(Thủy sản Việt Nam) – Theo Nghị quyết 57/NQ-CP đã được Chính phủ thông qua, giấy chứng nhận (GCN) cơ sở, vùng nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững sẽ được gia hạn hiệu lực. Cụ thể là điều chỉnh thời hạn hiệu lực của GCN lên thành 2 năm thay vì chỉ có thời hạn 1 vụ nuôi như quy định hiện nay.
Theo phân tích của Cục Kiểm soát thủ tục hành chính – Văn phòng Chính phủ, việc kéo dài thời hạn có hiệu lực của GCN cơ sở, vùng nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững sẽ thuận lợi hơn cho cá nhân, tổ chức, tiết kiệm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục, đồng thời vẫn đảm bảo mục tiêu quản lý của cơ quan nhà nước.
Việc điều chỉnh thời hạn có hiệu lực của GCN cơ sở, vùng nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững được quy định tại các thủ tục: Kiểm tra, chứng nhận cơ sở, vùng nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững; kiểm tra lại và chứng nhận cơ sở, vùng nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững. Sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản lưu hành ngay khi được cấp số đăng ký. Cùng với đó, Chính phủ quyết nghị phương án đơn giản hóa của thủ tục Chứng nhận đăng ký lưu hành sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản (đối với sản phẩm nhập khẩu đã qua khảo nghiệm, nghiên cứu) là quy định rõ việc sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản được lưu hành ngay sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký (cấp số đăng ký).
Được biết hiện nay, sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường khi được Hội đồng khoa học xét duyệt, chấp thuận cấp GCN lưu hành (cấp sổ đăng ký) nhưng chưa được lưu hành (đưa vào sản xuất, kinh doanh) ngay mà phải mất khoảng ít nhất 75 ngày. Như vậy, hạn chế quyền kinh doanh của doanh nghiệp, làm mất tính mới, tính cạnh tranh của thuốc, gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Trong khi đó thuốc tân dược được lưu hành ngay sau khi có sổ đăng ký.
Ban Pháp luật – Bạn đọc