(TSVN) – Để tập trung tháo gỡ “thẻ vàng” của EC đối với khai thác hải sản của Việt Nam, một trong các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đó là tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên các vùng biển, đặc biệt tại các khu vực vùng biển chồng lấn, chưa được phân định giữa Việt Nam và các nước để kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từ đầu năm đến nay các lực lượng thực thi pháp luật trên biển (Hải quân, Biên phòng, Cảnh sát Biển và Kiểm ngư) duy trì 29 – 33 tàu, sử dụng máy bay không người lái, máy bay DHC-6 kết hợp với tàu mặt nước trên thực địa để tuần tra, kiểm soát, trọng tâm là ở vùng biển giáp ranh với Malaysia, Indonesia, Thái Lan; các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển đã triển khai trên 300 lượt tàu, xuồng tuần tra, kiểm tra, kiểm soát vùng lộng và vùng ven bờ do địa phương quản lý. Cùng đó, lập danh sách tàu cá có nguy cơ cao vi phạm để tăng cường theo dõi, giám sát hoạt động trên biển; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tàu cá xuất bến, nhập bến khi tham gia hoạt động khai thác thủy sản.
Kết quả: Đã ngăn chặn, chấm dứt được tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở các nước, quốc đảo Thái Bình Dương. Công tác xử phạt các hành vi khai thác IUU tiếp tục được tăng cường, cụ thể: (i) Năm 2021, các địa phương đã xử phạt 1.698 vụ với tổng số tiền xử phạt là 21.136.600.000 đồng; (ii) Từ đầu năm 2022 đến nay, các địa phương đã xử phạt 996 vụ với tổng số tiền xử phạt là 16.512.450.000 tỷ đồng.
Ảnh minh họa
Để tập trung tháo gỡ “thẻ vàng” của EC đối với khai thác hải sản của Việt Nam, thời gian tới Bộ NN&PTNT tiếp tục tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ, ngành liên quan và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các vùng hoạt động trên biển, đặc biệt là các vùng, khu vực giáp ranh, vùng chồng lấn. Cụ thể như sau:
– Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tàu cá xuất bến, nhập bến; tiếp tục tổ chức các đợt cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tại các vùng biển chồng lấn, tranh chấp, ranh giới vùng biển giữa Việt Nam và các nước.
– Điều tra, xử lý, xử phạt dứt điểm hành vi cố tình hoặc các tổ chức, cá nhân môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.
– Thực hiện nghiêm túc, đúng quy định việc kiểm soát tàu cá ra vào cảng, giám sát sản lượng thủy sản từ khai thác, truy xuất nguồn gốc thủy sản.
– Theo dõi, lập danh sách các tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm khai thác IUU về Báo cáo, Nhật ký khai thác; không có Giấy phép khai thác thủy sản; không lắp đặt/ngắt kết nối thiết bị VMS; khai thác sai vùng, vượt ranh giới phát hiện qua VMS…
– Tăng cường công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng của các Ban, Bộ, ngành Trung ương có liên quan (Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, NN&PTNT…) và địa phương để thống nhất trong công tác điều tra, xử phạt các hành vi khai thác IUU; thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 17/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế phối hợp liên ngành trong trao đổi, xử lý thông tin. Kiên quyết xử phạt hành vi khai thác IUU theo quy định tại Nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương để răn đe, tuyên truyền, giáo dục.
– Lực lượng Bộ đội Biên phòng thường xuyên duy trì lực lượng tàu, xuồng trực tuần tra, kiểm tra kiểm soát tại các cảng, bến cá, cửa sông, lạch, bãi ngang; lực lượng Hải quân, Cảnh sát Biển, Kiểm ngư tăng cường duy trì tàu tại các vùng biển giáp ranh, chồng lấn, các vùng trọng điểm thường xuyên tổ chức tuần tra kiểm soát ngăn chặn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép, hỗ trợ bảo vệ ngư dân vươn khơi bám biển đồng thời nắm chắc tình hình, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Vân Anh