(TSVN) – Bộ Nông nghiệp và Môi trường vừa ban hành Quyết định về Chương trình Giám sát viên trên tàu cá hoạt động khai thác thủy sản ở vùng biển Việt Nam.
Mục tiêu của Chương trình là thu thập thông tin, dữ liệu hoạt động nghề cá trên biển và giám sát việc tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khai thác thủy sản ở vùng biển Việt Nam phù hợp với pháp luật Việt Nam và các quy định quốc tế có liên quan.
Cụ thể, triển khai hiệu quả kế hoạch hành động về quản lý và bảo tồn thú biển Việt Nam giai đoạn 2024 – 2028 phê duyệt tại Quyết định số 1287/QĐ-BNNPTNT ngày 08/5/2024.
Sẽ thực hiện giám sát đối với nghề thuộc nhóm có nguy cơ cao đánh bắt các loài không chủ ý. Ảnh: ST
Theo dõi, giám sát hoạt động khai thác thủy sản của các đội tàu ở vùng biển Việt Nam để thu thập thông tin, dữ liệu, số liệu và việc tuân thủ pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khai thác trên biển.
Cung cấp thông tin, dữ liệu cho cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản ở Trung ương và các cơ quan khoa học tại Việt Nam đầy đủ, khách quan về hoạt động khai thác thủy sản trên biển và các nguồn thông tin, dữ liệu khác có liên quan.
Triển khai giám sát đặc biệt đối với các loài thú biển, các loài nguy cấp, quý hiếm, các loài khai thác không chủ ý và môi trường sống của chúng có phân bố hoặc di cư qua vùng biển Việt Nam.
Triển khai hoạt động Giám sát viên trên tàu cá, trong đó, đối tượng giám sát là đội tàu khai thác thủy sản có chiều dài từ 15 mét hoạt động ở vùng khơi hoặc tùy theo yêu cầu của thị trường xuất khẩu thủy sản.
Cùng với đó, sẽ thực hiện giám sát đối với nghề/ngư cụ thuộc nhóm có nguy cơ cao đánh bắt các loài không chủ ý (bao gồm cả rùa biển, thú biển,…) và các loài thủy sản gồm loài khai thác chính và loài khai thác không chủ ý.
Chương trình giám sát viên trên tàu cá ở vùng biển Việt Nam được thực hiện hàng năm. Trong đó, giai đoạn 2025 – 2028, được thực hiện theo nhiệm vụ thí điểm hoạt động giám sát khai thác thủy sản trên tàu cá, yêu cầu của thị trường nhập khẩu và nhu cầu phục vụ công tác quản lý.
Cũng theo Quyết định này, giám sát viên đi trên tàu cá cần thực hiện các hoạt động chính bao gồm: thông tin về tàu cá, thông tin chuyến biển, ngư trường/vùng biển khai thác (kinh, vĩ độ), vùng hoạt động của tàu, an toàn chuyến biển; Thông tin về nghề và ngư cụ khai thác thủy sản: các loại nghề và ngư cụ sử dụng; thông số cơ bản, bao gồm các nghề: lưới vây (lưới vây cá ngừ, lưới vây cá nổi nhỏ); lưới rê (lưới rê thu ng , lưới rê hỗn hợp, lưới rê tầng đáy); Nghề câu (câu cá ngừ đại dương, câu vàng tầng đáy); lưới kéo (lưới kéo đôi, lưới kéo đơn); lưới chụp; lồng bẫy và một số loại nghề khác (khi có yêu cầu).
Giai đoạn 2025 – 2028, thực hiện giám sát với nhóm I – nhóm có nguy cơ lớn ảnh hưởng đến các loài thủy sản khai thác không chủ ý (bao gồm cả rùa biển, thú biển,…), gồm các nghề thuộc nhóm lưới rê thu ngừ, rê tầng đáy, rê ba lớp,…), mỗi năm thực hiện 10 chuyến/nghề; riêng nghề lưới rê thu ngừ sẽ thực hiện 3 – 5% tổng số lượng tàu tương ứng là 28 – 47 chuyến/năm; Nhóm II – nhóm có nguy cơ ảnh hưởng đến các loài thuỷ sản khai thác không chủ ý: gồm các nghề lưới vây, câu cá ngừ, lưới kéo (kéo đơn, kéo đôi); dự kiến mỗi năm thực hiện 5 – 10 chuyến/nghề/năm.
Từ năm 2029 trở đi, tùy thuộc kết quả đánh giá thực hiện nhiệm vụ giai đoạn 2025 – 2028 và yêu cầu của thị trường nhập khẩu có thể mở rộng thêm về tần suất thực hiện và đối tượng giám sát theo nghề.
PV