Tăng năng suất nhờ công nghệ

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Khoảng 5 năm trở lại đây, ngành tôm Sóc Trăng liên tục có sự tăng trưởng ấn tượng, với sản lượng hàng năm trên 200.000 tấn và kim ngạch xuất khẩu khoảng 1 tỷ USD. Trong sự thành công đó có dấu ấn rất lớn của việc nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ mới vào quy trình nuôi tôm.

Phòng bệnh bằng công nghệ vi sinh

Đó chính là hướng đi của Công ty CP Thực phẩm Sao Ta. Tuy nhiên, điểm khác biệt của Sao Ta với các trại nuôi khác chính là việc tự phân lập và nhân nuôi nguồn vi sinh bản địa được thu thập từ chính vùng nuôi của công ty. Đây là cách làm rất hiệu quả, giúp đơn vị nói không với kháng sinh từ rất sớm.

Mô hình nuôi không ôxy đáy của Công ty CP Thực phẩm Sao Ta giúp giảm chi phí sản xuất. Ảnh: XT

Nhờ nguồn vi sinh tại chỗ, nhân nuôi tại chỗ, nên chi phí cho việc sử dụng vi sinh rất thấp. Không những thế, hoạt lực của vi sinh cũng rất mạnh, đủ khả năng để cạnh tranh môi trường và dinh dưỡng với các loài gây bệnh, nên không cần phải diệt khuẩn định kỳ, giúp giảm chi phí, tôm nuôi cũng ít dịch bệnh hơn.

Thay ôxy đáy bằng Nano bubble

Ông Võ Văn Phục, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản sạch Việt Nam chia sẻ, với công nghệ này, trong giai đoạn đầu chỉ sử dụng quạt và hệ thống Nano bubble là đủ cung cấp ôxy cho tôm nuôi. Giải pháp này có ý nghĩa thực tiễn lớn bởi chi phí đầu tư thấp nhờ trong nước tự sản xuất được; hai là tạo dòng chảy và xi phông tốt; rất dễ vệ sinh là yếu tố quan trọng giúp ngăn ngừa EHP do EHP thường bám vào ống thổi ôxy nên khó loại bỏ, đặc biệt là khi cần thu tỉa thì hệ thống Nano bubble không bị ảnh hưởng.

Mặc dù công nghệ nanobuble không đáp ứng yêu cầu nuôi mật độ cao khi tôm đã lớn, tuy nhiên, người nuôi chỉ cần bố trí thêm hệ thống tạo ôxy vừa là đã đủ ôxy cho tôm. Giải pháp này giúp tiết kiệm đến 50% chi phí tiền điện so với việc sử dụng nhiều ôxy đáy và quạt. Đây là con số rất có ý nghĩa trong bối cảnh tôm Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt với tôm giá rẻ đến từ Ecuador và Ấn Độ.

Ao chìm, lớn và sâu

Chia sẻ thêm về câu chuyện ao chìm và sâu, ông Hoàng Thanh Vũ, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Sao Ta, cho biết: “Thay vì làm ao nổi rất tốn kém lại rất dễ biến động nhiệt độ, người nuôi chỉ cần nâng đáy ao lên khoảng 0,5 m để dễ xi phông, vừa giúp hạn chế EHP trú ngụ nơi đáy ao là được. Tại trại nuôi của Sao Ta từ trước giờ ao đều sâu khoảng 2 m, nhưng lúc mới thả mực nước chỉ 1,1 – 1,2 m và sau đó nâng dần theo sức tải môi trường ao nuôi. Cách làm này giúp tôm hoạt động thoải mái, đồng thời hạn chế biến động của nhiệt độ và tôm có nơi trú ẩn khi nhiệt độ bên ngoài thay đổi”.

Hiện nay, việc thiết kế ao lớn và sâu đang được ứng dụng khá phổ biến, nhất là đối với mô hình nuôi tôm lót bạt bờ, đáy lưới, nhờ tăng được năng suất thông qua việc tăng mật độ thả mà không cần mở rộng diện tích.

Xuân Trường

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!