Nhằm đẩy mạnh việc thực hiện các giải pháp chống khai thác IUU cũng như kết quả triển khai các quy định của Luật Thủy sản năm 2017; vừa qua, đoàn công tác của Tổng cục Thủy sản do Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Quang Hùng dẫn đầu đã có buổi làm việc tại một số địa phương như Thái Bình, Quảng Ninh.
Ghi nhận tại tỉnh Thái Bình, trong thời gian qua, địa phương đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp chống khai thác IUU, đồng thời tích cực triển khai thi hành Luật Thủy sản năm 2017 và một số văn bản liên quan. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật được chú trọng thực hiện nên nhận thức của ngư dân, chủ tàu thuyền về chống khai thác IUU đã có chuyển biến tích cực. Tỉnh đã thành lập Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá; triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, quản lý cảng cá, tàu cá. Trong 2 năm (2018 – 2019), tỉnh đã tổ chức 22 cuộc thanh tra, kiểm soát, kiểm tra trực tiếp 136 tàu cá, xử lý vi phạm hành chính 6 chủ tàu cá với số tiền 46 triệu đồng. 6 tháng đầu năm 2020, tổ chức 6 đợt tuần tra, kiểm soát hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nhắc nhở 205 phương tiện tham gia khai thác, kiểm tra trực tiếp 54 phương tiện. Kết quả, từ tháng 1/2019 đến nay trên địa bàn tỉnh không xảy ra trường hợp tàu cá và ngư dân vi phạm đánh bắt hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.
Còn tại Quảng Ninh, địa phương đã tăng cường hướng dẫn, tuyên truyền cho hơn 8.000 tàu cá thực hiện các quy định của Luật Thủy sản năm 2017; các chỉ thị, công điện của Thủ tướng Chính phủ trong chống khai thác IUU… Các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương của tỉnh cũng đẩy mạnh kiểm tra, xử phạt hàng nghìn tàu cá vi phạm quy định khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, thu nộp ngân sách hàng chục tỷ đồng và tiêu hủy nhiều loại công cụ đánh bắt hủy diệt như kích điện, lồng bát quái, chã cào…
Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Quang Hùng đề nghị các địa phương cần tăng cường tuyên truyền và xử lý vi phạm đối với những tàu không lắp thiết bị giám sát hành trình, không có giấy phép khai thác và không đảm bảo điều kiện an toàn khi khai thác trên biển. Kiên quyết không cho rời bến, rời cảng với những tàu cá này. Đây là một trong những lộ trình để tiến tới gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC.