Từ lâu, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu quan trọng của ngành tôm Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay nhiều rào cản tại thị trường này đang khiến tôm Việt Nam gặp khó. Làm cách nào vượt qua những trở ngại này? Câu trả lời được kỳ vọng ở mô hình sản xuất tôm theo chuỗi.
Ngành tôm đang đối mặt với khó khăn
Thay đổi trong chuỗi
Ông Võ Quan Huy, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh (Sóc Trăng) cho rằng, ngành tôm Sóc Trăng nói riêng và khu vực nói chung đang đối mặt với khó khăn, thách thức từ tình trạng biến đổi khí hậu, dịch bệnh, vốn, cơ sở hạ tầng, giá cả và chất lượng vật tư đầu vào đều chưa được kiểm soát tốt. Việc liên kết chuỗi giá trị con tôm còn lỏng lẻo, chưa đi vào thực chất, khiến giá thành sản xuất tôm luôn cao. Trong khi giá thành mỗi kg tôm loại 100 con/kg các nước chỉ vào khoảng 50.000 đồng thì tại Việt Nam phổ biến ở mức 70.000 – 80.000 đồng làm giảm sức cạnh tranh của con tôm Việt Nam trên thị trường.
Đối với chất lượng, giá cả vật tư đầu vào, theo các doanh nghiệp, tổ chức, hộ nuôi tôm, ngành chức năng chưa quản lý tốt đối tượng này và phần lớn phụ thuộc vào doanh nghiệp FDI. Ông Quách Hoàng Phong, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Thuận (Sóc Trăng) bức xúc: “Để sản xuất ra 1 kg tôm cỡ 20 con/kg, doanh nghiệp phải tiêu tốn ít nhất 117.000 đồng; trong đó, chỉ riêng tiền thức ăn và điện chiếm trên 50%. Đó là nhờ doanh nghiệp mua thức ăn giá gốc, còn người nuôi nhỏ lẻ, giá mỗi kg thức ăn cao hơn 4.000 – 5.000 đồng”.
Được coi là thủ phủ của ngành tôm Việt Nam, tuy nhiên, việc sản xuất tôm tại Cà Mau còn những bất cập nhất định, ảnh hưởng không nhỏ tới tốc độ phát triển chung của ngành thủy sản. Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, nhận định phần lớn người dân địa phương vẫn còn sản xuất theo tập quán manh mún, khó đưa khoa học công nghệ vào sản xuất tôm, khó tiếp cận vốn, khó liên kết theo chuỗi giá trị… và nếu không được tháo gỡ thì ngành tôm không thể tiếp tục phát triển và cạnh tranh được với các nước. Sản xuất theo chuỗi đang có nhiều vấn đề khó cho ngành tôm, tuy nhiên, nếu tổ chức thành công sẽ có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong sản xuất thời gian tới.
Theo ghi nhận, toàn tỉnh Cà Mau đã hình thành 61 hợp đồng chuỗi giá trị với sự tham gia của hàng chục tổ, nhóm, HTX, tuy nhiên mô hình này vẫn chưa chặt chẽ, dễ xảy ra phá vỡ hợp đồng, tiếp cận vốn khó. Có thể thấy, mô hình xây dựng chuỗi sản xuất tôm bền vững chưa thật sự thành công. Nguyên nhân của thực trạng này, theo chia sẻ của ông Lê Văn Sử đó chính là mỗi khâu có kế hoạch sản xuất liên kết riêng, không khớp với nhau nên dẫn tới đầu ra cuối cùng là không tiêu thụ được sản phẩm, dễ phá vỡ hợp đồng. Mấu chốt chính là việc chia sẻ lợi ích giữa các bên tham gia chuỗi sản xuất không đồng đều, nên hiệu quả chưa bền vững.
Ông Phạm Minh Truyền, Giám đốc Sở NN&PTNT Trà Vinh cho biết, hiện tỉnh đang đi theo mô hình thâm canh tăng năng suất dẫn tới môi trường ngày một ô nhiễm, cộng thêm thời tiết thay đổi như mưa trái mùa, lạnh đột ngột hay nước biển dâng… làm tăng nguy cơ với con tôm. Một vấn đề lớn khác, giá thức ăn nuôi tôm cao hơn so với các nước trong khu vực, tới thời điểm này chưa có giải pháp nào khắc phục. Người dân tới chính vụ thả tôm rồi thì giá tôm, hóa chất tăng lên, khi ấy họ bắt buộc phải mua để phục vụ vụ nuôi. Mặt khác, trên địa bàn tỉnh chỉ có một nhà máy chế biến, thế nhưng lại thu mua qua thương lái việc này ảnh hưởng tới lợi nhuận của người nông dân…
Đi tìm cơ chế mới
Theo ông Nguyễn Đức Tùng, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), Mỹ hiện là thị trường tôm lớn của Việt Nam và người tiêu dùng Mỹ cũng kỳ vọng Việt Nam cung cấp cho họ sản phẩm tôm được sản xuất theo chuỗi bền vững về môi trường. Đại diện SeafoodWatch cho biết, hiện trên 90% thị trường bán lẻ khu vực Bắc Mỹ cam kết chỉ mua và cung cấp cho khách hàng hải sản bền vững môi trường, còn đối với EU là 75%. Nguyên nhân là do phong trào bảo vệ môi trường biển tại các khu vực đang phát triển rất mạnh, nên xu hướng đảm bảo tính bền vững môi trường cũng là tiêu chí quan trọng đối với sản phẩm hải sản bền vững trong tương lai. Vì vậy, đối với sản phẩm hải sản, một khi đạt chuẩn xanh của SeafoodWatch sẽ được bán với giá khá cao, nhưng tiêu thụ vẫn rất tốt.
SeafoodWatch cũng hợp tác với nhà nhập khẩu tôm lớn nhất Mỹ là Chicken of the Sea và đối tác Việt Nam là Tập đoàn thủy sản Minh Phú triển khai thí điểm sản xuất tôm đạt chuẩn cao nhất – tốt nhất – xanh với cam kết cải thiện tính bền vững môi trường cho 20.000 trạng trại/hộ nuôi tôm tại 8 tỉnh ĐBSCL. Cách tiếp cận mới này của SeafoodWatch với chi phí không quá cao thông qua việc xác nhận cho cả vùng bằng phương pháp lấy mẫu ngẫu nhiên nhưng vẫn đảm bảo tính chính xác, hiệu quả của tiêu chuẩn.
Ông Nguyễn Đức Tùng cho biết, năm 2019, trọng tâm làm sao đưa con tôm Việt Nam lên một tầm cao mới trên thị trường quốc tế. Và để làm được điều này, Ban IV đã phối hợp cùng SeafoodWatch và SeafoodWatch đã xây dựng bộ tiêu chuẩn ASIS Shrimp theo mô hình nội địa hóa dựa trên tiêu chuẩn VietGAP và các tiêu chuẩn quốc tế để quá trình thực hiện được thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, Ban IV đã xây dựng và trình Chính phủ cơ chế thí điểm nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao cùng bộ quy tắc ứng xử trong chuỗi giá trị sản xuất tôm bền vững môi trường; trong đó chú trọng làm sao để chi phí đầu vào thấp nhất, lợi nhuận người nuôi cao nhất, thông qua sự công bằng, minh bạch về tiêu chuẩn và giá cả thị trường.
>> Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân và các địa phương Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau dự kiến thí điểm lựa chọn các nhà nuôi tôm, cung ứng thức ăn, cơ sở hạ tầng, ngân hàng… tạo thành một chuỗi khép kín theo quy trình chuẩn. Bước đầu sẽ thực hiện thí điểm trên mô hình 10 – 50 ao nuôi tôm/địa phương để đảm bảo chất lượng tôm thương phẩm của Việt Nam có thể đạt được thẻ vàng, thẻ xanh vào thị trường Mỹ. |