(TSVN) – Theo Bộ NN&PTNT, chất lượng, an toàn thực phẩm (ATTP) thủy sản xuất khẩu đã được cải thiện, tuy nhiên, tỷ lệ hàng hóa không đáp ứng được quy định vẫn cao. Nhằm giảm thiểu các vụ việc vi phạm về chất lượng, ATTP, cần phải siết chặt thêm các quy định và khâu kiểm soát.
Mới đây, Bộ NN&PTNT đã ban hành Công văn số 859/BNN-QLCL về việc tăng cường hiệu quả kiểm soát chất lượng, ATTP. Trong đó, Bộ NN&PTNT yêu cầu Tổng cục Thủy sản chỉ đạo các cơ quan chuyên môn ở địa phương quản lý hiệu quả điều kiện NTTS đảm bảo ATTP theo quy định hiện hành của Luật Thủy sản và các văn bản dưới Luật; Phối hợp với Cục Thú y thường xuyên tổ chức kiểm tra hoạt động kinh doanh và sử dụng thức ăn, thuốc thú y, hóa chất, chất xử lý môi trường dùng trong NTTS; cảnh báo, ngăn ngừa lạm dụng hóa chất, phụ gia trong khai thác, bảo quản hải sản và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Cục Thú y chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, cơ quan thú y ở địa phương kiểm soát chặt chẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh thuốc thú y dùng trong NTTS; tăng cường giám sát, cảnh báo dịch bệnh trong NTTS và hướng dẫn cơ sở nuôi thủy sản phòng bệnh, sử dụng thuốc thú y đúng cách; cảnh báo, ngăn ngừa lạm dụng thuốc thú y, hóa chất, chế phẩm sinh học trong phòng chống dịch bệnh thủy sản và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Ảnh minh họa
Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tăng cường thẩm tra, hậu kiểm điều kiện đảm bảo ATTP trong sản xuất, chế biến thủy sản; tăng cường giám sát chất lượng, ATTP đối với sản phẩm thủy sản trước khi tiêu thụ, xuất khẩu; hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao hệ thống kiểm soát chất lượng, ATTP theo HACCP.
Cùng đó, doanh nghiệp chế biến thủy sản cần chủ động nghiên cứu, cập nhật đầy đủ các quy định của thị trường nhập khẩu về chất lượng, ATTP để tổ chức thực hiện trong quá trình sản xuất, chế biến xuất khẩu. Trong đó, lưu ý tập trung kiểm soát mối nguy, sản phẩm và yêu cầu của một số thị trường đã được Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản phổ biến, hướng dẫn thời gian qua.
Bộ NN&PTNT nhấn mạnh, trong bối cảnh Việt Nam đã ký kết và thực thi một số Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (CPTTP, EVFTA, UKFTA, VN-EAEU FTA…), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) mang lại nhiều ưu đãi thuế quan, tuy nhiên, các doanh nghiệp cần thiết lập và thực hiện hiệu quả hệ thống truy xuất nguồn gốc trong toàn bộ quá trình sản xuất từ nguyên liệu đến thành phẩm trước khi tiêu thụ ra thị trường; Nghiêm túc tuân thủ các quy tắc về xuất xứ, nghĩa vụ thuế theo quy định của thị trường nhằm tránh vụ việc điều tra về lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ…
Mặt khác, doanh nghiệp thiết lập chủ động kênh thông tin giữa nhà nhập khẩu, doanh nghiệp và cơ quan quản lý để kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc trong xuất khẩu, đặc biệt các vấn đề liên quan đến chất lượng, ATTP. Đặc biệt, hoàn thiện các điều kiện về nhà xưởng, trang thiết bị, nhất là nguồn nhân lực đảm bảo xây dựng hệ thống tự kiểm soát trong toàn bộ quá trình sản xuất, chế biến một cách thực chất, chất lượng và hiệu quả.