Mặc cho giá lạnh, gió rầm réo, nhiều ngư dân vẫn ra khơi bám biển; trên bờ nhiều chị em vùng biển không chịu cảnh ngồi không mà gấp gáp làm việc ở các cơ sở chế biến hải sản.
“Của để dành” lo tết
Chiều âm u, những con sóng cứ chồm lên, nước bắn tung tóe vào bờ, nhưng chủ tàu Nguyễn Thành Sáng (thôn 2, xã Duy Vinh, Duy Xuyên) vẫn quỳ trước mũi tàu thắp hương khấn vái cầu mong lộc biển. Năm bạn câu đi cùng tàu của anh Sang tất tả vận chuyển đồ nghề chuẩn bị cho một đêm đánh bắt. Dọc bến An Lương – xã Duy Hải, hàng trăm thúng chai cắm cờ đang chực sẵn trên bờ, chỉ cần có “lệnh” xuống nước là tập kết hết lên tàu ra khơi. Theo anh Sáng, những mùa biển trước, chỉ khi nào trời quang mưa tạnh, ngư dân mới nhổ neo, nhưng năm nay, ngay cả khi gió cấp 5 – 6, phần lớn tàu thuyền ở các làng Thuận Trì, An Lương, Tây Sơn Đông (Duy Hải) cũng rủ nhau đi biển. Đơn giản là vì tuy cá, ghẹ “ăn” lưới không nhiều, bù lại rất được giá; thậm chí nhiều khi “trúng mánh” còn thu về nhiều tấn cá đù, cá chai, mực nang. “Nước chuyển màu đục, gió chướng nổi lên, con mực nang, con cá đù mới quần tụ về vùng biển gần bờ càng nhiều. Dù sóng to cấp 5 – 6, nhưng chúng tôi đi có ba bốn tàu thuyền kèm cặp nên ít sợ rủi ro tai nạn” – anh Sáng chia sẻ kinh nghiệm. Tàu anh Sáng có công suất dưới 45CV, chỉ có 5 bạn câu, đánh bắt bằng lưới rập. Ngư dân Nguyễn Văn Năm (thôn Thuận Trì) đi bạn với anh Sáng chia sẻ, nghề biển thu nhập không chừng, nhưng ngày đông này, thả lưới một đêm trừ mọi phí tổn kiếm hơn vài trăm nghìn đồng cũng đủ trang trải cho gia đình lo tết. “Các tháng mùa đông chúng tôi vẫn ra biển đều đều, nhờ đó mà gia đình có “của để dành” để lo toan cho ngày tết” – ngư dân Năm nói.
Ngư dân xã Duy Hải chuyển đồ nghề lên thúng chuẩn bị đi biển. Ảnh: H.Phúc
Nhiều phương tiện đánh bắt ở xã Duy Hải còn trúng đậm mùa ghẹ. Hơn tuần qua, tàu của anh Trần Văn Vinh (thôn Tây Sơn Đông) thu hoạch hơn 2 tấn ghẹ, mỗi bạn câu kiếm hơn 5 triệu đồng. Tàu rập ghẹ của anh Đặng Văn Thành (thôn Thuận Trì) vụ cá nam mỗi năm cũng thu về hơn 60 triệu đồng. Không giống như những tàu đánh bắt khác, vào mùa biển động, các phương tiện dưới 90CV ở xã Duy Hải chỉ đánh bắt gần bờ, thả lưới trích, rập ghẹ sau một đêm rồi cập bờ. Thời gian gần đây, ngư dân địa phương còn tích cực tham gia đẩy đuổi những phương tiện giã cào – vốn tận diệt nguồn lợi hải sản mà Nhà nước đang cấm khai thác bằng ngư cụ này. Ông Nguyễn Văn Thống – Phó Chủ tịch UBND xã Duy Hải cho biết, cả xã có 122 phương tiện tàu thuyền lớn nhỏ với công suất gần 5.000CV. Tháng 12 này, hầu hết các tàu thuyền có công suất 45CV trở lên đều đánh bắt gần bờ. Nghề rập ghẹ, lưới trích đã mang lại giá trị kinh tế không nhỏ cho hàng trăm gia đình.
Giải quyết lao động nông nhàn
Không phát triển nghề biển quy mô như các vùng lân cận, nhưng tại thôn 6 (xã Bình Dương, Thăng Bình) lâu nay đã có hướng đi mới. Cả thôn chỉ có 27 tàu thuyền, trong đó có 15 tàu thuyền công suất 90CV trở lên, sản lượng khai thác hải sản năm nay ước đạt 2.400 tấn. Tuy nhiên, theo ông Phan Phước Sơn – Phó Chủ tịch UBND xã Bình Dương, chính “bà đỡ” hậu cần nghề biển, sự ra đời của những cơ sở chế biến gia công hải sản đã giúp cho ngư dân ổn định đời sống, giảm đáng kể hộ nghèo. Phần lớn chị em phụ nữ trên địa bàn thôn 6 đã được giải quyết việc làm quanh năm từ nghề gia công, chế biến hải sản. Các cơ sở này giải quyết gần 400 lao động địa phương.
Gắn bó với cơ sở chế biến, gia công cá bò Bảy Sơn gần 8 năm nay, chị Trần Thị Bông (thôn 6, xã Bình Dương) cho biết: “Mỗi ngày chủ trả công hơn 100 nghìn đồng, những trường hợp nhận khoán làm hơn 20kg trở lên, kiếm trên dưới 150 nghìn đồng. Với phụ nữ nông thôn, nguồn thu nhập trên khá ổn định”. Theo ông Nguyễn Văn Bảy, chủ cơ sở chế biến, gia công cá bò Bảy Sơn, hiện mỗi ngày có hơn 60 lao động, tuy tình hình sản xuất, kinh doanh có khó khăn hơn trước đây nhưng đơn vị vẫn chưa sa thải, chậm trả lương cho bất cứ một người lao động nào. Nguồn nguyên liệu đầu vào có thời điểm thiếu hụt nhưng người dân vẫn được tạo công ăn việc làm thường xuyên.
Thời gian qua, người dân ở Bình Dương đã dịch chuyển ngành nghề khai thác sang tiêu thụ, chế biến hải sản. Nước mắm Cửa Khe – thôn 6 đã được đầu tư, mở rộng quy mô thành làng nghề truyền thống. Mỗi năm, hàng chục hộ trực tiếp tham gia chế biến nước mắm với sản lượng ước 10 nghìn lít. Theo ông Phan Phước Sơn, chính quyền đã xây dựng đề án nhằm phát triển nghề sản xuất nước mắm, hỗ trợ 150 triệu đồng xây dựng thương hiệu nước mắm địa phương. Tại các hội chợ cấp tỉnh, nước mắm Cửa Khe đã trình làng và điều quan trọng, làng nghề đã giúp cho hàng chục gia đình thoát nghèo, ổn định cuộc sống lâu dài từ sản xuất, chế biến nước mắm.
>> Theo UBND xã Duy Hải, chủ trương của địa phương là phát triển mạnh dịch vụ hậu cần nghề biển và chế biến, gia công hải sản. Năm 2013, cả xã có 18 phương tiện chuyên dịch vụ thu mua trên biển, bình quân mỗi phương tiện mua hơn 20 tấn cá các loại. Ngoài ra, còn chế biến 1.200 tấn mắm chượp, địa bàn có 10 cơ sở chế biến nước mắm, luộc cá, sơ chế cá bò quy mô vừa; giải quyết việc làm tại chỗ cho hơn 300 lao động. |