Không ngừng nâng cao sự chuyên nghiệp trong quản lý và sản xuất của đội ngũ cán bộ công nhân viên, đồng thời tăng cường hợp tác chiến lược với các đối tác hàng đầu trên thế giới về công nghệ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, Tập đoàn Việt – Úc đang dần khẳng định vị thế con tôm Việt trên trường quốc tế, trở thành điểm sáng thủy sản năm 2015.
Thương hiệu của tôm giống chất lượng
“Điều trăn trở của Tập đoàn Việt – Úc là làm sao sản xuất ra tôm tốt cung cấp tới bà con vì những vụ mùa bội thu. Chất lượng tôm giống chính là yếu tố sống còn của doanh nghiệp và sự thành bại trong vụ mùa của bà con; Nó không chỉ phụ thuộc vào “sức khỏe” của nguồn giống bố mẹ mà còn cả quy trình công nghệ nuôi hiện đại”, ông Bùi Bá Sự, Phó Tổng Giám đốc Kinh doanh Tập đoàn Việt – Úc chia sẻ.
Nổi bật nhất của tôm giống Việt – Úc là nuôi theo quy trình sinh học, không sử dụng kháng sinh, đặc biệt là hệ thống phần mềm hiện đại phân tích cận huyết cấu trúc di truyền, chỉ cần đưa con tôm bố mẹ gắn sẵn con chíp “cà” vào hệ thống máy dò sẽ cho ngay kết quả gia phả của bố mẹ như thế nào, có cận huyết hay không.
Thả tôm giống – Ảnh: Phan Thanh Cường
“Chính quy trình sản xuất tôm giống khắt khe, công nghệ máy móc hiện đại đã cho ra tôm giống Việt – Úc chất lượng cao, là cứu cánh cho nhiều bà con nông dân trong việc xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu”, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Phó Tổng Giám đốc điều hành – ông Tony Đặng Quốc Tuấn chia sẻ tại buổi tọa đàm trong khuôn khổ Hội chợ Thiết bị và Công nghệ Quốc tế (Techmart) 2015.
Tiên phong trong công nghệ cao
Năm 2015, Việt – Úc tiếp tục có bước phát triển thần tốc, thể hiện qua việc đầu tư xây dựng các khu phức hợp sản xuất tôm chất lượng cao trong nhà kính chỉ trong vòng một năm: Diện tích 50 ha tại huyện Hoà Bình, tỉnh Bạc Liêu; 300 ha tại huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định; 315 ha tại xã Hiệp Thành, thành phố Bạc Liêu và sẽ tiếp tục đầu tư 315 ha tại Quảng Ninh năm 2016, tổng kinh phí đầu tư lên đến gần 4.000 tỷ đồng.
Khu phức hợp nuôi tôm công nghệ cao trong nhà kín của Tập đoàn Việt – Úc dựa vào việc sở hữu độc quyền các công nghệ vượt trội: Giống tốt từ các công ty giống của Tập đoàn. Đặc biệt, chủ động được nguồn tôm bố mẹ chất lượng cao nhờ sự chuyển giao công nghệ từ CSIRO – Viện Nghiên cứu Thủy sản hàng đầu thế giới của Úc; Thức ăn có Novaq; Công nghệ nhà màng Israel; Áp dụng hệ thống xử lý nước tuần hoàn công nghệ cao của Mỹ và Hà Lan; Hệ thống cho ăn tự động, nhiệt độ luôn duy trì ở mức 300C…
Sau 3 tháng, tôm nuôi siêu thâm canh trong nhà kính của Tập đoàn Việt – Úc được thu hoạch – Ảnh: Phan Thanh Cường
Chương trình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính góp phần quan trọng trong thực hiện khát vọng “Nâng tầm tôm Việt” của Tập đoàn. Qua đó, sẽ cung cấp sản lượng tôm ổn định cho ngành chế biến xuất khẩu tôm Việt Nam. Giá trị con tôm được nâng lên bởi truy xuất được nguồn gốc, hạn chế tối đa việc gây ô nhiễm môi trường; ít bị tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết, các chỉ số được duy trì ổn định; Áp dụng hệ thống tuần hoàn nên môi trường nước nuôi ổn định, hạn chế sử dụng nước (10 năm mới cần thay nước một lần), hạn chế tối thiểu việc xả thải nước gây ô nhiễm, đảm bảo an toàn sinh học. Vì thế công nghệ này được xem là mô hình nuôi thân thiện môi trường; Năng suất nuôi cao nhưng giảm thiểu diện tích nuôi, có thể áp dụng ở nhiều nơi khác nhau, phù hợp với xu hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời, chương trình mở ra cơ hội chuyển giao một mô hình nuôi tôm mới đến bà con nông dân, với quy mô nhỏ hơn, góp phần phát triển ngành tôm Việt Nam.
Ông Lương Thanh Văn, Chủ tịch HĐQT – Tổng Giám đốc Tập đoàn Việt – Úc, khẳng định: “Nuôi tôm chân trắng với kỹ thuật nuôi siêu thâm canh là hướng phát triển mới đang được một số nước trên thế giới nghiên cứu phát triển. Với những thành công ban đầu cho thấy tín hiệu tích cực, chúng tôi tự tin chương trình này mang lại lợi thế cạnh tranh cho tôm Việt Nam trên thị trường thế giới”.
Tập đoàn thứ 5 trên thế giới chủ động nguồn tôm giống bố mẹ
Nhờ việc nhập công nghệ mới nhất từ Viện Nghiên cứu CSIRO của Úc, đưa Việt – Úc trở thành thương hiệu thứ 5 trên thế giới nhân giống và chủ động được nguồn tôm bố mẹ sau Mỹ, Singapore, Indonesia, Thái Lan… Điều này được Tổng cục Thủy sản đánh giá cao và là sự kỳ vọng lớn của ngành thủy sản Việt Nam đối với thành công của Tập đoàn. Tập đoàn định hướng sẽ tạo ra đàn tôm bố mẹ gia hóa tại Việt Nam, có tốc độ phát triển 20 – 30% so với đàn tôm bố mẹ tự nhiên. Việc gia hóa tôm của Việt – Úc không chỉ là làm riêng cho Tập đoàn mà còn cho ngành tôm Việt Nam, để có thể chủ động được nguồn tôm bố mẹ chất lượng tốt, góp phần phát triển bền vững nghề nuôi tôm.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát tới dự lễ thu hoạch tôm siêu thâm canh trong nhà kính – Ảnh: Phan Thanh Cường
Việt – Úc còn đặt mục tiêu tới năm 2018, trong từng siêu thị, trên mỗi bàn ăn của người dân Việt sẽ có sản phẩm tôm của Tập đoàn.
Trên thực tế, để phát triển ngành tôm một cách bền vững, duy trì thứ hạng cao và thậm chí có thể “đổi màu huy chương”, đưa ngành tôm Việt Nam đứng đầu thế giới phụ thuộc rất nhiều vào những doanh nghiệp tiên phong dám đi những bước táo bạo nhưng đầy vững chắc như Tập đoàn Việt – Úc. Nhìn vào đường hướng phát triển của “điểm sáng” Việt – Úc, chúng ta có thể lạc quan và tin tưởng rằng, dấu ấn tôm Việt Nam trên bản đồ ngành tôm thế giới sẽ được in đậm vào một ngày không xa.
>> “Nhân dịp Xuân Bính Thân 2016, Tập đoàn Việt – Úc trân trọng chúc Quý đối tác cùng toàn thể bà con nông dân một năm mới an khang, thịnh vượng. Chúc ngành tôm nói riêng và thủy sản Việt Nam nói chung ngày một phát triển và vươn xa, tiến lên tầm cao mới”. Thay mặt Tập đoàn Việt – Úc: Tony Đặng Quốc Tuấn – Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc điều hành |