T2, 06/07/2020 12:08

Tập đoàn Sao Mai: Tạo lợi thế từ mô hình “hộ nuôi liên kết”

Chưa có đánh giá về bài viết

Ngày 14/3, tại TP Long Xuyên (An Giang), Tập đoàn Sao Mai đã tổ chức Hội nghị khách hàng “Thức ăn thủy sản Sao Mai & Đánh giá hiệu quả mô hình nuôi liên kết” mà Tập đoàn áp dụng trong thời gian qua. Tham dự có đại diện các cơ quan chức năng, các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp và đông đảo hộ nuôi trồng thủy sản tại ĐBSCL.

hội nghị khách hàng tập đoàn sao mai

Mô hình “Hộ nuôi liên kết”, giai đoạn I, thông qua phương thức: Tập đoàn Sao Mai đầu tư thức ăn và bao tiêu sản phẩm được Tập đoàn triển khai thực hiện hơn một năm qua, với sự tham gia của 51 hộ nuôi tiêu biểu ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Cần Thơ. Theo đó, Tập đoàn Sao Mai đầu tư 100% thức ăn thủy sản Sao Mai, hướng dẫn cách nuôi cá sạch theo tiêu chuẩn GlobalGAP, với mức khoán gia công 4.600 đồng – 4.800 đồng/kg cá đã mang lại hiệu quả cao khi các hộ nuôi có lợi nhuận 900 – 1.500 đồng/kg.

Các hộ nuôi liên kết đều đạt sản lượng rất khá, thấp nhất cũng đạt 800 tấn/năm, thu lợi 1 – 1,2 tỷ đồng, cao nhất là hơn 3.000 tấn, thu lợi gần 4 tỷ đồng, đảm bảo cung cấp 80% nguồn nguyên liệu cho Nhà máy chế biến thủy sản số 1 hoạt động liên tục. Điều này cho thấy hiệu quả mô hình mà Sao Mai triển khai đã thành công. Tại hội nghị, các đại biểu đều khẳng định, bên cạnh yếu tố môi trường, thổ nhưỡng, kỹ thuật nuôi tốt thì thức ăn đóng vai trò quan trọng. Bởi chất lượng thức ăn tốt thì sản lượng cá, chất lượng, màu sắc thịt cá, tỷ lệ fillet mới đạt yêu cầu. Các ý kiến này cũng đồng thuận về chất lượng thức ăn thủy sản Sao Mai đang được khách hàng đánh giá cao.

Lãnh đạo Tập đoàn Sao Mai cho rằng, trong tình hình giá cá tra nguyên liệu biến đang động mạnh và xuất khẩu thủy sản của Việt Nam nói chung tiếp tục gặp nhiều khó khăn, nhưng quan điểm của Tập đoàn luôn đề cao sự gắn kết, hợp tác tốt giữa hộ nuôi và doanh nghiệp.

Ông Lê Thanh Thuấn, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Sao Mai, chia sẻ: Từ tháng 11/2015, Công ty IDI (thành viên của Sao Mai Group) đưa vào vận hành nhà máy chế biến thủy sản thứ 2, công suất 300 tấn/ngày, nên nhu cầu về nguồn nguyên liệu đã tăng gấp đôi (600 tấn ngày cho cả 2 nhà máy 1 và 2). Mặt khác, thị trường tiêu thụ sản phẩm thủy sản xuất khẩu của IDI đã vươn đến 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Vì vậy, mối liên kết giữa hộ nuôi – doanh nghiệp sẽ góp phần nâng cao chất lượng, chủ động sản lượng và ổn định giá cá tra nguyên liệu. Đây cũng được xem là lợi thế cạnh tranh tối ưu với doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu lớn như IDI.

ông lê thanh thuấn chủ tịch kiêm tổng giám đốc tập đoàn sao mai

Ông Lê Thanh Thuấn, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Sao Mai phát biểu tại Lễ Khởi công Nhà máy

Tại hội nghị, ngoài thảo luận của các hộ nuôi, nhà phân phối, PGS-TS Lê Thanh Hùng – Giảng viên Trường Đại học Nông lâm TP HCM cũng đã trình bày báo cáo đánh giá chất lượng thức ăn thủy sản Sao Mai dựa trên nghiên cứu khoa học, khảo sát ý kiến khách hàng; tiềm năng và giải pháp phát triển để đưa sản phẩm mới của Tập đoàn thâm nhập thị trường. Bên cạnh đó, nhãn hàng Dầu ăn cao cấp Ranee công bố danh sách các hộ nuôi giỏi, hợp tác tốt với Tập đoàn được nhận gói tài trợ 200 đồng/kg cá, với tổng trị giá gần 1 tỷ đồng. Đồng thời, Tập đoàn Sao Mai cũng kịp thời khen thưởng cho các hộ nuôi nhằm biểu dương tinh thần gắn kết với Nhà máy trong thời gian qua.

Sao Mai Group đang có sự chuẩn bị tốt, một mặt tạo tiền đề cho Nhà máy chế biến thức ăn thủy sản Sao Mai mới có công suất 360.000 tấn/năm, tổng vốn đầu tư trên 500 tỷ đồng đi vào hoạt động trong thời gian sớm nhất. Mặt khác, phấn đấu đạt mục tiêu tăng thứ hạng của IDI vươn lên trong TOP đầu của những doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản lớn nhất Việt Nam khi IDI tiếp tục được FSIS (Cơ quan Thanh tra An toàn Thực phẩm – Bộ Nông nghiệp Mỹ) cấp phép xuất khẩu vào thị trường Mỹ.

>> Nhà máy chế biến thức ăn thủy sản trị giá trên 500 tỷ đồng của Sao Mai Group:

Được khởi công vào tháng 10/2015 tại Cụm công nghiệp Vàm Cống, tỉnh Đồng Tháp, Nhà máy tọa lạc trên diện tích 5 ha, công suất 60 tấn thành phẩm/giờ, tương đương sản lượng 360.000 tấn/năm, đáp ứng đủ nhu cầu thức ăn thủy sản trong vùng nuôi của Sao Mai Group trong vòng 5 năm tới.Nhà máy được thiết kế hiện đại, với hệ thống công nghệ thiết bị tiên tiến từ các nhà cung cấp nổi tiếng thế giới như như Stolz – Pháp, Andritz – Đan Mạch, Famsun… với tổng vốn đầu tư trên  500 tỷ đồng. Dự án nằm trong chiến lược đầu tư chiều sâu trong lĩnh vực nuôi trồng – chế biến thủy sản của Tập đoàn, là một bước tiến trong lộ trình khép kín sản xuất ngành hàng cá tra, nâng cao chuỗi giá trị hướng đến phát triển bền vững, tạo nền tảng vững chắc đón đầu cơ hội kinh doanh khi TPP chính thức “mở cửa”.

Hoàng Xuân

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!