THỨ BA, ngày 21/1/2025

Tạo khác biệt cho cá tra Việt Nam

Chưa có đánh giá về bài viết

Xác định được vị thế chủ lực, cá tra Việt Nam đang từng bước hoàn thiện liên kết, quy trình truy xuất nguồn gốc sản phẩm tạo ta chuỗi sản xuất mang lại giá trị tăng cao.


Cá tra được nuôi chủ yếu ở các tỉnh ĐBSCL

Nuôi trồng

Tại Việt Nam, cá tra được nuôi chủ yếu ở các tỉnh ĐBSCL, diện tích nuôi thương phẩm khoảng 5.400 ha (tăng 3,25% so năm 2017), sản lượng 1,42 triệu tấn (tăng 15%). Ba tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Bến Tre chiếm 72% sản lượng nuôi cá tra. Diện tích nuôi cá tra thương phẩm đã được chứng nhận GAP là trên 3.834 ha, trong đó riêng chứng nhận VietGAP là 1.834 ha.

Về sản xuất giống, diện tích ương cá tra giống năm 2018 là 8.552 ha, tăng 21,6% sovới năm 2017, đã cơ bản đáp ứng nhu cầu nuôi thương phẩm. Ba địa phương có diện tích ương giống tăng đáng kể là Long An (tăng 56%), An Giang (tăng 21,1%), Đồng Tháp (tăng 8,8%). Tỷ lệ ương đạt thấp do bệnh gan thận mủ, xuất huyết, bông xù đuôi, xảy ra trong giai đoạn ương 15 – 20 ngày. Để nâng cao chất lượng cá tra giống, Bộ NN&PTNT cùng các đơn vị đã triển khai hàng loạt các dự án như: “Sản xuất cá tra giống chất lượng cao” được Viện Nghiên cứu NTTS II thực hiện từ tháng 3/2016 đến 31/12/2020; Liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL; Sản xuất thử nghiệm “Hoàn thiện công nghệ ương giống và nuôi thương phẩm cá tra chất lượng cao” dự kiến được triển khai vào cuối năm 2019…

Chế biến, xuất khẩu

Năm 2018, cá tra Việt Nam xuất khẩu tới 133 thị trường với sản lượng đạt 876,7 nghìn tấn, giá trị 2,26 tỷ USD, tăng 5,41% về lượng và 28,3% về giá trị so với năm 2017. Lượng xuất khẩu cá tra tăng mạnh tại khu vực ASEAN và giảm tại các khu vực Bắc Mỹ, EU, Trung Đông và Nam Mỹ.

Trung Quốc – Hồng Kông là thị trường có lượng nhập khẩu lớn nhất đạt 255,7 nghìn tấn, kim ngạch đạt 528,7 triệu USD, tăng 24,8% về lượng và 32,5% về giá trị so với năm 2017. Mỹ đứng thứ 2 về lượng nhập khẩu với 124,6 nghìn tấn, tăng 22,7%. Tuy nhiên, thị trường Mỹ lại đứng thứ nhất về giá trị, đạt 549,5 triệu USD tăng 59,5%. Thị trường EU đạt 84,1 nghìn tấn đạt 245,1 triệu USD, giảm 0,5% về lượng nhưng tăng 20,2 % về giá trị so với năm 2017. Thị trường ASEAN nhập khẩu cá tra Việt Nam năm 2018 đạt 95,8 nghìn tấn, trị giá 202,7 triệu USD, tăng 23,3% về lượng và 41,5% về giá trị so với năm 2017. 

Giải pháp tăng trưởng

Để ngành cá tra phát triển mạnh hơn nữa, theo chia sẻ của người trong cuộc, cần phải giải quyết những vấn đề cốt lõi. Thứ nhất, các đơn vị trong chuỗi cung ứng nuôi trồng cùng tham gia cải thiện về mặt chất lượng, chi phí nuôi; Ứng dụng công nghệ trong ươm giống và cải thiện chất lượng nuôi; sản lượng nuôi cần được xây dựng kế hoạch, định hướng cân đối theo nhu cầu thị trường.

Cùng đó, áp dụng cải tiến công nghệ tự động hóa trong chế biến; kiên quyết nói không với chất lượng thấp; áp dụng hệ thống truy xuất minh bạch; đa dạng hóa và nâng cao giá trị sản phẩm. Định hướng lại nhu cầu thị trường; cạnh tranh lành mạnh; quảng bá hình ảnh cá tra có chứng nhận và thay đổi nhận thức người tiêu dùng từ chất lượng thật; linh hoạt theo nhu cầu thị trường về xu hướng tiêu dùng.

Trên hết, cộng đồng doanh nghiệp cá tra các hộ nuôi, nhà máy thức ăn và các đơn vị trong chuỗi cá tra cần cung nhau ngồi lại xây dựng chiến lược ứng phó thách thức; cùng nhau xây dựng hình ảnh cá tra Việt khác biệt và độc đáo; mức giá hợp lý để chuỗi phát triển bền vững phù hợp với sự chịu đựng của thị trường tương quan giá các loại cá thịt trắng khác nhau, tránh sự gia nhập của các nước khác vào nuôi cá tra.

>> Họ cá tra (danh pháp khoa học: Pangasiidae) chứa khoảng 28 loài cá nước ngọt đã biết thuộc bộ cá da trơn (Siluriformes). Họ cá tra theo ITIS có 3 chi, gồm: Sinopangasius (1 loài), Helicophagus (3 loài) và Pangasius (27 loài). Ngoại trừ 3 loài: cá hú, cá dứa và cá bông lau, những loài cá trong họ cá tra có 3 nhóm: nhóm cá tra, nhóm cá vồ và nhóm cá xác.

PV

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!