T3, 22/10/2024 02:10

Tập trung xóa hơn 9.300 tàu cá “3 không” trong tháng 11

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Ngày 17/10/2024, Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác IUU họp ở Cà Mau, cho biết cả nước còn hơn 9.300 tàu cá “3 không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp phép). Chủ trì cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu trong tháng 11/2024 tập trung xóa hết tàu cá “3 không”.

Cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác IUU (bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định) có lãnh đạo nhiều bộ, ngành và các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang,Tiền Giang, Bến Tre, Bình Định tham dự.

Theo Bộ NN&PTNT, tình trạng tàu cá vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài tiếp tục diễn biến phức tạp. Từ đầu năm 2024 đến nay đã xảy ra 61 tàu/418 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý (tăng 12 tàu so với cùng kỳ năm 2023). Lực lượng chức năng trong nước phát hiện, bắt giữ, xử lý 19 tàu vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

Hiện cả nước còn hơn 9.300 tàu “3 không” do tình trạng mua bán, chuyển nhượng nhưng không sang tên đổi chủ, không thực hiện thủ tục xóa đăng ký, đăng ký lại tàu cá trong tỉnh và giữa các tỉnh. Việc thực hiện quy định về đăng ký, cấp giấy phép khai thác thủy sản đến nay vẫn chưa hoàn thành khi mới 89% tàu cá có đăng ký và được cập nhật trên cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia; cấp giấy phép khai thác thủy sản mới đạt khoảng 74,1%.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà kết luận hội nghị, yêu cầu xóa tàu cá “3 không” trong tháng 11/2024

Công tác theo dõi, giám sát tàu cá ra vào cảng hiện mới đạt khoảng 40% số tàu hoạt động, giám sát sản lượng thủy sản khai thác qua cảng còn thấp hơn, chỉ mới khoảng 30% sản lượng khai thác. Một số địa phương giám sát sản lượng thủy sản khai thác dưới 5% như Quảng Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An…Việc xử lý vi phạm IUU chưa đúng luật, thống nhất giữa các địa phương, nên địa phương làm nghiêm thì tàu cá có dấu hiệu vi phạm IUU đi sang những nơi chưa nghiêm để cập cảng, bốc dỡ thủy sản.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, tình trạng tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ngày càng tinh vi, như: Sử dụng tàu có chiều dài dưới 15m không lắp thiết bị giám sát hành trình (VMS), cố tình ngắt VMS khi hoạt động gần khu vực vùng biển giáp ranh; cố tình gửi, vận chuyển thiết bị VMS trên tàu khác. Tình trạng tàu cá hoạt động sai vùng xảy ra thường xuyên với số lượng lớn, đặc biệt tại các tỉnh như Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh… và các tỉnh có số lượng lớn tàu làm nghề lưới kéo như Bến Tre, Tiền Giang, Bình Thuận, Kiên Giang, Cà Mau, Bà Rịa-Vũng Tàu.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến kiến nghị tổ chức đợt cao điểm ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, đặc biệt tại 3 tỉnh Kiên Giang, Cà Mau và Bình Định. Các địa phương khẩn trương hoàn thành công tác quản lý đội tàu, đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản, đánh dấu tàu cá, xử lý dứt điểm tàu cá “3 không”. Kiểm soát chặt chẽ tàu cá ra vào cảng, giám sát sản lượng thủy sản khai thác, khẩn trương thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử (eCDT) và kiên quyết xử lý hình sự hành vi hợp thức hóa hồ sơ cho các lô hàng xuất khẩu.

Trước hội nghị, ngày 16/10, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà gặp ngư dân thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh nêu thực trạng, tàu cá từ 12m – 15m hiện không bắt buộc phải lắp đặt thiết bị VMS nên vi phạm khai thác đang tập trung vào số tàu này, nhất là những tàu đăng ký ở Bình Định mà hoạt động ở địa phương khác. Vì vậy, cần có cơ chế quản lý chặt đối với tàu từ 12m – 15m.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cũng kiến nghị có cơ chế quản lý tàu cá dưới 15m. Cà Mau có nhiều tàu cá nên việc xử lý tàu mất tín hiệu kết nối khi ở trên biển, tàu bị xóa đăng ký rất khó khăn. Cụ thể, Cà Mau có 4.332 tàu cá đang hoạt động, trong đó, 1.551 tàu dài từ 15 mét trở lên đã lắp đặt thiết bị VMS nhưng việc điều tra, xác minh để xử lý hành vi vi phạm vẫn nan giải bởi liên quan nhiều địa phương. Nên kiến nghị trung ương chỉ đạo các địa phương cùng đồng loạt thực hiện và có cơ chế phối hợp chặt chẽ. 

Riêng tại Cà Mau, từ ngày 16/10 đến ngày 1/11/2024 mở đợt cao điểm xóa tàu cá “3 không”, tập trung vào tàu đóng mới, cải hoán, mua bán, tặng cho đang hoạt động. Đồng thời, kiểm tra, cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật; xóa đăng ký; đăng ký và cấp giấy phép khai thác thuỷ sản theo quy định. Đặc biệt là hướng dẫn và hỗ trợ số hóa hồ sơ quản lý tàu cá.

Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh cho biết, tỉnh có hơn 300 tàu cá đang được tiến hành đăng ký để xóa “3 không”. 

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu lãnh đạo các địa phương thẳng thắn, trung thực, khoa học, cầu thị để đánh giá chính xác, tìm ra nguyên nhân sau 7 năm vẫn chưa gỡ được “thẻ vàng” IUU, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra vi phạm ngày càng cao, có tính liên quốc gia. Hiện còn rất nhiều tàu cá “3 không” là do chưa rõ trách nhiệm của các lực lượng chức năng trong quản lý hoạt động tàu cá từ cửa sông đến cảng cá và trên biển, các quy định quản lý, xử lý tàu cá, chủ tàu vi phạm và công tác tổ chức thực hiện chưa sát với thực tiễn.

Phó Thủ tướng yêu cầu, trong tháng 11/2024, các địa phương phải hoàn thành việc đăng ký, quản lý 100% tàu cá tại địa bàn; cục Kiểm ngư phối hợp với các lực lượng chấp pháp trên biển kiểm soát để kiên quyết xóa tàu cá “3 không”. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ NN&PTNT phối hợp, khẩn trương kết nối, chia sẻ với các địa phương cơ sở dữ liệu về tàu cá đăng ký và hoạt động trên biển. Giải pháp tổng thể để xóa tàu cá “3 không”, gỡ “thẻ vàng” IUU cũng nhằm nâng cao hiệu quả khai thác, bảo vệ nguồn lợi hải sản, xây dựng nghề cá hiện đại.

  Sáu Nghệ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!