(TSVN) – Vào tháng Chạp hàng năm, khi những cơn gió heo may bắt đầu thổi, đồng nước cạn dần đầy rẫy cá, tép… cũng là lúc người dân đồng bằng sông Cửu Long – nhất là vùng Đồng Tháp Mười bắt tay vào mùa tát đìa để bắt tôm, cá… ăn Tết!
Nét độc đáo của vùng Đồng Tháp Mười mỗi độ xuân về
Tát đìa thường diễn ra từ tháng Chạp đến tháng Hai âm lịch, người dân sử dụng máy bơm nước, thau, thùng, hoặc gàu. Trước đây, ở vùng Đồng Tháp Mười này chỉ cần ra đồng ruộng, lung bàu, mương đìa… là nhìn thấy từng đàn cá bơi ngay trên mặt nước, chỉ cần bước xuống ruộng là bắt được cá – nhất là khi rút nước ra, làm vệ sinh đồng ruộng chuẩn bị gieo sạ vụ lúa Đông Xuân. Hừng sáng ra đồng, xách theo cái giỏ, cái thau,… men theo luống cày là bắt được vô số cá, tép… Siêng một chút, thì sử dụng thau, thùng, gàu… tát một cái đìa hoặc đoạn mương nhỏ là có được rất nhiều cá sặc, rô, trê, lóc, chốt, lòng tong, tôm, tép…
Thành quả thu hoạch
Vào những ngày cận Tết cổ truyền dân tộc, nhà nào có tát đìa thì cả một xóm đến cùng nhau phụ giúp. Mỗi người một việc, tự phân chia nhau làm: người tát ao, đìa; người quăng những nhánh chà ra khỏi đìa… Tát nước ra xong, đìa cạn những con cá lóc, cá trê, cá rô… chúi sâu dưới sình, tới lúc ngộp mới ngoi lên mặt đìa, người bắt cứ việc túm đầu cá bỏ vào giỏ…
Ông Nguyễn Văn Quang ở xã Phú Thành B, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp vui vẻ chia sẻ: “Mỗi lần tát đìa, gia đình tôi thu hoạch gần cả trăm ký cá tôm, lươn, rắn các loại và khoảng 10 kg tôm càng xanh. Bắt được cá lớn, tôm càng ngon… tôi thường gửi tặng cho các anh em chòm xóm đến phụ tát đìa đem về nhà ăn lấy thảo; chừa một mớ cá, tôm đem về nhà chia cho bà con dòng họ để cùng ăn; số còn lại, tôi lựa những lớn để dành ăn Tết hoặc làm mắm, phơi khô để sau Tết ăn. Phần tôi đem bán kiếm tiền để gia đình chuẩn bị đón mừng Tết”.
Ông Lê Văn Hải, xã Hòa Bình, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp bày tỏ: tôm cá bắt được sau khi tát đìa, ông cũng biếu cho họ hàng và chòm xóm cùng ăn, ngoài ra cũng phơi khô hoặc làm mắm để ăn dần… Những con cá nhỏ được ủ kỹ với muối hột trong lu, khạp da bò để sau vài tháng nấu lấy nước mắm. Đây là loại nước mắm “cây nhà lá vườn” rất thơm ngon, giàu chất dinh dưỡng không thua gì với nước mắm cá cơm Phú Quốc hay nước mắm Phan Thiết…
Sản vật thiên nhiên ban tặng cho con người là vô cùng quý giá. Mùa tát đìa bắt tôm cá… ăn Tết đã được xem như là một hoạt động kiếm sống độc đáo và dân dã. Tát đìa bắt tôm cá vừa giúp cải thiện bữa ăn hằng ngày, vừa có nguồn thu nhập mua sắm đồ đạc trong gia đình để vui Xuân – đón Tết. Tuy nhiên, nguồn lợi thủy sản đang dần cạn kiệt do một bộ phận người dân khai thác quá mức, với những ngư cụ mang tính hủy diệt nên mùa tát đìa hằng năm đang lùi dần vào ký ức của mọi người… Tát đìa bắt tôm cá… chỉ còn lác đác ở những khu du lịch miệt vườn, khu du lịch homestay… tái hiện lại cảnh sinh hoạt của người dân đất phương Nam
Trần Trọng Trung