Theo dự thảo xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản, tàu cá đang hoạt động thủy sản không trang bị thiết bị thông tin liên lạc, giám sát, trang bị thiết bị cứu sinh theo quy định có thể bị phạt tới 4 triệu đồng.
Dự thảo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì soạn thảo.
Ảnh minh họa
Dự thảo đề xuất phạt tiền từ 500.000 đồng – 1 triệu đồng đối với tàu cá đang hoạt động thủy sản, có trang thiết bị cứu sinh, thiết bị thông thông tin liên lạc, giám sát nhưng không đầy đủ theo quy định;…
Nếu tàu cá đang hoạt động thủy sản không trang bị thiết bị thông tin liên lạc, giám sát, trang bị thiết bị cứu sinh theo quy định; hoặc sử dụng trang thiết bị thông tin liên lạc, giám sát, cứu sinh chưa được cơ quan có thẩm quyền đăng kiểm có thể bị phạt từ 2 – 4 triệu đồng.
Bên cạnh đó, dự thảo còn quy định các mức xử phạt đối với tàu cá khai thác thủy sản sai phân vùng. Cụ thể, dự thảo đề xuất phạt tiền từ 1 – 2 triệu đồng đối với trường hợp tàu lắp máy có công suất máy chính dưới 20 sức ngựa hoặc tàu không lắp máy khai thác thủy sản tại vùng lộng, vùng khơi và vùng biển cả; phạt tiền từ 2 – 4 triệu đồng đối với trường hợp sử dụng tàu cá lắp máy có tổng công suất máy chính từ 20 đến dưới 90 sức ngựa khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ và vùng biển cả; phạt tiền từ 6 – 8 triệu đồng đối với trường hợp sử dụng tàu lắp máy có công suất máy chính từ 90 sức ngựa trở lên vào khai thác thủy sản tại vùng lộng và vùng biển ven bờ,…
Phạt nặng hành vi đóng mới, cải hoán tàu cá trái phép
Cũng theo dự thảo, tùy theo công suất máy chính, hành vi đóng mới, cải hoán tàu cá khi: chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp văn bản chấp thuận; không có hồ sơ thiết kế phù hợp với quy định được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc đóng tàu cá khác với văn bản chấp thuận; không ký hợp đồng kiểm tra, giám sát với cơ quan đăng kiểm tàu cá trước khi tiến hành đóng mới, cải hoán tàu cá… có thể bị phạt từ 1 – 7 triệu đồng.
Nếu, đóng mới, cải hoán tàu cá thuộc diện cấm phát triển theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể bị phạt từ 7 – 10 triệu đồng và bị tịch thu tàu cá.
Đánh cá bằng điện có thể bị phạt tới 30 triệu đồng
Cũng trong dự thảo này, hành vi sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản có thể bị phạt từ 1-2 triệu đồng. Hành vi sản xuất, kinh doanh, tàng trữ công cụ kích điện để khai thác thủy sản cũng có thể bị phạt từ 5 – 7 triệu đồng.
Bên cạnh đó, dự thảo còn quy định: hành vi tàng trữ, vận chuyển trên tàu cá; sử dụng công cụ kích điện hoặc sử dụng trực tiếp điện từ máy phát điện trên tàu cá để khai thác thuỷ sản có thể bị phạt từ 3 – 30 triệu đồng. Đồng thời, hành vi sử dụng điện lưới để khai thác thủy sản cũng được đề xuất xử phạt từ 10 – 20 triệu đồng.
Đối tượng vi phạm các hành vi trên còn chịu hình thức phạt bổ sung như: Tịch thu, buộc phá hủy công cụ kích điện; công cụ điện, kích điện trên tàu cá; công cụ sử dụng điện lưới để khai thác thủy sản và sản phẩm thủy sản,… hoặc bị tước quyền sử dụng giấy phép đăng ký kinh doanh từ 3 – 6 tháng; tước quyền sử dụng giấy phép khai thác thủy sản từ 6 – 12 tháng.