Thời gian qua, TP Hạ Long đã thực hiện nhiều biện pháp để chấm dứt tình trạng tàu, thuyền đeo bám tàu du lịch, gây phản cảm, phiền hà cho du khách. Một trong những giải pháp chính là tạo việc làm cho ngư dân. Đây được coi là giải pháp bền vững và lâu dài, không chỉ ổn định cuộc sống của người dân, mà còn tạo ra các sản phẩm du lịch, bảo tồn, phát huy tiềm năng của Vịnh Hạ Long.
Nhiều ngư dân làm nghề chèo đò tại HTX Vạn Chài Con đò cổ tích.
Trăn trở của ngư dân làng chài
Trước đây, anh Chiến từng là một chủ tàu đeo bám tàu du lịch để bán hàng rong. Nhưng từ khi được các cán bộ của Ban Quản lý Vịnh và Cảnh sát giao thông đường thuỷ, Công an TP Hạ Long vận động, anh Chiến đã đầu tư nhà hàng tại phường Hùng Thắng để làm ăn, ổn định cuộc sống. Anh chia sẻ: “Dù biết việc đeo bám tàu du lịch là phạm pháp, nhưng vì kế sinh nhai chúng tôi không còn cách nào khác. Được các ngành tuyên truyền nên gia đình tôi quyết định gom vốn để lên bờ làm ăn và tập trung lo cho con cái học hành”. Anh Chiến chỉ là một trong số ít những người có thể chuyển đổi công việc từ đeo bám tàu du lịch sang kinh doanh trên bờ. Theo anh Chiến, phần lớn những người làm làm nghề biển không có trình độ văn hoá, khó xin việc. Số vốn bỏ ra để chuyển đổi nghề nghiệp cũng không nhỏ. Anh cũng phải bán “tháo” lồng bè nuôi trồng thuỷ sản lấy chút vốn để chuyển nghề.
Chị Đỗ Thị Hợi (khu 4, phường Hùng Thắng) dù đang nuôi trồng thuỷ sản nhưng vẫn đeo bám tàu du lịch. Chị chia sẻ: “Dù gia đình có bè nuôi trồng thuỷ sản nhưng hiện nay theo quy hoạch, toàn bộ số lồng bè phải chuyển về khu Cửa Vạn, quãng đường đi lại xa gấp đôi. Nếu trước kia tiền xăng dầu cho tàu ra khu nuôi trồng thuỷ sản của tôi chỉ mất khoảng 150.000 đồng, thì nay lên đến hơn 500.000 đồng. Chi phí đi lại lớn, lại tốn thời gian, nên cũng khó khăn lắm. Bất đắc dĩ tôi mới đeo bám tàu du lịch để bán hàng”.
Theo thống kê của Đội kiểm tra xử lý vi phạm (Ban Quản lý Vịnh Hạ Long), trong những năm qua, khoảng 219 ngư dân đã được tạo việc làm, trong đó có 22 người làm việc tại Ban Quản lý Vịnh Hạ Long và 197 người làm nghề chèo đò, dịch vụ du lịch, thu gom rác trên Vịnh tại 4 doanh nghiệp. Tuy vậy, công việc chèo đò tại một số doanh nghiệp đang hoạt động trên Vịnh cũng chưa thể giúp người dân ổn định cuộc sống. Chị Lê Thị Quyên, nhân viên chèo đò của HTX Vạn Chài Con đò cổ tích, tâm sự: “So với những ngư dân khác, tôi may mắn có một công việc. Nhưng từ nhà tôi (khu tái định cư làng chài Hà Phong) đến nơi làm việc (khu Cái Dăm, phường Bãi Cháy) cũng hơn 20km. Đường sá xa xôi nên chi phí đi lại tốn kém; trong khi số tiền lương của tôi chỉ được 3 triệu đồng/tháng, nhiều lúc trừ chi phí đi lại còn không đủ cho sinh hoạt của gia đình”.
Giải pháp bền vững
Biết được nỗi khó khăn của người dân khu tái định cư làng chài Hà Phong, thời gian qua các cơ quan, ban, ngành đã tích cực tìm kiếm nhiều giải pháp để tạo công ăn việc làm, ổn định cuộc sống cho ngư dân. Ngày 24-6-2016, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1180/QĐ-UBND về việc phê duyệt “Phương án thí điểm nuôi trồng thuỷ sản bền vững kết hợp với du lịch có trách nhiệm trên Vịnh Hạ Long tại khu vực Vung Viêng”, thực hiện từ năm 2016 đến 2018. Khu vực Vung Viêng có diện tích 101ha thuộc địa bàn phường Hùng Thắng (TP Hạ Long). Tại đây sẽ hình thành vùng nuôi trồng thuỷ sản bền vững, tạo sản phẩm phục vụ khách du lịch tại chỗ với các loại cá có giá trị kinh tế cao. Khu vực nuôi trồng thuỷ sản có 32 bè nuôi thuỷ sản, chia thành 5 cụm nuôi. Ngoài ra còn có nhiều hoạt động dịch vụ kết hợp nuôi trồng thuỷ sản để khách du lịch trải nghiệm và tìm hiểu thêm về nét văn hoá trong sinh hoạt của người dân làng chài. Trong đó có dịch vụ du lịch vận chuyển khách tham quan Tổ hợp dịch vụ nuôi trồng thuỷ sản và du lịch trách nhiệm bằng tàu du lịch; dịch vụ chèo thuyền nan tham quan; dịch vụ thưởng thức hải sản tại chỗ cho du khách và dịch vụ du lịch trải nghiệm làm ngư dân. Đồng thời tại đây có khu quản lý, đón tiếp khách tham quan với khu vực trưng bày tranh, lưới ngư cụ và nhà sinh hoạt cộng đồng của làng chài… Để giúp ngư dân ổn định cuộc sống, trong quyết định của UBND tỉnh nêu rõ: Đối tượng tham gia sản xuất, nuôi trồng thuỷ sản ở khu vực Vung Viêng là người dân có hộ khẩu thường trú ở TP Hạ Long, ưu tiên ngư dân đã có nuôi trồng tại Vung Viêng, hiện đang sinh sống tại Khu tái định cư làng chài Hà Phong. Hiện tại, giai đoạn 1 của phương án trên đã được thực hiện gồm 7 nhà bè với nhà đón khách, nhà sinh hoạt cộng đồng, hệ thống thuyền nan, tàu đưa đón khách. Những người làm việc tại đây chủ yếu là ngư dân đánh bắt hải sản ở khu vực Vung Viêng và một số người dân sinh sống ở khu tái định cư làng chài Hà Phong.
Theo Phó trưởng Ban Quản lý Vịnh Hạ Long Phạm Đình Huỳnh, thời gian tới, Ban cùng với Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD) tiếp tục lựa chọn và tổ chức cho các hộ dân tham gia phương án thí điểm. Đồng thời, hướng dẫn, đôn đốc các cá nhân, tổ chức triển khai thực hiện mô hình theo đúng tiến độ và các quy định bảo tồn di sản, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh trật tự… nhằm sớm tạo công ăn, việc làm ổn định cho người dân.
Có thể thấy “Phương án thí điểm nuôi trồng thuỷ sản bền vững kết hợp với du lịch có trách nhiệm trên Vịnh Hạ Long tại khu vực Vung Viêng” là giải pháp hữu hiệu, không chỉ tăng cường quản lý, sử dụng hợp lý và bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên Vịnh Hạ Long, mà còn tạo sản phẩm du lịch, dịch vụ văn hoá làng chài, từ đó tạo kế sinh nhai, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.