Tăng cường giải pháp nuôi tôm cuối năm

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Ngày 3/7/2023, Cục Thủy sản đã có Công văn số 262/TS-NTTS gửi Sở NN&PTNT các tỉnh/thành phố trực thuộc ven biển tập trung đồng bộ các giải pháp nhằm tăng cường chỉ đạo nuôi tôm nước lợ các tháng cuối năm 2023.

Nhiều bất lợi

Theo Cục Thủy sản, trong 6 tháng đầu năm, diện tích thả nuôi tôm nước lợ đạt khoảng 656 nghìn ha (tăng 6,4 % so cùng kỳ năm 2022), sản lượng đạt khoảng 467 nghìn tấn (tăng 4,1%). Mặc dù, kết quả diện tích và sản lượng đạt và vượt kế hoạch nhưng kim ngạch xuất khẩu tôm nước lợ chỉ đạt 1,56 tỷ USD. Hậu quả của đại dịch COVID-19 và xung đột kéo dài giữa Nga và Ukraina đã tác động mạnh mẽ lên chuỗi giá trị toàn cầu, làm giảm nhu cầu tiêu thụ của các thị trường. Giá nhiên liệu không ổn định, giá vật tư và thức ăn thủy sản tăng trong khi giá bán tôm nguyên liệu liên tục giảm từ tháng 4/2023 đến nay đã ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kinh tế và tâm lý người nuôi khi quyết định giảm quy mô hay tạm ngưng thả nuôi. Điều này có thể dẫn đến khả năng thiếu nguyên liệu cho chế biến và xuất khẩu khi thị trường dần hồi phục vào cuối năm 2023, đầu năm 2024.

Tuy nhiên, theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, yếu tố lạm phát giảm, lượng hàng tồn kho giảm và nhu cầu cho các kỳ nghỉ cuối năm tăng sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Mỹ tăng. Ngoài ra, các thị trường xuất khẩu thủy sản lớn của Việt Nam như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc dự báo cũng tăng dần nhập khẩu vào cuối năm, bù đắp cho sụt giảm tại những thị trường còn lại. Một số thị trường nhỏ như Hồng Kông, Đài Loan, Thụy Sĩ có sức mua tốt hơn do không có hàng tồn kho, cũng góp phần làm tăng cơ hội xuất khẩu vào cuối năm.

Cục Thú y cho biết, 6 tháng đầu năm 2023, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ bị thiệt hại là 17.927 ha (chiếm 87% tổng diện tích thủy sản nuôi bị thiệt hại), tăng 7% so cùng kỳ năm 2022. Lý giải về thực trạng này, ông Tiền Ngọc Tiên, Chi Cục trưởng Chi Cục Thú y vùng VII cho biết, diện tích nuôi tôm nước lợ bị thiệt hại do thời tiết thay đổi, độ mặn tại một số cửa sông không đủ để nuôi tôm. Bên cạnh đó đầu năm 2023 ghi nhận giá tôm khá thấp, khiến các cơ sở, trang trại tôm không tối đa hóa công suất và không đầu tư vào con giống chất lượng, khiến diện tích nuôi tôm nước lợ giảm sút, không đạt sản lượng như mong muốn.

Người nuôi cần tập trung tăng cường các giải pháp kiểm soát nuôi tôm an toàn, hiệu quả. Ảnh: Phan Thanh

Giải pháp cho chặng đường cuối năm

Để ổn định sản xuất, cung cấp đủ sản lượng cho chế biến và xuất khẩu các tháng cuối năm, Cục Thủy sản đề nghị Sở NN&PTNT các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương ven biển chỉ đạo các đơn vị chức năng tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm.

Thứ nhất, tiếp tục triển khai các giải pháp phát triển ngành tôm nước lợ năm 2023 tại thông báo kết luận số 1626/TB-BNN-VP ngày 23/3/2023; theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, phân bổ nguồn lực thực hiện tốt nhiệm vụ quan trắc, cảnh báo môi trường tại các vùng nuôi tôm nước lợ tập trung, kịp thời khuyến cáo người dân chủ động kế hoạch sản xuất, thực hiện các giải pháp kỹ thuật phù hợp để nuôi tôm hiệu quả, giảm thiểu tối đa thiệt hại; hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch bệnh, không để bùng phát; tăng cường thông tin, tuyên truyền, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật để nhân rộng các mô hình nuôi nhiều giai đoạn, sử dụng chế phẩm sinh học, nuôi tuần hoàn khép kín, nuôi tôm an toàn sinh học, nuôi tôm – lúa, tôm – rừng, tôm hữu cơ, nuôi tôm công nghệ cao… để giảm giá thành, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất.

Thứ hai, khuyến cáo người dân ổn định tâm lý, tránh thu hoạch ồ ạt, mật độ thả nuôi thưa, kéo dài thời gian nuôi để tăng kích thước tôm, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, tăng giá bán từ đó tăng hiệu suất đầu tư.

Thứ ba, chủ động phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan nắm bắt diễn biến giá tôm nguyên liệu, phân tích hiệu quả sản xuất từng cỡ tôm thu hoạch, dự báo nhu cầu của thị trường, kịp thời thông tin đến chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người nuôi có kế hoạch thả giống và giải pháp sản xuất phù hợp; không để xảy ra tình trạng đại lý thu mua tung tin thất thiệt, ép giá người nuôi.

Thứ tư, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và người nuôi tôm tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi, tối ưu hóa chuỗi sản xuất để giảm giá thành sản phẩm; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh và các đơn vị có liên quan tiếp tục rà soát, nghiên cứu xây dựng mô hình thí điểm cung cấp qua liên kết chuỗi; quan tâm phát triển các sản phẩm phù hợp, đa dạng chủng loại để thúc đẩy tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Thứ năm, thực hiện cam kết giữa các bên trong chuỗi sản phẩm thủy sản để chủ động kế hoạch sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và tận dụng hiệu quả các chính sách hỗ trợ tài chính của Chính phủ (Doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản cam kết thông báo nhu cầu nguyên liệu về khối lượng, chủng loại/size sản phẩm, kế hoạch thu mua; người nuôi trồng thủy sản tổ chức sản xuất đáp ứng nhu cầu).

Thứ sáu, thực hiện các biện pháp tăng sản lượng tôm nuôi, đảm bảo nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu. Các tỉnh ĐBSCL tiếp tục duy trì ổn định diện tích thả nuôi tôm sinh thái, tôm – lúa, tôm – rừng, tôm quảng canh cải tiến, kết hợp các biện pháp tăng năng suất và sản lượng để phát huy lợi thế sản phẩm tôm sú. Phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng ở những vùng có đủ điều kiện hạ tầng đáp ứng yêu cầu kỹ thuật nuôi và kiểm soát tốt các khâu sản xuất; hướng dẫn kỹ thuật và giám sát người nuôi cải tạo ao, đầm đảm bảo thời gian ngắt vụ và mật độ thả nuôi hợp lý. Các tỉnh miền Trung và miền Bắc tập trung nuôi tôm thẻ chân trắng cao triều theo hình thức công nghiệp, thâm canh áp dụng kỹ thuật nuôi tiên tiến, chủ động sản xuất trong tất cả các khâu, đảm bảo an toàn khi có bão, lũ và biến động môi trường đột ngột.

Thứ bảy, tăng cường thông tin, tuyên truyền hướng dẫn về các quy định của Luật Thuỷ sản 2017; Nghị định 26/2019/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn; đặc biệt quan tâm chỉ đạo, tháo gỡ các vướng mắc khó khăn và đơn giản hóa thủ tục hành chính về đăng ký đối tượng nuôi đối với tôm sú và TTCT.

 

>> Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản cho biết, hiện nay đơn vị phối hợp với các địa phương ven biển triển khai thực hiện một số đề án, chương trình đã phê duyệt như chương trình phát triển NTTS đến năm 2030, kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025, đề án tổng thể phát triển ngành công nghiệp tôm Việt Nam và đề án phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững vùng ĐBSCL. Đặc biệt, Cục Thủy sản sẽ hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp, người dân NTTS tập trung ứng dụng khoa học, công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu cho ngành hàng tôm.

Vân Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!