T6, 07/06/2024 11:34

Tăng cường kiểm soát tàu cá ra, vào cảng

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Việc kiểm soát, truy xuất nguồn gốc thủy sản cũng như quản lý hoạt động của các tàu cá ra vào cảng cá là một trong những nội dung được cảng cá tại nhiều tỉnh, thành ven biển tăng cường các giải pháp thực hiện trong thời gian qua, nhằm góp phần tháo gỡ “thẻ vàng” thủy sản của EC.

Ngày 28/5, Bộ NN&PTNT đã có Công văn số 3818/BNN-TS gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển về việc quản lý tàu cá ra, vào cảng cá; nâng cao hiệu quả khai thác cảng, thực hiện tốt công tác giám sát sản lượng lên bến. Theo đó, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan tập trung bố trí nguồn lực triển khai thực hiện hệ thống phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử (eCDT VN) tại các cảng cá; đề xuất và trang bị các thiết bị di động có hệ điều hành Android tại các cảng cá, Đồn/Trạm biên phòng ven biển để hỗ trợ ngư dân, doanh nghiệp, lực lượng chức năng truy cập thực hiện nghiệp vụ.

Bên cạnh đó, tiếp tục cập nhật dữ liệu giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng, lập danh sách và đánh giá số lượng tàu cá cập cảng bốc dỡ thủy sản so với số tàu hiện có tại địa phương để có biện pháp quản lý, xử lý tàu cá không cập cảng bốc dỡ thủy sản theo quy định. Đồng thời, lập danh sách các cảng cá, bến cá tư nhân, truyền thống đủ điều kiện để bốc dỡ sản phẩm thủy sản, giám sát chặt chẽ sản lượng thủy sản khai thác tại các cảng cá, bến cá này; có lộ trình và giải pháp thực hiện đúng quy hoạch về cảng cá theo quy định. Thực hiện các quy định về kiểm soát tàu cá ra vào cảng, giám sát lượng thủy sản khai thác, đặc biệt là tàu khai thác vùng khơi phải vào cảng cá chỉ định; xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác; xử lý nghiêm đối với tổ chức, cá nhân cố tình hợp thức hóa hồ sơ.

Việc minh bạch hóa thông tin từ công tác quản lý tàu cá ra vào cảng và kiểm soát sản phẩm thủy sản tại cảng đang được các địa phương tích cực triển khai; ảnh: TTKNQT

Các địa phương, đơn vị bố trí vốn đầu tư xây dựng, nâng cấp các cảng cá theo quy định; kinh phí duy trì, nạo vét luồng của các cảng cá để tạo điều kiện thuận lợi cho tàu cá ra, vào cảng cá được an toàn. Tạo điều kiện thuận lợi, bổ sung nguồn lực (nhân lực, kinh phí, trang thiết bị) cho cơ quan quản lý thủy sản, tổ chức quản lý cảng cá.

Tuyên truyền, tập huấn, vận động ngư dân và các tổ chức, cá nhân có liên quan tuân thủ các quy định pháp luật về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về cảng cá và quản lý cảng cá tại địa phương. Bố trí nguồn lực thực hiện cập nhật dữ liệu lên các cơ sở dữ liệu quản lý thủy sản như: Nhật ký khai thác thủy sản, giám sát sản lượng, giấy biên nhận bốc dỡ thủy sản, giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản (SC), giấy chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác (CC) lên phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử eCDT VN (https://cdt.tongcucthuysan.gov.vn/). Giám sát sản lượng thủy sản khai thác bốc dỡ qua cảng, giấy biên nhận bốc dỡ thủy sản, giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản hàng ngày và kết quả hoạt động của cảng cá hàng tháng…

Tại tỉnh Quảng Nam, theo thống kê từ Trung tâm Đăng kiểm tàu cá và quản lý cảng cá (Sở NN&PTNT tỉnh), ở cảng cá Tam Quang (Núi Thành) trong tháng 5 có 309 lượt tàu cá cập cảng, 360 lượt tàu cá rời cảng, nâng lũy kế từ đầu năm đến nay, có tổng cộng có 1.729 lượt tàu cá cập cảng và 1.988 lượt tàu cá rời cảng. Ông Phan Đình Châu, Giám đốc Trung tâm cho biết, khi chủ tàu cá làm thủ tục rời cảng hay cập cảng, ngành chức năng đối chiếu thực tế lao động trên tàu có đúng với khai báo trong danh bạ thuyền viên; chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng có đầy đủ theo quy định. Với tàu cập cảng sẽ kiểm tra kỹ niêm phong, kẹp chì của thiết bị giám sát hành trình để đảm bảo an toàn, bảo mật.

Cùng đó, thuyền trưởng tàu cá Quảng Nam đều thông báo trước 1 giờ khi cập cảng. Văn phòng Kiểm soát nghề cá khi thu nhận nhật ký khai thác của ngư dân đã kiểm tra đối chiếu đầy đủ các thông tin dữ liệu đảm bảo nội dung nhật ký khai thác khoa học, trung thực. Quảng Nam cũng thực hiện nghiêm xử phạt nếu tàu cá cập cảng lên cá mà không có nhật ký khai thác hoặc nhật ký khai thác ghi chép không đúng, không đủ theo quy định.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cũng giao các lực lượng quản lý cảng cá, thủy sản, biên phòng phối hợp thực hiện kỹ các công đoạn rà soát hồ sơ kiểm soát tàu cá cập, rời cảng; giám sát sản lượng bốc dỡ qua cảng; xác nhận nguồn gốc, truy xuất nguyên liệu hải sản sau khai thác. Đến nay, Văn phòng Kiểm soát nghề cá của tỉnh đã rà soát, cập nhật bổ sung toàn bộ hồ sơ liên quan đến kiểm soát tàu cá tại cảng, giám sát sản lượng hải sản qua cảng, truy xuất nguồn gốc nguyên liệu hải sản khai thác.

Mới đây, UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành công văn giao Sở NN&PTNT chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố vùng biển tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ, nghiêm túc những nội dung chỉ đạo của Bộ NN&PTNT theo Công văn số 3818. Trong đó, lưu ý tập trung khắc phục triệt để những thiếu sót, hạn chế về công tác quản lý, vệ sinh môi trường tại Cảng cá La Gi.

Để tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp triển khai Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư và Công văn số 3818/BNN-TS của Bộ NN&PTNT; vừa qua, tại Cảng cá Ngọc Hải (TP Hải Phòng), Ban Quản lý cảng cá, bến cá phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức buổi hướng dẫn sử dụng Hệ thống phần mềm eCDT VN. Tại buổi làm việc, đại biểu của các cơ quan, đơn vị và ngư dân Hải Phòng đã có những phản ánh về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sử dụng phần mềm eCDT VN về kỹ thuật hệ thống như: Tên loài trong cơ sở dữ liệu chưa cập nhật theo tiêu chuẩn; thiếu chức năng quản lý truy xuất việc mua bán nguyên liệu trước khi xác nhận nguyên liệu; thiếu chức năng liên thông nhật ký khai thác, nhật ký thu mua thủy sản; chức năng trừ lùi nguyên liệu trên Giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác (SC) chưa đầy đủ đối với phụ liệu, phụ phẩm; thiếu chức năng cập nhật thông tin, chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu nghề cá Quốc gia (VNFishbase), hệ thống giám sát tàu cá, cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản; thiếu chức năng thực hiện kiểm tra, cảnh báo tàu cá vi phạm khai thác IUU; chưa đủ phiên bản trên app và web cho mọi người dùng…

Cùng đó là bất cập về tổ chức thực hiện như: Hạ tầng công nghệ thông tin tại cảng cá, trạm kiểm soát Biên phòng; độ sẵn sàng sử dụng của thuyền trưởng tàu cá; cơ chế pháp lý trách nhiệm vận hành, xử lý vi phạm… Những nội dung này đã được cán bộ, chuyên viên Cục Thủy sản giải đáp cụ thể để người sử dụng hiểu, thực hiện.

Một trong những nội dung mà Đoàn thanh tra của EC sẽ tập trung kiểm tra đó là việc giám sát, truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác thông qua việc chi chép, thu nộp nhật ký khai thác tại các cảng cá… Do vậy, việc minh bạch hóa thông tin từ công tác quản lý tàu cá ra, vào cảng đến bốc dỡ hàng hóa, giám sát sản lượng tại cảng sẽ đảm bảo việc triển khai thực hiện Luật Thủy sản và các khuyến nghị của EC đạt kết quả cao nhất.

Vân Anh

Phần mềm eCDT VN do Cục Thủy sản đưa vào triển khai thực hiện, nhằm liên thông đồng bộ dữ liệu hoạt động của tàu cá, kiểm soát sản lượng thủy sản từ khai thác, công tác xác nhận, chứng nhận nguồn gốc tại cảng cá, chi cục thủy sản và cơ sở, doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu thủy sản… đảm bảo kiểm soát được tính minh bạch, hợp pháp đối với các sản phẩm thủy sản khai thác xuất khẩu.

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!