(TSVN) – Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cơ quan liên quan tháo gỡ rào cản, khó khăn, tạo điều kiện tối đa để doanh nghiệp nhỏ và vừa bứt phá.
Trong đó, về hoàn thiện chính sách, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường, Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Môi trường khẩn trương chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao trao đổi với Hoa Kỳ gia hạn thời gian hoàn thiện hồ sơ và đánh giá tương đương, đồng thời hoàn thiện hồ sơ đầy đủ theo Đạo luật Bảo vệ động vật có vú ở biển của Hoa Kỳ (MMPA) đảm bảo không ảnh hưởng đến khai thác, sản xuất, chế biến và xuất khẩu thủy sản sang Hoa Kỳ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/4/2025.
Sẽ hỗ trợ chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp. Ảnh: ST
Cùng đó, chủ động rà soát, hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến quản lý khai thác, sản xuất, xuất khẩu thủy sản phù hợp các sản phẩm xuất khẩu sang châu Âu; triển khai các phương án ngoại giao và hỗ trợ ngư dân khai thác hợp pháp để xử lý dứt điểm cảnh báo thẻ vàng khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không được quản lý (IUU) đối với thủy sản khai thác của Việt Nam.
Đồng thời, nghiên cứu xây dựng Chiến lược phát triển ngành công nghiệp nguyên liệu phụ phẩm nhằm gia tăng giá trị nông sản, xây dựng ngành công nghiệp nguyên liệu mới, tạo lợi thế cạnh tranh mới cho kinh tế nông nghiệp.
Đặc biệt, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù, quy định mới, đột phá, cơ chế “luồng xanh” cho các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp nhằm cải thiện năng suất, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, tăng cơ hội mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu.
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận tài chính, tín dụng, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính có giải pháp hiệu quả đẩy mạnh hoạt động cho vay của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm tạo kênh huy động vốn với chi phí hợp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thực hiện triệt để việc đơn giản hóa quy trình, thủ tục, hồ sơ hỗ trợ ưu đãi thuế, hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp; nghiên cứu áp dụng phương thức hậu kiểm để doanh nghiệp nhỏ và vừa không bị ảnh hưởng về dòng tiền và hoạt động kinh doanh.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế truyền thống (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu) và các động lực tăng trưởng mới (chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, khoa học, cộng nghệ và đổi mới sáng tạo…); kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả.
Bên cạnh đó, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cơ cấu, tổ chức lại bộ máy hoạt động hiệu quả hơn nữa, tăng cường trách nhiệm xã hội, sẵn sàng chia sẻ một phần lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng; đẩy mạnh hình thức cho vay thế chấp dựa trên tài sản hình thành trong tương lai phù hợp với quy định của pháp luật nhằm đa dạng hóa, khơi thông nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Thủ tướng cũng yêu cầu phát huy hơn nữa vai trò của các Hiệp hội doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng. Chủ động, tích cực và nâng cao hiệu quả vai trò kết nối cộng đồng doanh nghiệp; phát huy tính đại diện cho doanh nghiệp hội viên trong việc tham gia góp ý, xây dựng, phản biện chính sách; theo dõi, giám sát, đánh giá độc lập quá trình xây dựng và thực thi pháp luật và các chương trình, kế hoạch, dự án phát triển của Nhà nước liên quan đến doanh nghiệp nhỏ và vừa; đại diện bảo vệ quyền lợi hội viên trong các tranh chấp…
Phạm Thu