T6, 04/10/2024 09:53

Tăng cường kiểm soát thiệt hại do dịch bệnh trên thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Ngày 3/10, tại TP HCM, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị phòng, chống dịch bệnh thủy sản năm 2024 và kế hoạch năm 2025 với sự tham gia của lãnh đạo các đơn vị trực thuộc bộ cùng đông đảo doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nuôi trồng và chế biến thủy sản.

Khó càng thêm khó 

Ngành nuôi trồng thủy sản đang đối mặt với những thách thức lớn do diễn biến môi trường và thời tiết bất lợi, cùng với sự bùng phát của các dịch bệnh, gây thiệt hại nghiêm trọng. Trước tình hình đó, việc chủ động xây dựng và thực hiện các phương án phòng, chống hiệu quả trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Đây không chỉ là giải pháp giảm thiểu tổn thất kinh tế mà còn giúp đảm bảo chất lượng và nguồn cung thủy sản ổn định cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Toàn cảnh Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh rằng, Cơn bão số 3 đã gây ra thiệt hại vô cùng nghiêm trọng đối với nền kinh tế, ước tính lên tới 81.500 tỷ đồng. Trong đó, ngành nông nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là hai lĩnh vực thủy sản và chăn nuôi. Ước tính, thiệt hại của ngành thủy sản vượt quá 6.000 tỷ đồng, trong khi chăn nuôi cũng tổn thất khoảng 1.000 tỷ đồng. Dù năng suất và chất lượng của ngành nông nghiệp trong 9 tháng đầu năm 2024 vẫn đạt và vượt chỉ tiêu, nhưng rõ ràng, Cơn bão số 3 sẽ có những tác động không nhỏ đến kết quả trong những tháng còn lại của năm.

“Ở các tỉnh miền núi phía Bắc thì sản xuất thủy sản chủ yếu mang tính tự cung tự cấp, còn xuất khẩu chủ yếu ở phía Nam. Khu vực phía Nam có diện tích nuôi trồng thủy sản là 1,3 triệu ha, trong đó tôm chiếm khoảng 704.000 ha với sản lượng năm 2023 là 1,04 triệu tấn. Diện tích nuôi cá tra là 6.000 ha. Xuất khẩu thủy sản 9 tháng năm 2024 đạt khoảng 7,2 tỷ USD và mục tiêu sẽ phấn đấu đạt 10,5 tỷ USD cho năm 2024. Nhiệm vụ trọng tâm đến cuối năm, nuôi trồng thủy sản cần phải tăng cường hơn nữa để phục hồi sau cơn bão và duy trì được đà tăng trưởng ngành thủy sản hằng năm là từ 3,5 – 4%, chiếm tỷ trọng trong ngành nông nghiệp khoảng 28%”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chỉ đạo.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT phát biểu tại Hội nghị

Để đạt được các mục tiêu đã đề ra, Bộ NN&PTNT và các địa phương cần phải tập trung nỗ lực tăng cường sản lượng ở những tỉnh không bị ảnh hưởng bởi cơn bão. Việc khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm những giải pháp phù hợp để đối phó với các thách thức hiện tại là nhiệm vụ cấp bách. Khó khăn bủa vây, nhất là khu vực miền Bắc chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai nhưng “trong cái khó sẽ ló cái khôn”, giải pháp luôn nằm trong những thách thức, Thứ trưởng nhận định.

Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản, cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, Cục đã rà soát thiệt hại của các đối tượng thủy sản bị thiệt hại trong đợt thiên tai vừa qua. Từ đó, sẽ có phương án phục hồi cụ thể và bù đắp sản lượng với những đối tượng khác.

Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản tham dự Hội nghị

Nguy cơ từ dịch bệnh thủy sản vẫn còn cao

Tại Hội nghị, ông Phan Quang Minh, Phó Cục trưởng Cục Thú y, đã báo cáo về tình hình phòng, chống dịch bệnh thủy sản trong 9 tháng đầu năm 2024. Theo số liệu từ các địa phương, diện tích nuôi trồng thủy sản bị dịch bệnh giảm còn 4.257 ha, giảm gần 29% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, diện tích tôm nuôi bị ảnh hưởng giảm 35%, cá tra giảm 30%, và các loài thủy sản khác giảm nhẹ với diện tích bị dịch bệnh là 403 ha. Tuy nhiên, bên cạnh dịch bệnh, ngành thủy sản còn phải đối mặt với thiệt hại nghiêm trọng do biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường, với tổng diện tích bị ảnh hưởng lên đến 17.316 ha, chiếm hơn 80% thiệt hại toàn ngành.

Theo ông Phan Văn Minh, mặc dù dịch bệnh trên tôm có xu hướng giảm, nhưng thiệt hại do biến đổi khí hậu lại tăng mạnh 20% so với năm 2023. Các bệnh nguy hiểm như hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND), đốm trắng (WSD), và vi bào tử trùng (EHP) vẫn lưu hành phổ biến ở nhiều vùng nuôi, đặc biệt tại các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang. Những yếu tố môi trường như nhiệt độ cao, độ mặn gia tăng, và biến đổi khí hậu cực đoan khiến tôm chậm lớn, sức đề kháng yếu, dễ mắc các bệnh nguy hiểm như đốm trắng, phân trắng, đỏ thân, và vi bào tử trùng. Ông Minh cảnh báo rằng nếu các cơ sở nuôi không tăng cường biện pháp an toàn sinh học và giám sát dịch bệnh chủ động, nguy cơ bùng phát dịch sẽ rất cao.

Ông Phan Quang Minh, Phó Cục trưởng Cục Thú y 

Bên cạnh đó, Việt Nam chưa ghi nhận bệnh DIV1 trên tôm, nhưng nguy cơ bệnh TPD có thể xảy ra. Do đó, các chương trình giám sát dịch bệnh cần được đẩy mạnh để phát hiện sớm và xử lý triệt để, ngăn ngừa sự lây lan trên diện rộng. Đại diện Cục Thú y đề xuất các cơ sở nuôi trồng thủy sản cần cải thiện cơ sở hạ tầng, quản lý quy trình thả giống, sử dụng ao lắng để trữ nước khi cần thiết, và điều chỉnh quy trình nuôi sao cho phù hợp với điều kiện biến đổi môi trường.

Đối với cá tra, các bệnh phổ biến như gan thận mủ, xuất huyết vẫn gây ra thiệt hại lớn, đặc biệt tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Vĩnh Long. Mặc dù bệnh xuất huyết đã giảm so với năm 2023, cá tra vẫn dễ bị mắc bệnh do điều kiện nuôi trong ao hở và bè sông, nơi nguồn nước không được xử lý kỹ càng. Để đảm bảo an toàn, người nuôi cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình về mật độ thả nuôi, xử lý nước thải, và tăng cường dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng cho cá. Việc sử dụng vắc xin phòng bệnh cũng được khuyến khích nhằm hạn chế lạm dụng kháng sinh.

Ngoài ra, nhiều bệnh khác như ký sinh trùng Perkinsus trên ngao và các bệnh đường ruột, lở loét trên cá nước ngọt (điêu hồng, rô phi, lươn) cũng đang là vấn đề đáng lo ngại. Các mô hình nuôi trong lồng bè và ao hở, không có hệ thống quản lý nguồn nước cấp và xả thải, cùng với tác động của biến đổi khí hậu, khiến tình hình ngày càng trở nên phức tạp. Những hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng kéo dài, mưa lớn đột ngột, xâm nhập mặn, và lũ lụt đã làm suy yếu môi trường nuôi trồng và tạo điều kiện cho các tác nhân gây bệnh phát triển.

Cuối cùng, vấn đề ô nhiễm nguồn nước ở một số địa phương do hoạt động sản xuất công nghiệp cũng hiện đang là vấn đề đáng lo ngại tại nhiều địa phương. Điển hình là tình trạng ô nhiễm sông tại Hải Dương, nơi các nhà máy và khu công nghiệp đã xả thải gây chết thủy sản hàng loạt. Xác thủy sản phân hủy khiến nguồn nước ô nhiễm nghiêm trọng, làm gia tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm cho các cơ sở nuôi trồng thủy sản trong khu vực.

Tình hình này đòi hỏi các giải pháp đồng bộ từ cơ sở nuôi đến chính quyền địa phương để bảo vệ sức khỏe thủy sản và đảm bảo sự phát triển bền vững cho ngành trong thời gian tới.

Oanh Thảo

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!