng cường thông tin, tuyên truyền, chuyển giao khoa học kỹ thuật, để nhân rộng các mô hình nuôi 2, 3 giai đoạn, sử dụng chế phẩm sinh học, nuôi tuần hoàn khép kín, nuôi tôm an toàn sinh học, nuôi tôm – lúa, nuôi tôm hữu cơ, nuôi tôm công nghệ cao… nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất.
Ngoài ra, phát triển các mô hình nuôi tôm nước lợ tại các vùng có điều kiện sinh thái phù hợp, gắn với kiểm soát chặt chẽ điều kiện cơ sở nuôi theo quy định. Triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người nuôi và doanh nghiệp. Tiếp tục có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người nuôi, tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi, tối ưu hóa chuỗi sản xuất để giảm giá thành sản phẩm; quan tâm phát triển các sản phẩm phù hợp, để thúc đẩy tiêu thụ thị trường trong nước.
Đồng thời tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi trục lợi, ép giá, gian lận thương mại, thông tin sai sự thật trong sản xuất tôm giống, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường NTTS, thị trường tiêu thụ tôm… làm mất ổn định sản xuất. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền hướng dẫn về các quy định địa phương, cũng như các văn bản hướng dẫn của Bộ NN&PTNT.
Vân Anh