Tăng cường phòng, chống dịch bệnh động vật những tháng cuối năm

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Sáng ngày 17/9, Bộ NN&PTNT đã tổ chức Hội nghị trực tuyến phòng, chống bệnh động vật các tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Nhiều đề xuất, kiến nghị việc điều chỉnh khung pháp lý cho phù hợp, chính sách hỗ trợ trong phòng chống dịch; hướng dẫn cụ thể các giải pháp phòng, chống dịch bệnh đã được thảo luận.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, tổng thiệt hại do dịch bệnh gây ra ước tính hơn 1.500 tỷ đồng, chưa kể ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn thực phẩm và sản lượng, tăng trưởng xuất khẩu. Trước bối cảnh khó khăn cả về dịch bệnh động vật, thủy sản và dịch COVID-19 chúng ta phải thể hiện quyết tâm, mang tính chủ động. Trên cơ sở báo cáo đánh giá thực trạng dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, thủy sản để cùng bàn giải pháp phòng chống dịch bệnh có hiệu quả từ nay đến cuối năm và đạt được các mục tiêu về chăn nuôi thủy sản.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, trong hơn 8 tháng đầu năm 2021 các tỉnh, thành phố đã quan tâm chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên động vật, tạo điều kiện thuận lợi cho tái đàn, tăng đàn vật nuôi và NTTS nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19. Đối với lĩnh vực thủy sản, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều tỉnh, thành phố, nhất là ở phía Nam thực hiện giãn cách xã hội nên việc tổ chức, kiểm tra thực địa, giám sát chủ động, chẩn đoán xét nghiệm… không được thực hiện liên tục và đầy đủ.  Từ đầu năm đến nay, cả nước đã bị thiệt hại khoảng 16.253 ha nuôi trồng thủy sản, trong đó, có gần 15.700 ha tôm nước lợ, trên 372 ha cá tra, gần 100 ha ngao, nghêu, cá điêu hồng… bị thiệt hại. Vì vậy, các địa phương cần chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là đối với các loại bệnh như: đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp tính, bệnh do vi bào tử trùng EHP trên tôm; bệnh xuất huyết, gan thận mủ, ký sinh trùng trên cá tra và bệnh xuất huyết trên một số loài cá nước ngọt… gây hại.

Ông Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Thú Y nhận định, tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại các tỉnh trọng điểm nuôi tôm, cá tra ở phía Nam. Nên đề nghị các cơ quan thú y, thủy sản của địa phương, các tổ chức, cá nhân có liên quan chủ động sử dụng các hình thức phù hợp (qua điện thoại, mạng xã hội…) để hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thiết thực cho người NTTS, các doanh nghiệp, không để gián đoạn chuỗi cung ứng vật tư đầu vào phục vụ sản xuất và phòng chống dịch. Các cơ quan thú y, thủy sản của địa phương, các tổ chức, cá nhân có liên quan, căn cứ tình hình thực tế dịch COVID-19 trên địa bàn, tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm các kế hoạch phòng chống dịch bệnh thủy sản năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT và kế hoạch của các địa phương.

Bộ NN&PTNT cũng đề nghị các địa phương tạo thuận lợi cho việc sản xuất, xuất – nhập khẩu, vận chuyển các loại thuốc, vaccine thú ý, hóa chất cần thiết cho công tác phòng, chống dịch bệnh động vật. Khẩn trương kiện toàn, củng cố và tăng cường năng lực cán bộ thú y các cấp theo Quyết định số 414 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án tăng cường năng lực hệ thống cơ quan thú y các cấp giai đoạn 2021 – 2030. Đồng thời đẩy mạnh công tác giám sát dịch bệnh chủ động đối với các bệnh nguy hiểm trên tôm, cá tra và có giải pháp xử lý triệt để.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, để ngành nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ nền kinh tế đất nước trong những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, các tỉnh, thành phố cần tập trung các nguồn lực để tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo quy định. Tăng cường tuyên truyền sâu rộng về tình hình dịch bệnh, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Tổ chức giám sát, phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo và xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh, không để lây lan diện rộng. Thực hiện nghiêm việc báo cáo tình hình dịch bệnh động vật; hướng dẫn người nuôi áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động phòng bệnh bằng biện pháp vệ sinh, tiêu độc, khử trùng. Thành lập các đoàn kiểm tra, chỉ đạo và hướng dẫn việc phòng, chống dịch bệnh động vật tại cơ sở. Chú trọng công tác giám sát dịch bệnh chủ động đối với các bệnh nguy hiểm trên thủy sản. Tổ chức quan trắc, cảnh báo môi trường và giám sát dịch bệnh tại nguồn, nhất là các vùng nuôi tập trung, vùng nuôi trọng điểm. Tiếp tục xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh đối với một số doanh nghiệp tại các địa phương…

Hải Lý

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!