(TSVN) – Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá được đánh giá là mang lại hiệu quả trong chống khai thác IUU thời gian qua; hoạt động này cũng được các địa phương ven biển tích cực triển khai. Tuy nhiên, cần có nhiều giải pháp tăng cường quản lý hơn nữa để nghề khai thác thủy sản hiệu quả và bền vững hơn.
Thực hiện Luật Thủy sản năm 2017 và Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản; tính đến thời điểm hiện tại, số lượng tàu cá của tỉnh Bạc Liêu đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình là 383/405 tàu (chiếm 94,56%) có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên.
Sở NN&PTNT đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản phối hợp với các Đồn Biên phòng, Ban Quản lý cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá kiểm tra, rà soát các tàu cá trên địa bàn tỉnh chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, tổ chức tuyên truyền, đôn đốc nhắc nhở các chủ tàu thực hiện lắp đặt thiết bị theo quy định. Đồng thời, tăng cường kiểm tra tàu cá xuất, nhập bến, kiên quyết không cho tàu cá tham gia hoạt động khai thác thủy sản trên biển, nếu không thực hiện lắp thiết bị giám sát hành trình, hoặc đã lắp đặt thiết bị nhưng không vận hành thiết bị theo quy định; xử lý nghiêm các chủ tàu/thuyền trưởng không lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; tự ý tháo gỡ thiết bị giám sát khi không có sự giám sát của nhà cung cấp thiết bị và của cơ quan chức năng; không duy trì hoặc vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình, không thực hiện báo cáo theo quy định khi thiết bị bị hư hỏng khi hoạt động trên biển và tàu cá có hành vi vi phạm khai thác IUU thông qua thiết bị giám sát hành trình (theo Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản).
Đến đầu tháng 3/2021, tỉnh Kiên Giang có 3.567/3.872 tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, còn 305 tàu buộc phải lắp đặt thiết bị này. Hiện, các đơn vị chức năng rà soát, phân loại những tàu đang hoạt động, tàu thuộc diện đề xuất loại bỏ do hư hỏng, nằm bờ, ngân hàng quản lý, sang bán qua tỉnh khác… để hoàn thành lắp đặt thiết bị hành trình tàu cá.
Tho phản ánh từ các địa phương, trong quá trình lắp đặt và vận hành thiết bị giám sát hành trình tàu cá thời gian qua cũng gặp không ít khó khăn, bất cập cần tháo gỡ. Điển hình như tại tỉnh Bình Định, từ tháng 7/2020 đến nay, hơn 5.000 lượt tàu cá đánh bắt xa bờ của tỉnh bị mất tín hiệu giám sát hành trình trong quá trình khai thác, trong đó nhiều tàu mất tín hiệu hơn 10 ngày. Trước thực trạng này, ngành chức năng tỉnh cần khẩn trương phối hợp ngư dân khắc phục sự cố tàu cá mất tín hiệu giám sát hành trình.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Khánh Hòa đến thời điểm này, toàn tỉnh có 644 tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; còn 103 tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên chưa lắp đặt, chiếm 13,7% số tàu cá có chiều dài 15 m trở lên trong tỉnh. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do khai thác thủy sản gặp khó khăn nên một số tàu nằm bờ, ngư dân không có chi phí lắp đặt thiết bị; mặt khác một số chủ tàu cá cố tình không lắp đặt, dù Chi cục Thủy sản tỉnh đã nhiều lần vận động thực hiện.
Còn tại tỉnh Quảng Ngãi, đến đầu tháng 3 còn hơn 650 tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên chưa lắp thiết bị giám sát hành trình; 15 tàu cá đã lắp đặt thiết bị Movimar miễn phí nhưng không đăng ký lại dịch vụ; hơn 200 tàu tạm dừng dịch vụ. Ông Nguyễn Văn Mười, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Ngãi cho rằng, những hành vi này gây khó khăn cho các cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý hoạt động của tàu cá trên biển. “Thực hiện chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh Quảng Ngãi, Sở NN&PTNT đã lập danh sách hơn 600 tàu này gửi cho các địa phương và Bộ đội Biên phòng yêu cầu các chủ tàu ở địa phương phải hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Các trường hợp tàu nằm bờ thì phải lập danh sách thống kê lại, đề nghị Bộ đội Biên phòng kiểm soát chặt chẽ hoạt động của tàu cá, khi xuất nhập bến phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, thì tàu cá mới được phép hoạt động” – ông Mười nói.
Hải Lý