Tăng hỗ trợ cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Bộ NN&PTNT vừa Dự thảo Thông tư quy định về cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật theo Điều 15 và Điều 17 của Luật Thú y, được áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài đăng ký để được cấp Giấy chứng nhận cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật tại Việt Nam.

Theo quy định tại Dự thảo Thông tư mới này thì cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh được đảm bảo quyền lợi vận chuyển động vật, sản phẩm động vật từ cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh ra khỏi vùng công bố dịch theo quy định của Bộ NN&PTNT và hướng dẫn của Cơ quan thú y; được hỗ trợ giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, quảng bá, xuất bán sản phẩm, xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật. Cùng đó, hỗ trợ tham gia các chương trình giám sát nhà nước đối với các bệnh chưa được công nhận an toàn dịch bệnh; được xem xét, hỗ trợ hóa chất, thuốc, vắc xin thú y để tổ chức chống dịch bệnh…

Cơ sở nuôi trồng thủy sản cần có biện pháp đánh dấu, nhận diện từng ao nuôi. Ảnh: ST

Cũng theo Dự thảo này, tình trạng dịch bệnh tại cơ sở đối với nuôi trồng thủy sản được quy định như sau. Với cơ sở lần đầu đăng ký cấp Giấy chứng nhận đảm bảo không có động vật thủy sản mắc bệnh đăng ký chứng nhận an toàn trong ít nhật 12 tháng trước thời điểm nộp hồ sơ đăng ký. Còn đối với cơ sở lần đầu hoạt động thì không có động vật thủy sản mắc bệnh đăng ký chứng nhận an toàn trong thời gian giám sát theo quy định tại điểm c khoản 4 Điều 7 Thông tư này và phải đảm bảo tối thiểu 3 lần lấy mẫu theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Thông tư này.

Về hệ thống truy xuất, cơ sở cơ sở nuôi trồng thủy sản có biện pháp đánh dấu, nhận diện đối với từng ao nuôi, đợt nuôi và có đầy đủ bằng chứng về nguồn gốc động vật đưa vào, ra khỏi cơ sở nuôi; quản lý nhận diện nguồn gốc, xuất xứ toàn bộ các lô thức ăn, thuốc, hóa chất nhập, sử dụng trong cơ sở.

Ngoài ra, đối với cơ sở an toàn dịch bệnh động vật xuất khẩu, Dự thảo nêu rõ chủ cơ sở nghiên cứu các yêu cầu của nước nhập khẩu. Trong trường hợp cần thiết, chủ cơ sở có văn bản đề nghị Cục Thú y hỗ trợ, trao đổi với cơ quan thẩm quyền nước nhập khẩu để nắm rõ quy định và hướng dẫn thực hiện yêu cầu của nước nhập khẩu…

Bảo Hân

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!