Việc Ngân hàng Nhà nước tăng giá mua USD lên 274 đồng/USD (khoảng 1,3%) được xem là tín hiệu đáng mừng cho các doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông lâm thủy hải sản.
Doanh nghiệp xuất khẩu thêm lợi nhuận
Ngày 7/8, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức điều chỉnh giá USD mua vào từ mức 20.826 đồng/USD lên 21.100 đồng/USD, tăng gần 274 đồng. Việc Ngân hàng Nhà nước tăng giá mua USD không gây xáo trộn lớn trên thị trường vì trước đó giá USD đã được xác lập ở mức trên 21.000 đồng/USD.
Tuy nhiên, với động thái tăng giá USD đã giúp cho các doanh nghiệp xuất khẩu có những lợi thế nhất định. Trong đó, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, gạo, tiêu, điều, cà phê… và cả người nông dân cũng được hưởng lợi.
Ông Nguyễn Hải Triều – Giám đốc Công ty Gió Mới chuyên xuất khẩu tôm cho biết, các công ty xuất khẩu thủy sản giao dịch bằng đồng USD, nên việc ngân hàng tăng giá USD lên 274 đồng có thể nói là rất mừng. Hàng năm công ty xuất khẩu trung bình đạt 10 triệu USD, như vậy chỉ cần làm phép tính đơn giản sẽ thấy có thêm 2,74 tỷ đồng. Cũng theo ông Triều, qua việc tăng giá USD lần này cũng sẽ giúp cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản bớt thêm gánh nặng khi mà giá xăng, điện… liên tục tăng trong thời gian qua.
Tỷ giá tăng đã giúp cho DN xuất khẩu thu lợi lớn.
Tương tự, bà Trương Tuyết Phương – Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn, chuyên xuất khẩu thủy hải sản cho biết, mặc dù tăng giá USD không lớn, nhưng nếu nhìn vào doanh số xuất khẩu 15 triệu USD/tháng thì 1 năm công ty sẽ có thêm 40 – 50 tỷ đồng. Theo bà Phương, khi các doanh nghiệp xuất khẩu thủy hải sản được lợi thì giá mua nguyên liệu đầu vào sẽ tăng, người nuôi trồng thủy sản sẽ bán được giá cao hơn.
Còn lực cản trái chiều
Cũng cần phải nói rằng, mức độ hưởng lợi của mỗi doanh nghiệp ở mức nào còn phụ thuộc rất lớn vào chi phí đầu vào của mỗi ngành. Đơn cử ngành điều, xuất khẩu của ngành này trong 6 tháng đầu năm 2013 vào khoảng gần 700 triệu USD nhưng gần 50% nguyên liệu là nhập khẩu (trả bằng USD) nên “hưởng lợi” không bao nhiêu.
Còn ngành may mặc, giày da, nhựa cũng phải sống trong cảnh tạm nhập tái xuất (nhập nguyên liệu về gia công rồi xuất khẩu) đều chi trả bằng USD nên doanh nghiệp được hưởng lợi từ tỷ giá thay đổi là không nhiều.
Bên cạnh đó, hiện trên thị trường tài chính đang tồn tại nhiều tỷ giá USD khác nhau khiến “lợi nhuận” của doanh nghiệp không trọn vẹn vì bị các ngân hàng chia sẻ một phần.
Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, việc tăng tỷ giá lần này rõ ràng là thông tin vui cho các doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu mà sử dụng nguyên liệu trong nước. Cũng theo ông, việc Ngân hàng Nhà nước cam kết ổn định tỷ giá sẽ giúp cho các doanh nghiệp tính toán được kế hoạch kinh doanh cũng như đẩy mạnh xuất khẩu trong những tháng cuối năm.
>> Bà Trương Tuyết Phương – Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn, chuyên xuất khẩu thủy hải sản cho biết, mặc dù tăng giá USD không lớn, nhưng nếu nhìn vào doanh số xuất khẩu 15 triệu USD/tháng thì 1 năm công ty sẽ có thêm 40 – 50 tỷ đồng. |