Tăng hiệu quả tôm nuôi nhờ cây bông

Chưa có đánh giá về bài viết

Nhờ mô hình nuôi tôm kiểu mới, tận dụng phụ phẩm từ cây bông, bang New Mexico đang trở thành địa điểm khá thu hút trong ngành nuôi trồng thủy sản tại Mỹ, dù đây là mảnh đất khô cằn, sỏi đá.

Vùng sa mạc phía nam New Mexico vốn không phải mảnh đất thích hợp xây dựng trang trại nuôi tôm nhưng Công ty New Mexico Shrimp đã khiến người khác phải thay đổi cách nhìn nhận về mảnh đất không được thiên nhiên ưu đãi. Trụ sở Công ty cách bờ biển gần nhất khoảng 700 dặm, nhưng  ba năm trước đây Công ty đã manh nha ý tưởng nuôi tôm từ một dự án nghiên cứu bởi Tracey Carrillo, một trợ lý giám đốc cho hoạt động điều hành trại nuôi tại Trường Đại học bang New Mexico ở Las Cruces. Ý tưởng độc đáo của Carrillo là xây trại nuôi tôm tận dụng nguồn thức ăn từ sản phẩm phụ của cây bông.

Carrillo kể: “Lúc đầu tôi chỉ nghĩ tới việc thực hiện kế hoạch nghiên cứu thí điểm về nguồn nguyên liệu sinh học, thực phẩm hoặc xà phòng bánh để gia tăng giá trị cho cây bông. Tuy nhiên, hạt bông có thể được dùng làm nguồn protein chính trong hoạt động nuôi trồng thủy sản từ lâu và nó có khả năng thay thế nguồn đạm động vật đắt đỏ, từ đó tiết kiệm được khoảng 30% chi phí”.

nuôi tôm tại new mexico shrimp

Kiểm tra môi trường nước nuôi tôm tại New Mexico Shimp – Ảnh: fish farminginternatioanl

Nhưng trở ngại lớn nhất là hạt bông sử dụng làm thức ăn chăn nuôi gia súc với khối lượng hạn chế do có chứa một độc tố gossypol. Bởi vậy, dự án nghiên cứu ban đầu của Carrillo là tập trung tìm ra loại bông ít hoặc không chứa độc tố gossypol. Nghiên cứu này đã tạo ra bước đột phá nhờ tạo ra giống bông không có độc tố tự nhiên gossypol và có thể trở thành nguồn thức ăn lý tưởng để nuôi tôm.

 

Hệ điều hành phần mềm trong nhà

Hiện, Carrillo mới bắt đầu nuôi thí điểm 4 bể với tổng diện tích 251 m2, sức  chứa 127 m3 nước/bể, năng suất ước đạt 1.400 pound (635 kg tôm)/3 tháng. Mô hình này được đánh giá “không gian nuôi tôm lý tưởng nhất”, dựa trên những kiến thức nghiên cứu từ phòng thí nghiệm của Carrillo và khi đi vào thực tế, hệ thống này được trang bị thêm các thiết bị nuôi thủy sản chuyên biệt do Carrillo tạo ra.

Trong quá trình nghiên cứu, Carrillo và đồng nghiệp đã phát hiện ra cách hạn chế tối đa tỷ lệ tôm chết thông qua một thiết bị phần mềm có tên gọi AquaDoc. Đây là một chương trình trực tuyến và tương tác, liên tục kiểm soát môi trường bể nuôi đồng thời ghi lại các dữ liệu liên quan sự phát triển của tôm. Theo các chuyên gia, những dữ liệu mà máy nhận và đọc được có thể giúp tạo ra những điều chính cần thiết cho môi trường, thức ăn, khoáng chất hoặc vi chất dinh dưỡng nhằm tối ưu hóa sức khỏe và tăng trưởng trên tôm.

nuôi tôm nhờ cây bông

Kiểm tra tôm nuôi

Thiết bị này đã giúp ích rất nhiều cho Carrillo nuôi tôm thành công. Suốt 3 năm dày công nghiên cứu và thử nghiệm, số khách hàng tìm đến mua tôm của Công ty đã tăng, trong đó có cả những nhà hàng cách Albuquerque 200 dặm. Đây là động lực lớn thúc đẩy Carrillo mở rộng diện tích nuôi.

 

Nhân rộng

Khởi công xây dựng từ tháng 2/2015 trên tổng diện tích 12.000 feet vuông (1.115 m2), cơ sở nuôi tôm thương phẩm mới của Carrillo hoạt động từ tháng 8/2015; sức chứa 100.000 gallons (455 m3 nước), cộng thêm 6 bể nuôi kích cỡ 6m x 18m ngoài trời để nuôi tôm và sau này là nuôi cá rô phi. Trại nuôi mới được trang bị hệ thống lọc nước tuần hoàn và tái sử dụng làm phân bón và nước tưới tiêu cây trồng.

Carrillo và Công ty New Mexico Shrimp cũng bắt đầu đề nghị cơ quan chức năng cấp bằng sáng chế cho sản phẩm AquaDoc cùng quyền sở hữu các phương pháp nuôi tôm, các thiết bị chuyên môn cũng như tư vấn trực tiếp từ Công ty. Phần mềm này giúp Carrillo và các đồng nghiệp có thể đánh giá điều kiện bể nuôi, từ đó có thể điều chỉnh khá chính xác từ xa qua Internet.

 

Ưu tiên bông hay tôm

Dù Carrillo có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực trồng bông, ông cũng chưa đủ sức thuyết phục người trồng bông ở địa phương chuyển sang trồng loại bông mà Carrillo cần để dùng cho nuôi trồng thủy sản. Do đó, diện tích cây bông không sản sinh chất độc gossypol cũng chưa được nhân rộng.

Để giải quyết vấn đề này, Carrillo đang làm việc với các nguồn cung hạt bông lớn trong vùng để nghiên cứu về tính khả thi của việc khuyến khích người trồng bông chuyển sang trồng loại cây mới dùng làm thức ăn thủy sản. Điều này không loại trừ khả năng nông dân sẽ chuyển sang trồng bông sinh thái, vừa có giá bán cao hơn trên thị trường vừa có khả năng sử dụng hạt làm thức ăn thủy sản.

Hơn 90% tôm trên thị trường Mỹ là hàng nhập khẩu. Do đó, sản phẩm tôm nuôi của Công ty New Mexico Shrimp sẽ có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Đó là lý do New Mexico Shrimp ngày càng mở rộng hoạt động kinh doanh, tăng năng suất.

hiệu quả tôm nuôi nhờ cây bông

Hiện, mô hình nuôi tôm bằng hạt bông của Carrilloo đã nhận được sự quan tâm của nhiều khu vực tại Mỹ rồi sau đó là như Canada, Các tiểu vương quốc A Rập thống nhất, Ai Cập, Nhật Bản… Theo Carrillo, Công ty New Mexico Shrimp có thể mang công nghệ nuôi tôm tới bất cứ nơi nào, chỉ cần có nguồn nước sạch với nhiệt độ 82 – 87 độ F là có thể tạo ra sản phẩm tôm chất lượng cao, có sức hút  người tiêu dùng, nhất là người tiêu dùng ở các nước phát triển.

>> Trại nuôi: New Mexico Shrimp Company

Địa điểm: Las Cruces, New Mexico; Đối tượng nuôi: Tôm thẻ chân trắng

Hệ thống sản xuất: RAS; Sản lượng: 2.540 tấn/năm

Thị trường: Nội địa

Mi Lan

Intrafish

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!