(TSVN) – Cơ giới hóa trong khai thác thủy sản đã giảm thiểu sức lao động của con người, giúp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, giảm thất thoát sau thu hoạch, giảm giá thành sản xuất, góp phần tăng tính cạnh tranh của sản phẩm. Tuy nhiên, việc cơ giới hóa ở lĩnh vực này vẫn chưa đạt như kỳ vọng.
Theo TS Nguyễn Xuân Thi, Phân Viện Nghiên cứu Hải sản phía Nam, các công nghệ mới, tiên tiến đã và đang được áp dụng trong khai thác, bảo quản thủy sản trên tàu cá đã và đang được ngư dân một số địa phương áp dụng khá hiệu quả có thể kể đến, như: hệ thống tời thủy lực cho nghề lưới chụp ở vùng biển xa bờ; hệ thống tời thủy lực cho nghề lưới rê tầng đáy; đèn LED chuyên dụng cho nghề lưới vây kết hợp ánh sáng; công nghệ bảo quản hải sản bằng lạnh kết hợp; công nghệ bảo quản hải sản bằng nano UFB; công nghệ bảo quản hải sản bằng đá sệt…
Mức độ cơ giới hóa trong lĩnh vực khai thác chưa như kỳ vọng. Ảnh: XT
Tuy nhiên, theo đánh giá của TS Thi, mức độ cơ giới hóa trong khai thác, bảo quản thủy sản trên tàu cá chưa đạt như kỳ vọng, mà nguyên nhân chính là tàu cá nước ta chủ yếu là tàu nhỏ và vừa, công suất phần lớn <800 CV, nên rất khó khăn cho cơ giới hóa trong khai thác, bảo quản trên tàu cá. Còn theo ông Trần Hoàng Dũng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng, một trong những khó khăn trong cơ giới hóa nghề cá là do hệ thống cơ sở hạ tầng nghề cá chưa hoàn thiện và đặc biệt là ngư dân không có đủ vốn để chuyển đổi phương tiện, đầu tư máy móc, trang thiết bị phục vụ hành nghề.
Còn TS Thi cho rằng, trong khi đội tàu tàu chủ yếu là nhỏ và vừa, thì chi phí đầu tư cho thiết bị khai thác, bảo quản hải sản trên tàu cá lại rất cao, do vật liệu phải chịu được sự khắc nghiệt của môi trường nước biển, thời tiết (sóng gió, nước mặn…). Một số chủ tàu có điều kiện về tài chính muốn đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại cũng gặp khó do trình độ lao động (ngư dân) trên tàu cá còn thấp, chủ yếu làm nghề theo kinh nghiệm “cha truyền con nối”. Một nguyên nhân khác góp phần làm cho tiến độ ứng dụng các công nghệ mới chậm là do điều kiện kinh tế và nhận thức của chủ tàu, ngư dân chưa cao.
Để đẩy nhanh cơ giới hóa trong khai thác, bảo quản trên tàu cá trong giai đoạn tới như chủ trương của Bộ NN&PTNT, theo các đại biểu tham dự Hội thảo “Cơ giới hóa trong sản xuất nuôi trồng và khai thác thủy sản” do Bộ NN&PTNT phối hợp UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức vừa qua, rất cần thực hiện các giải pháp đồng bộ về khoa học công nghệ và đào tạo, thông tin truyền thông; đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng cảng cá, bến cá; hoàn thiện cơ chế, chính sách; trong đó ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến vào khai thác, bảo quản hải sản trên tàu cá là quan trọng nhất.
Theo ông Lê Văn Đáng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, để cơ giới hóa ngành thủy sản một cách đồng bộ, trước hết, cần tập trung vào một số vấn đề quan trọng về: quy hoạch, tổ chức lại sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực, chuyển đổi số, đầu tư cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư, cơ chế chính sách, thực hiện và nhân rộng các mô hình cơ giới hóa thành công… Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cần tham mưu cho Chính phủ có cơ chế, chính sách thúc đẩy xã hội hóa nghiên cứu và chuyển giao, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào cơ giới hóa trong lĩnh vực khai thác. Chỉ đạo các Viện, Trường hỗ trợ địa phương trong công tác đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực thủy sản, cũng như lĩnh vực nông nghiệp nói chung, để góp phần đáp ứng trình độ ngày càng phát triển của xã hội.
An Xuyên