Tăng cường quản lý nuôi biển

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Ngày 23/3, Bộ NN&PTNT đã có Công văn số 1775/BNN-TCTS gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển về việc tăng cường chỉ đạo, quản lý và phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển.

Vai trò trọng yếu

Theo Bộ NN&PTNT, đến nay, diện tích nuôi biển của cả nước đạt 85.000ha, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 23,3%/năm với 8,9 triệu mét khối lồng nuôi. Tổng số cơ sở nuôi biển của nước ta khoảng 7.447 cơ sở với 248.768 lồng/bè; đã nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sản xuất giống một số loài cá biển (cá song, cá chim vây vàng, cá chẽm, cá hồng Mỹ, cá giò…); đã hoàn thiện công nghệ sản xuất giống, nuôi thương phẩm một số loài nhuyễn thể (ốc hương, tu hài, bào ngư, hàu cửa sông…).

Hiện nay, nuôi trồng thủy sản trên biển (nuôi biển) đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế biển nhằm đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển trong thế kỷ của biển và đại dương. Chủ trương phát triển nuôi biển đã được Đảng, Nhà nước xác định tại Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 11/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành “Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Quyết định số 985/QĐ-TTg ngày 16/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình Quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021 -2030 và Quyết định số 1664/QĐ-TTg ngày 4/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. 

Chia sẻ tại cuộc họp với các đơn vị liên quan về thúc đẩy tiến độ triển khai Kế hoạch hành động 180 ngày theo Quyết định 81/QĐ-TTg ngày 13/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ về chống khai thác IUU, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh tầm quan trọng của nuôi biển đối với quá trình giải quyết vấn đề khai thác IUU của ngành thủy sản. Việc phát triển nuôi biển là để giảm khai thác, giảm xung đột trong quá trình bảo vệ nguồn lợi thủy sản, xây dựng ngành thủy sản bền vững. Theo đó, vấn đề nuôi biển cần được phát triển bền vững với 3 trụ cột chính là: Kinh tế, môi trường, xã hội, trong đó yếu tố xã hội chính là con người, cụ thể ở đây là ngư dân.

Mục tiêu đến năm 2030, nuôi biển nước ta đạt sản lượng 1,45 triệu tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 1,8 – 2 tỷ USD. Phát triển nuôi biển không chỉ thúc đẩy kinh tế xã hội mà còn góp phần bảo vệ nguồn lợi hải sản cho tương lai, giảm áp lực khai thác, hình thành ngành thủy sản “Minh bạch – trách nhiệm – bền vững”, có kiểm soát, được quản lý, theo khuyến nghị của quốc tế, để tạo dựng hình ảnh quốc gia có trách nhiệm đối với các vấn đề có tính toàn cầu. 

Mục tiêu đến năm 2030, nuôi biển nước ta đạt sản lượng 1,45 triệu tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 1,8 – 2 tỷ USD. Ảnh: ST

Nuôi biển tích hợp đa giá trị

Để thực hiện những mục tiêu trên, Bộ NN&PTNT đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển chỉ đạo các Sở, Ban, Ngành và UBND các cấp tại địa phương khẩn trương, nghiêm túc triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm sau: 

– Quán triệt nhận thức chung đến các cấp lãnh đạo và quản lý tại địa phương về định hướng phát triển kinh tế biển và chủ trương “Giảm khai thác – tăng nuôi trồng” để cân bằng giữa nhu cầu của con người và giữ gìn tài nguyên biển, phát triển bền vững; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân biết, thống nhất nhận thức và hành động. Trong quá trình thực hiện chủ trương này phải đặc biệt lưu ý triển khai các mô hình chuyển đổi nghề phù hợp cho lực lượng lao động khai thác hải sản ven bờ và các dịch vụ liên quan, nhằm tạo sinh kế, đảm bảo ổn định xã hội. Cần tổng hợp, rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên các nhóm nghề phải chuyển đổi theo quy định, kết hợp với kế hoạch phát triển nuôi biển của địa phương để có giải pháp tổ chức, triển khai các mô hình chuyển đổi nghề phù hợp; xây dựng kế hoạch đào tạo, tập huấn kỹ năng, chuyên môn cho lực lượng lao động cần chuyển đổi nghề và có cơ chế, chính sách khuyến khích hợp lý để người dân tự nguyện tham gia. 

– Tiếp tục tổ chức triển khai hiệu quả các nhiệm vụ về phát triển nuôi biển đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 339/QĐ-TTg, Quyết định số 985/QĐ-TTg và Quyết định số 1664/QĐ-TTg. Lưu ý, quán triệt tư duy phát triển kinh tế nuôi biển phải tích hợp đa giá trị, hài hòa với các ngành kinh tế có liên quan như: giao thông, du lịch, điện gió, xây dựng nông thôn mới… Tổ chức hệ sinh thái ngành hàng nuôi biển theo nguyên tắc hợp tác, liên kết, lấy con người làm trung tâm, có sự kết nối giữa các cấp lãnh đạo, quản lý với đơn vị nghiên cứu, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức nghề nghiệp của người dân tham gia nuôi biển. Đồng thời, quan tâm phát triển đồng bộ chuỗi giá trị ngành hàng nuôi biển (bao gồm giống, công nghệ lồng bè, công nghệ nuôi trồng, kiểm soát dịch bệnh, kiểm soát môi trường, dinh dưỡng, thu hoạch, bảo quản chế biến, logistics, ứng dụng công nghệ số…) để tạo ra giá trị gia tăng trong từng công đoạn. 

– Khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội tỉnh làm cơ sở lập kế hoạch phát triển nuôi biển bền vững, hạn chế các xung đột lợi ích trong không gian biển. Trong quá trình xây dựng Quy hoạch cần lưu ý Văn bản số 183/VPCP-NN ngày 11/1/2023 của Văn phòng Chính phủ về việc đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nghiên cứu ý kiến của Bộ NN&PTNT tại văn bản số 7673/BNN-TCTS ngày 16/11/2022 về việc duy trì, phát triển ổn định nuôi trồng thuỷ sản trong quá trình lập quy hoạch của địa phương.

>> Theo Tổng cục Thủy sản, để khai thác bền vững, tăng tỷ lệ sản lượng thủy, hải sản nuôi so với đánh bắt thì giải pháp nuôi thủy sản trên biển được đánh giá là có tiềm năng, lợi thế hơn tất cả. Định hướng nuôi thủy sản trên biển hiện nay đã có, về cơ chế chính sách hỗ trợ thì nghị định 67 sửa đổi đã hoàn thiện và trình Chính phủ phê duyệt. 

Hải Lý

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!