Tăng cường phòng chống dịch bệnh nguy hiểm trên tôm

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Bộ NN&PTNT vừa có văn bản gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có sản xuất giống và nuôi tôm nước lợ về việc tăng cường phòng, chống một số bệnh nguy hiểm trên tôm nước lợ.

Xuất hiện nguy cơ

Theo Bộ NN&PTNT, những năm qua, dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ diễn biến phức tạp tại nhiều vùng nuôi trọng điểm trong cả nước, đặc biệt là các bệnh nguy hiểm như: hoại tử gan tụy cấp tính, đốm trắng, hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan biểu mô, vi bào tử trùng, phân trắng, đỏ thân… kết hợp với các yếu tố bất lợi của môi trường, thời tiết thay đổi đã gây thiệt hại lớn cho người nuôi tôm.

Cảnh giác với một số dịch bệnh mới có nguy cơ xâm nhiễm vào Việt Nam. Ảnh: VPAS.

Trước thực trạng đó, Bộ NN&PTNT đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành “Kế hoạch quốc gia phòng chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi, giai đoạn 2021 – 2030”; đồng thời chỉ đạo đẩy mạnh công tác kiểm soát dịch bệnh, xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh động vật thủy sản (đặc biệt là đối với các cơ sở sản xuất giống thủy sản nhằm cung cấp tôm giống an toàn, sạch bệnh cho người nuôi) và tổ chức giám sát chủ động dịch bệnh tại các vùng nuôi, từng lô hàng tôm nhập khẩu để đưa ra dự báo, cảnh báo. 

Tính đến tháng 01/2024, cả nước đã xây dựng thành công 33 cơ sở an toàn dịch bệnh, trong đó có 28 cơ sở sản xuất tôm giống (với sản lượng khoảng 40 tỷ tôm post larvae/năm, đáp ứng khoảng 30% nhu cầu của người nuôi tôm) và 5 cơ sở nuôi tôm thương phẩm được đánh giá, chứng nhận an toàn với nhiều bệnh nguy hiểm trên tôm. Hằng năm, cơ quan thú y và doanh nghiệp cũng tổ chức lấy trên 50 ngàn mẫu tôm và môi trường để xét nghiệm các loại tác nhân gây bệnh, đánh giá lưu hành dịch bệnh nhằm cảnh báo vùng nuôi, giám sát tác nhân gây bệnh mới xâm nhiễm vào trong nước.

Tuy nhiên, theo số liệu của Cục Thủy sản, hiện nay cả nước có 2.141 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống tôm nước lợ, trong đó có rất nhiều cơ sở chưa đạt điều kiện về an toàn dịch bệnh. Bên cạnh đó, một số bệnh mới như DiV1, bệnh mờ đục thân (TPD) hay bệnh thủy tinh (GPD) trên hậu ấu trùng tôm đã và đang diễn biến phức tạp ở các nước xung quanh và có nguy cơ xâm nhiễm vào Việt Nam. Bộ NN&PTNT cũng đã chỉ đạo Cục Thú y và các cơ quan liên quan tập trung điều tra, xác minh, đánh giá lưu hành của các tác nhân gây bệnh, xây dựng phương pháp chẩn đoán, xét nghiệm, kịp thời tham mưu cho Bộ trong công tác chỉ đạo, điều hành.

Kịp thời ngăn chặn

Mặc dù chủ trương, chính sách đã có đủ, tuy nhiên, thực tế trong những năm qua cho thấy, công tác phòng chống dịch bệnh động vật thủy sản nói chung và trên tôm nước lợ nói riêng tại nhiều địa phương còn chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất. Để bảo đảm nguồn tôm giống chất lượng, an toàn, công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản đáp ứng yêu cầu thực tiễn, Bộ NN&PTNT đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nuôi tôm nước lợ bố trí nguồn lực để tổ chức triển khai có hiệu quả “Kế hoạch quốc gia phòng chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi, giai đoạn 2021 – 2030” ban hành kèm theo Quyết định số 434/QĐ-TTg ngày 24/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ; Công văn số 2580/BNN-TY ngày 25/4/2023 về việc chấn chỉnh công tác phòng, chống dịch bệnh, rà soát và báo cáo số liệu dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ và Công văn số 6060/BNN-TY ngày 31/8/2023 về việc xây dựng kế hoạch và bố trí kinh phí phòng, chống dịch bệnh thủy sản năm 2024.

Cùng đó, tổ chức rà soát, điều chỉnh, bổ sung và cấp đủ kinh phí bảo đảm triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản; đẩy mạnh giám sát chủ động kịp thời cảnh báo nguy cơ xảy ra dịch bệnh, nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh; xây dựng cơ sở sản xuất tôm giống, nuôi tôm thương phẩm an toàn dịch bệnh.

Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến tới người sản xuất giống, người nuôi về các văn bản, hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh; Hướng dẫn khai báo dịch bệnh, các biện pháp tiêu độc, khử trùng và xử lý khi có dịch bệnh trong cơ sở; xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh khi xảy ra dịch bệnh. Xử lý nghiêm các trường hợp tự ý xả thải, giấu thông tin tôm bệnh làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Đồng thời, chỉ đạo cơ quan chuyên môn thú y, thủy sản của địa phương phối hợp với chính quyền cơ sở chủ động bám sát địa bàn, theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh theo phương châm “phòng bệnh chủ động từ sớm, từ xa” để chỉ đạo, hướng dẫn người nuôi, kiểm soát các mối nguy (sử dụng con giống chất lượng, đã được kiểm dịch thú y; xử lý nước cấp, nước thải theo quy trình kỹ thuật; quản lý tốt ao nuôi; bổ sung vitamin, khoáng chất, sử dụng hóa chất, chế phẩm sinh học được phép lưu hành để tăng sức đề kháng cho động vật thủy sản và đảm bảo môi trường nuôi an toàn); thiết lập đường dây nóng để tiếp thông tin, xử lý kịp thời khi xảy ra bệnh, tôm chết, tôm có dấu hiệu bất thường tại cơ sở; kịp thời báo cáo cho Chi cục Thú y vùng, Cục Thú y để phối hợp xử lý với các trường hợp bệnh mới, chưa rõ nguyên nhân, tác nhân.

Bên cạnh đó, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm mầm bệnh, gắn với công tác kiểm dịch con giống và xây dựng an toàn dịch bệnh để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; thống kê, báo cáo, đánh giá đúng thực trạng và có giải pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh; chấn chỉnh công tác thống kê, báo cáo số liệu dịch bệnh thủy sản, đặc biệt tại cấp thôn, xã và huyện; rà soát, chấn chỉnh hoạt động xét nghiệm bệnh và báo cáo số liệu, chia sẻ thông tin dịch bệnh của các phòng xét nghiệm bệnh thủy sản trên địa bàn.

Tiếp tục thành lập đoàn công tác trực tiếp đến các địa bàn trọng điểm về nuôi trồng thủy sản, đặc biệt những nơi bị thiệt hại, dịch bệnh hoặc khu vực có nguy cơ cao phát sinh dịch bệnh để kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, giảm thiểu thiệt hại cho người nuôi.

Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cũng giao Cục Thú y và các đơn vị thuộc Cục khẩn trương phối hợp với các địa phương trong việc tổ chức thực hiện Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản năm 2024; Chủ động kiểm tra, đánh giá tình hình dịch bệnh, giám sát dịch bệnh và hướng dẫn, đôn đốc các địa phương tổ chức thực hiện kế hoạch phòng, chống dịch bệnh đặc biệt với các bệnh mới có nguy cơ xâm nhiễm vào Việt Nam; Tiếp tục đẩy mạnh công tác hỗ trợ, xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh động vật thủy sản đặc biệt trên tôm nước lợ.

Bảo Hân

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!