(TSVN) – Tại Hội nghị Diễn đàn Quốc tế Phát triển Bền vững vùng ĐBSCL lần II năm 2024, với chủ đề “Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa: Động lực cho Phát triển Bền vững vùng ĐBSCL”, diễn ra ngày 29/11 tại TP. Cần Thơ, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, đã trình bày kế hoạch “Quy hoạch lại hệ thống thủy lợi và ngành tôm ĐBSCL theo hướng tiếp cận thuận thiên”.
ĐBSCL, với tiềm năng phát triển mạnh mẽ, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế và bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Vùng đã thực hiện công nghiệp hóa và hiện đại hóa trong nhiều năm qua, đạt được các thành tựu đáng kể, góp phần thay đổi diện mạo kinh tế – xã hội của khu vực. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, ĐBSCL đang đối mặt với nhiều thách thức do biến đổi khí hậu và các biến động kinh tế toàn cầu. Để vượt qua các khó khăn này, ngoài các chính sách hiệu quả, cần phải tăng cường sự hợp tác giữa các cấp chính quyền, doanh nghiệp, các tổ chức nghiên cứu – giáo dục và cộng đồng.
Tại hội nghị, ông Lê Văn Quang đã trình bày chi tiết kế hoạch phát triển “Quy hoạch lại hệ thống thủy lợi và ngành tôm ĐBSCL theo hướng tiếp cận thuận thiên”, với mục tiêu thích ứng với biến đổi khí hậu, tối ưu hóa hệ thống thủy lợi và kiểm soát hiệu quả triều cường, lũ lụt. Đồng thời, kế hoạch cũng chú trọng phát triển ngành tôm bền vững, nâng cao tỷ lệ sống, giảm chi phí và gia tăng lợi nhuận cho người nuôi.
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, đã trình bày kế hoạch “Quy hoạch lại hệ thống thủy lợi và ngành tôm ĐBSCL theo hướng tiếp cận thuận thiên”
Một phần quan trọng trong kế hoạch là chuyển đổi các vùng đất trồng lúa và nuôi tôm kém hiệu quả thành các khu nuôi tôm công nghiệp quy mô lớn, từ 300 đến 10.000 ha. Những khu vực này sẽ được trang bị hệ thống đường ống cấp nước biển hiện đại và áp dụng công nghệ sinh học Minh Phú Bio 5 trong 1, giúp tăng giá bán tôm lên 20% và tỷ lệ sống lên đến 90%.
Công nghệ nuôi tôm sinh học Minh Phú Bio sẽ được ứng dụng để cải tạo các khu nuôi tôm công nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất. Tỷ lệ sống của tôm đạt 80%, cao hơn nhiều so với các phương pháp nuôi truyền thống. Diện tích mặt nước thả giống cũng được gia tăng từ 30% lên 60%, giúp nâng cao khả năng phát triển của tôm. Các ao nuôi sẽ được cải tạo với hệ thống cấp nước và thoát nước riêng biệt, giúp kiểm soát tốt môi trường nuôi. Công nghệ này giảm chi phí sản xuất tới 50% và tăng lợi nhuận từ 10 – 20% so với mô hình nuôi tôm cũ.
Quy hoạch Khu phức hợp tôm tại mỗi tỉnh ven biển ĐBSCL
Ngoài ra, các khu vực ven biển quanh năm mặn sẽ được quy hoạch thành các khu nuôi tôm sú quảng canh và quảng canh cải tiến theo mô hình Ecuador. Mỗi ao nuôi tôm sẽ có diện tích từ 7 – 10 ha, và các hộ dân sẽ được liên kết thành tổ hợp tác, tạo thành các hợp tác xã (HTX) kiểu mới để tăng cường hiệu quả sản xuất và cải thiện thu nhập.
Mô hình tôm lúa cũng sẽ được triển khai, với mùa mưa nuôi tôm càng xen lúa, và mùa khô nuôi tôm sú trong điều kiện nước lợ. Mỗi ruộng lúa kết hợp với ao nuôi tôm có diện tích từ 7 – 10 ha, giúp tối ưu hóa đất đai và nâng cao hiệu quả kinh tế.
Bên cạnh đó, kế hoạch phát triển khu phức hợp tôm tại các tỉnh ven biển ĐBSCL sẽ bao gồm khu công nghiệp chế biến tôm, khu công nghiệp phụ trợ, khu đô thị dân cư và khu nuôi tôm công nghiệp. Đây là một phần của chiến lược phát triển kinh tế bền vững và nâng cao giá trị sản phẩm tôm.
Để hỗ trợ phát triển nông nghiệp và thủy sản, các cụm hồ chứa nước sẽ được quy hoạch với diện tích từ 300 – 10.000 ha. Mục tiêu của các cụm hồ này là cung cấp nước ngọt, chống lũ cho ĐBSCL, cung cấp nước sinh hoạt cho toàn bộ khu vực, đồng thời tạo ra môi trường thuận lợi cho việc nuôi cá nước ngọt.
Địa điểm xây dựng các hồ chứa nước sẽ được lựa chọn tại các vùng giáp biên giới Campuchia và các vùng đất chua phèn khó trồng lúa. Phương thức triển khai bao gồm việc đặt hệ thống đường ống âm dưới đáy các con sông, kéo hệ thống ống cung cấp nước đến các tỉnh trong khu vực ĐBSCL.
Oanh Thảo