Tăng sức cạnh tranh cho cá tra

Chưa có đánh giá về bài viết

Thành công năm 2018 đã mở ra sự cạnh tranh quốc tế rộng lớn, tuy nhiên, để ngành cá tra phát triển phát triển bền vững phải không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm cả ở thị trường nội địa.


Cá tra có giá tất yếu dẫn đến cạnh tranh thương mại

Khắc phục hạn chế

Ông Võ Trọng Dũng, Giám đốc Phát triển thị trường của Công ty CP ANOVA Pharma cho biết, doanh nghiệp ông có loại thức ăn thủy sản để cá tra bớt mùi hôi, thích hợp cho Hàn Quốc và Nhật Bản làm sashimi và chế biến món sushi. Sashimi là cá ăn sống, còn sushi là cá đặt lên miếng cơm, truyền thống ẩm thực Nhật Bản và Hàn Quốc không ưa cá nước ngọt vì hôi bùn, nhưng cá tra đã khắc phục được hạn chế ấy khi có thức ăn hợp lý và cải tạo môi trường tốt. Theo ông Võ Trọng Dũng, sản phẩm cá tra làm được những món ăn ấy đã xuất sang Hàn Quốc vài năm trước còn Nhật Bản từ năm 2018. Cũng theo ông Võ Trọng Dũng, gần đây, Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Indonesia có nhã ý nhờ ông giúp đỡ đưa cá tra của nước họ (mới nuôi vài năm qua) ra thị trường thế giới, không loại trừ cả thị trường Việt Nam.

Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Cá tra Việt Nam Võ Hùng Dũng thông tin, Nhật Bản đang giao cho một doanh nghiệp nghiên cứu chế biến sản phẩm cá tra phù hợp thị trường Nhật Bản. “Doanh nghiệp Nhật Bản đã liên lạc chúng tôi để đặt hàng cá tra có chất lượng và nói rõ, vừa tiêu thụ tại Nhật vừa xuất khẩu sang Mỹ. Có thể thấy, thời cá tra với các doanh nghiệp nước ta một mình một chợ trên thế giới đã qua rồi. Giá cá tra cao đang mở ra sự cạnh tranh tầm quốc tế từ nuôi đến chế biến tiêu thụ”, ông Võ Hùng Dũng nói.

Vượt qua thách thức

Hiệp hội Cá tra Việt Nam nhận định, cá tra có giá tất yếu dẫn đến cạnh tranh thương mại, rào cản kỹ thuật ở các thị trường. Trong nước, diện tích nuôi và sản lượng nuôi sẽ tăng, dự báo có thể đạt 2 triệu tấn sau 3 – 4 năm tới cũng đặt ra các vấn đề về môi trường, quy hoạch. Chất lượng giống cá tra lại giảm, tỷ lệ hao hụt đáng báo động từ ương giống đến nuôi thương phẩm. Do đó, năm 2019 cần tập trung vào 2 khâu chính là con giống và mở rộng thị trường xuất khẩu để phát triển bền vững.

Về con giống, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II thông tin, việc chọn giống chục năm qua tập trung vào tính tăng trưởng và kháng bệnh gan thận mủ cho cá tra. Chọn lọc đàn cá giống đã đến thế hệ thứ 3, cho sự tăng trưởng hơn 20% so cá không chọn giống; còn giống kháng bệnh cho khả năng sống sót cao hơn 8,3% so giống không chọn. Những kết quả đó đã được chuyển giao về các vùng nuôi để thay thế dần giống thoái hóa; hiện đang chọn lọc giống mới có chất lượng cao hơn.

Để mở rộng thị trường xuất khẩu, nhiều ý kiến cho rằng phải nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Chiến lược thị trường là tập trung vào Mỹ, EU, Trung Quốc, ASEAN (chiếm 50 – 60% thị phần), mở thị trường mới nhưng không quên thị trường nội địa. “Chúng ta lo làm ra sản phẩm chất lượng cao để xuất khẩu, mà để sản phẩm nội địa người dân ngại ngần ăn vì kém ngon và kém an toàn vệ sinh thực phẩm là điều cần phải suy nghĩ”, Giám đốc Phát triển thị trường của Công ty CP ANOVA Pharma Võ Trọng Dũng nêu ý kiến.

>> Số liệu của hải quan cho thấy, thị trường Nhật Bản tăng kim ngạch nhập khẩu cá tra Việt Nam từ tỷ trọng 1,31% năm 2017 lên gần 2% năm 2018. Nguyên do, cá tra nâng cao chất lượng nên được người Nhật Bản ưa chuộng. Hiện, các doanh nghiệp Việt Nam đang quan tâm nghiên cứu thị trường này.

Thanh Hải

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!