Sau lần gặp nạn trên biển, đến bây giờ ông Lê Văn Tùng, chủ tàu cá TH1142-TS ở xã Hải Thanh (Tĩnh Gia) vẫn chưa hết bàng hoàng, nhớ lại: Tháng 4/2014, khi đang di chuyển từ đảo Bạch Long Vĩ trở về cách biển Sầm Sơn khoảng 25 hải lý về phía Đông Bắc thì tàu gặp sóng to, do tàu đã sử dụng lâu năm, mạn tàu bị mục nên sóng to đã đánh vỡ mạn tàu, tàu bị chìm.
Rất may cán bộ, chiến sĩ Hải đội 2 – Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa đóng tại thị xã Sầm Sơn đã kịp thời ra cứu vớt, tính mạng 6 thành viên trên tàu an toàn. Sau khi tàu bị chìm, gia đình ông phải vay mượn tu sửa lại tàu hết 260 triệu đồng để tiếp tục vươn khơi, bám biển. Chỉ tay về phía chiếc tàu của gia đình ông Bùi Văn Trị, thôn Thanh Đình, xã Hải Thanh mới bị cháy rụi mà chưa rõ nguyên nhân… đang nằm bờ, chưa có kinh phí tu sửa, ông Tùng cho biết thêm: Gia đình tôi cũng như gia đình ông Trị rất muốn đóng mới hoặc cải hoán tàu để yên tâm vươn khơi khai thác, nhưng do nguồn vốn hạn hẹp nên đành phải sử dụng tàu cá cũ như hiện nay. Không chỉ riêng tàu cá gia đình tôi mà trong tổ đoàn kết có nhiều tàu cá được đóng từ năm 2002 đến nay vẫn tham gia khai thác hải sản trên biển.
Tàu không bảo đảm an toàn vẫn tham gia khai thác hải sản trên biển là thực trạng phổ biến hiện nay ở các địa phương ven biển. Trong năm 2014, không có bão lớn, nhưng vẫn có một số tàu cá ở tỉnh Thanh Hóa gặp nạn trên các ngư trường, gây thiệt hại về người và tài sản. Nguyên nhân chủ yếu là do tàu cá không bảo đảm an toàn nhưng vẫn ra khơi đánh bắt hải sản. Ngay trong những ngày đầu năm 2015, thuyền khai thác hải sản ven bờ công suất 15 CV của một ngư dân xã Tĩnh Hải (Tĩnh Gia) chở anh Hồ Văn Dũng, ở xã Hải Bình ra để tham gia cứu hộ tàu đánh cá của bạn nghề bị chết máy. Gặp lúc sóng to, gió lớn, thuyền chở anh Dũng không thể cập gần mạn tàu cá gặp nạn. Anh Dũng liền nhảy xuống biển, bơi sang phía tàu cá để cứu hộ, nhưng bị sóng nhấn chìm, tử vong.
Nhiều tàu cá ở xã Hải Thanh (Tĩnh Gia) không có số hiệu tàu vẫn tham gia khai thác thủy sản – Ảnh: Lê Hợi
Có thể nói, thực tế các vụ tai nạn trên biển đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết từ chính mỗi ngư dân cũng như từ phía các ngành chức năng.
Đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh có 7.294 tàu cá với tổng công suất 388.168 CV và 26.231 ngư dân tham gia khai thác hải sản. Tuy nhiên, số lượng tàu cá có công suất nhỏ hơn 20 CV tới 4.674 chiếc và 12.170 lao động tham gia đánh bắt hải sản. Với áp lực khai thác ngày càng lớn, nguồn lợi thủy sản vùng biển ven bờ đang có nguy cơ cạn kiệt, đời sống của ngư dân còn nhiều khó khăn do hoạt động chủ yếu theo các nghề truyền thống.
Bên cạnh đó, do khả năng kinh tế có hạn nên phần lớn tàu đánh cá của ngư dân có công suất máy nhỏ, vỏ tàu hầu hết đóng theo kinh nghiệm dân gian, thiếu trang thiết bị bảo đảm an toàn khi hoạt động trên biển, không đủ điều kiện đăng ký, đăng kiểm nhưng vẫn vươn khơi xa. Chính vì vậy, khi gặp sự cố trên biển, do chạy với tốc độ lớn nên rất dễ xảy ra tai nạn. Ngoài ra, nhiều thuyền trưởng, máy trưởng thuộc các phương tiện khai thác hải sản chưa qua các lớp đào tạo chuyên môn mà chủ yếu điều khiển tàu, vận hành máy theo kinh nghiệm và tự học lẫn nhau cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều tai nạn đáng tiếc…
Có thể nói, thực tế các vụ tai nạn trên biển đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết từ chính mỗi ngư dân cũng như từ phía các cơ quan, ban, ngành chức năng. Qua tìm hiểu được biết, hiện nay vì điều kiện khó khăn về kinh tế của ngư dân nên các chủ tàu thường vào miền Trung mua lại tàu cũ về cải hoán lại và tham gia đánh bắt hải sản. Công tác bảo đảm an toàn cho người và tàu cá tại một số địa phương ven biển vẫn bị buông lỏng và bộc lộ nhiều hạn chế, như: Vẫn còn tàu cá đi khai thác thủy sản chưa có biển số đăng ký; thiếu trang thiết bị an toàn, phao cứu sinh, thiết bị phòng cháy, chữa cháy, thiết bị báo hiệu an toàn, tàu xuống cấp nhưng vẫn cố tình ra khơi.
Ông Nguyễn Đức Cường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, cho biết: Thời gian qua, ngư dân trong tỉnh đã mạnh dạn đầu tư đóng tàu công suất lớn để có thể chống chọi với sóng gió, vươn khơi. Tàu cá có công suất 90 CV trở lên chất lượng ngày càng được nâng lên. Tuy nhiên, tàu cá công suất nhỏ hơn 20 CV chiếm số lượng nhiều nhưng chất lượng kém. Một phần do không khuyến khích tàu cá có công suất nhỏ, một phần nguồn lợi thủy sản ven bờ đang ngày một cạn kiệt nên ngư dân không đầu tư cải hoán. Chính vì thế rất dễ gặp rủi ro khi ngư dân ra khơi khai thác hải sản.
Để ngư dân yên tâm trên những hành trình bám biển, chính quyền địa phương các cấp cần tích cực tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến cho ngư dân tìm hiểu, tuân thủ các quy định của pháp luật, quy tắc an toàn khi ra khơi và có chính sách hỗ trợ ngư dân cải hoán, đóng mới tàu cá.