T5, 17/08/2023 03:14

TARS 2023: Tái tạo ngành nuôi tôm châu Á

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Ngành nuôi tôm châu Á đang phải đối mặt với những thách thức đến từ quá trình lạm phát và suy thoái kinh tế nghiêm trọng. TARS 2023 khai mạc ngày 16/8/2023 tại Bali, Indonesia. Hội nghị mở ra một hướng đi mới cho ngành tôm châu Á bằng cách xem xét các điểm nghẽn và đưa ra một số giải pháp bền vững.

Theo bà Zuridah Merican, Tổng biên tập Tạp chí Nuôi trồng thủy sản châu Á Thái Bình Dương và Chủ tịch của TARS 2023, một trong những thách thức mà ngành nuôi tôm châu Á đang gặp phải chính là tỷ lệ sống thấp. Ngoài ra, vẫn có những rủi ro hệ thống lớn hơn cần được xem xét. Người nuôi cần chủ động cải thiện mô hình nuôi, giảm thiểu bệnh tật, phù hợp với dinh dưỡng và di truyền, đồng thời tập trung nhiều hơn vào tính bền vững. 

Phiên toàn thể tại TARS 2023. Ảnh: Nghĩa Dương

Trong phiên họp ngày 16/8, TARS 2023 đã thảo luận về những thách thức trong ngành nuôi tôm châu Á hiện nay. Những yếu tố ảnh hưởng đến tỷ lệ sống của con giống, lợi nhuận và chi phí sản xuất cũng được các diễn giả bàn luận. Đồng thời, các chủ đề chính bao gồm tìm hiểu vai trò của ngành di truyền học và dinh dưỡng đối với quá trình cải thiện tỉ lệ sống sót cho tôm;  những giải pháp cho chiến lược tiếp thị và sản xuất tôm châu Á; một số nghiên cứu về dinh dưỡng và sức khỏe tôm, các công nghệ mới và đang nổi trên thị trường, xây dựng thương hiệu và tiếp thị; quản lý rủi ro; và cơ hội đầu tư vào nuôi tôm châu Á cũng được trình bày trong các phiên thảo luận cùng ngày.

Đặc biệt, trong phiên thảo luận sáng ngày 17/8, ông Wei Che Wen, Giám đốc Kinh doanh và Tiếp thị – Châu Á, Công ty TNHH Uni-President Việt Nam nhận định, tại Việt Nam, theo một khảo sát năm 2022, tỷ lệ nuôi tôm thành công chỉ đạt dưới 30%. Một số khu vực như miền Trung của Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề hơn bởi dịch bệnh, chất lượng nước và chi phí sản xuất. Do đó, mục tiêu chính là gia tăng niềm tin của khách hàng và đưa ra các mô hình quản lý hiệu quả để đạt tỷ lệ thành công cao hơn trong canh tác. Hiện đã có ba loại mô hình nuôi tôm thâm canh; ao đất và bể tròn lót bạt. Giải pháp cho sự bền vững về kinh tế, môi trường và xã hội trong tương lai của nghề nuôi tôm ở Việt Nam sẽ phụ thuộc vào cách chúng ta hỗ trợ định hướng cho người nuôi tôm trong các khâu quản lý nước và ao hàng ngày cũng như duy trì hệ thống vi khuẩn cân bằng để đạt được vụ mùa thành công và ổn định. 

Trong các phiên còn lại của hội nghị, các diễn giả sẽ tiếp tục bàn luận về các kỹ thuật và công nghệ giúp tháo gỡ những khó khăn về sức khỏe và tỉ lệ sống cho tôm. Hội nghị sẽ kết thúc vào chiều ngày 17/8/2023. 

>> Tiến sĩ Zuridah Merican, Tổng biên tập Tạp chí Nuôi trồng thủy sản châu Á Thái Bình Dương và Chủ tịch của TARS 2023: “TARS là nỗ lực của các bên liên quan và vai trò của chúng tôi là cầu nối chia sẻ kiến thức và thông tin vì một mục tiêu chung, nhằm đảm bảo ngành nuôi trồng thủy sản bền vững cho thế hệ tiếp theo.” 

Ngọc Minh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!